Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP HCM có nỗ lực nhưng các tỉnh, thành khác nỗ lực nhiều hơn!
Từ vị trí thứ 23 trong năm 2020, TP HCM bị tụt xuống vị trí 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021; có thủ tục hành chính một địa phương làm 30 phút còn TP HCM là 28 ngày.
Sáng 12-8, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các Chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của thành phố.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.
TP HCM giảm 20 bậc
TP HCM giảm 20 bậc, nằm trong nhóm B (gồm 59 tỉnh, kết quả Chỉ số đạt từ 80% - dưới 90%), dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%.
Mổ xẻ nguyên nhân TP HCM, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết có 8 nội dung liên quan đến Chỉ số cải cách hành chính mà thành phố bị trừ điểm.
Trong đó, lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành bị trừ 0,0633 điểm do có các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành muộn so với yêu cầu.
Lĩnh vực cải cách thủ tục bị trừ 0,3334 điểm do chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công TP; còn có hồ sơ trễ hạn và chậm xử lý phản ánh kiến nghị.
Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bị trừ 0,25 điểm do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt; còn có cán bộ, công chức lãnh đạo bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
Lĩnh vực cải cách tài chính công bị trừ 0,6387 điểm do tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu. Trong thời điểm này, TP trải qua thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.
Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách còn chậm.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, TP HCM bị trừ 2/6 điểm.
Giám đốc Sở Nội vụ cho hay năm 2021 có nhiều yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép là "vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế" nhưng tỉ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, tỉ lệ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND thành phố giao không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS), TP đạt 8,6559/10 điểm (bị trừ 1,3441 điểm).
Còn kết quả khảo sát từ cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng thuộc sở, đại biểu HĐND thành phố, lãnh đạo UBND cấp huyện đạt 16/23,5 điểm (bị trừ 7,5 điểm).
Có tỉnh làm 30 phút, TP HCM mất 28 ngày
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát , Văn phòng Chính phủ, cho biết TP HCM thực hiện 5,3 triệu hồ sơ trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ đúng hạn là 99,87%.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, mới chỉ có 11.000 hồ sơ trong số này đã được nhập vào phần mềm một cửa điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia, và tỷ lệ đúng hạn chỉ đạt 63%, còn 37% trễ hẹn.
"Số hồ sơ còn lại vẫn còn trôi nổi, không kiểm soát được. Hệ quả dẫn đến tình trạng báo cáo sai với lãnh đạo thành phố. Qua báo cáo giấy thì 99,87% đúng hạn là không đúng"- ông Hoàng nhìn nhận.
Ông Nguyễn Duy Hoàng đề nghị TP HCM sớm cập nhất tất cả hồ sơ thủ tục hành chính vào phần mềm của quốc gia để có đánh giá toàn diện, bởi đây là yếu tố phản ánh rõ nhất chất lượng giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả 800 dịch vụ công trực tuyến phải được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, TP HCM chỉ có 22 dịch vụ được kết nối. Số lượng này rất ít, đơn lẻ và không liên thông, liên kết giữa các cơ quan nên thủ tục hành chính chưa rút ngắn thời gian.
Ông Hoàng cho hay hầu hết các địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong thanh toán dịch vụ về đất đai, thuế. "Cơ bản các địa phương đều làm được, nhưng TP HCM không làm được. TP HCM quá chậm so với địa phương khác" - ông nói.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thông tin theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, TP HCM mất trung bình 28 ngày để thực hiện thủ tục nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong khi các địa phương đã liên thông thủ tục này thì chỉ mất 30 phút tới một giờ.
TP HCM cũng là một trong những địa phương đứng đầu trong phản ánh của người dân về sự chậm trễ, thái độ trong giải quyết thủ tục hành chính, chiếm 1/5 tổng số phản ánh, kiến nghị của cả nước.
Trước đó, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng báo cáo dự kiến tháng 10, thành phố sẽ ra mắt Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hệ thống này cung cấp 403 dịch vụ công trực tiếp và 25 dịch vụ công thiết yếu.
Đồng thời, thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
Ông Hoàng cho rằng số hoá 1.454 hồ sơ là chưa đủ. Theo báo cáo thì TP HCM có tổng cộng 1.764 hồ sơ thì tất cả đều phải được số hoá. Nghị quyết 85 vừa ban hành ngày 9-7-2022 cũng yêu cầu hàng tháng địa phương phải công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ chậm hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng kết quả các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI đều không như kỳ vọng, các đơn vị cần nhìn thẳng vào sự thật để quyết liệt sửa.
"Chúng ta tìm giải pháp, không tìm giải thích"- Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị không được vịn cớ thành phố lớn nên nhiều vấn đề phải giải quyết mà phải nhìn thẳng vào hạn chế.
Để cải thiện, khắc phục các chỉ số, TP HCM đề ra 12 nội dung thực hiện. Trong đó, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết sẽ đảm bảo tiến độ thực hiện các chỉ đạo của cơ quan Trung ương, lãnh đạo TP, đặc biệt lưu ý đối với nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khiếu nại. Tự kiểm tra, rà soát các việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, giải quyết phản ánh, kiến nghị; không để xảy ra tình trạng số lần đi lại của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính quá số lần quy định.
Đồng thời rà soát, bố trí công chức giữ chức vụ lãnh đạo đúng quy định, đảm bảo số lượng lãnh đạo của cấp phòng, ban, đơn vị trực thuộc ít hơn công chức không không giữ chức vụ lãnh đạo tại phòng, ban, đơn vị trực thuộc.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được thành phố giao vốn triển khai trong năm 2022.
Theo Phan Anh