Chủ tịch Phan Văn Mãi: Chăm lo cho người yếu thế trước tình trạng tăng giá
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng gấp đôi cùng với việc tăng giá nhiên vật liệu sẽ gây lạm phát, bão giá ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm sao phát hiện chăm lo kịp thời cho người yếu thế.
Chiều 5-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2022. Tham dự phiên họp có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ.
Tăng trưởng ngoài dự báo
Đưa ý kiến tại cuộc họp, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nhìn nhận sau 2 năm thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19, TP đã hành động kịp thời để mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, quý 1 TP tăng trưởng 1,8% là vượt qua dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển, trong khi năm 2021 GRDP của TP âm 6,7%.
"Trước đó, chúng tôi cho rằng quý 1 chỉ có thể còn tăng trưởng âm nhẹ nhưng không ngờ lại dương. Điều đó cho thấy sự phục hồi rất mạnh mẽ, đồng đều trên các lĩnh vực", ông Trần Hoàng Ngân nhận định.
Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng hiện nay vẫn âm 14,7% do đơn xin phép xây dựng giảm sâu, nhiều dự án bất động sản đang đóng băng. Nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống âm 8,6% vì du lịch quốc tế chỉ vừa mở cửa.
Ông Ngân cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch bởi đây là ngành có "hiệu ứng domino" với các ngành khác như thương mại, dịch vụ, bán lẻ, buôn bán tại các chợ. Trong đó, cần tăng cường đầu tư những điểm du lịch như công viên bến Bạch Đằng, làm đẹp cảnh quan TP.
"Người ta đến TP.HCM, đến sân bay Tân Sơn Nhất là bị nghẽn ngay. Đáp máy bay nghẽn, bắt taxi cũng nghẽn… Phải quan tâm tháo gỡ ngành du lịch thì mới thúc đẩy được các ngành khác", ông Ngân nói.
Vẫn xem COVID-19 là bệnh nhóm A
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá cao kết quả đạt được trong quý 1-2022. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần nhìn nhận.
"Chúng ta cần quan tâm hơn đến các giải pháp về mặt xã hội, làm sao phát hiện chăm lo kịp thời cho người yếu thế. Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu để khủng hoảng xã hội sẽ rất khó khăn", ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng cho biết đến nay TP vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP. TP là một trong những địa phương triển khai quy hoạch chậm nhất cả nước, đây là một nguyên nhân không tạo được động lực tăng trưởng.
Trước những hạn chế nêu ra, chủ tịch UBND TP.HCM đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm của quý 2-2022. Trong đó, TP vẫn xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A trong quý 2 để có những giải pháp phù hợp, tiếp tục chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ông Mãi cho biết TP sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể để phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng. TP triển khai chương trình khuyến mãi, bình ổn giá năm 2022, tiếp cận gói tài khóa tiền tệ, phát triển du lịch.
Quý 2, TP cũng sẽ triển khai một số trung tâm logistics, phát triển thương mại điện tử… Trong đó, TP cùng các bộ ngành nghiên cứu cảng trung chuyển container tại huyện Cần Giờ.
Ông Mãi yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tư vấn quy hoạch chung TP, triển khai nghị quyết về phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm để đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện hạ tầng.
Đồng thời, triển khai chương trình phát triển nhà ở, dự án chống ngập, tiếp tục nghiên cứu dự án rạch Xuyên Tâm, bổ sung quy hoạch cảng sông, cảng biển, chỉnh trang bờ sông Sài Gòn và một số không gian đô thị.
Ngoài ra, ngành tài nguyên cần đề xuất phương án đấu giá nhà đất để xử lý việc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm. Triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng cho dự án vành đai 3, hoàn tất các thủ tục bàn giao xây dựng nhà ga T3.
"Khả năng năm nay TP sẽ khởi công một số tuyến metro mới", ông Mãi nói.
Định hướng cho phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP quý 2-2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị đeo bám vành đai 2, 3, 4, xúc tiến ngay dự án nhà ga T3, tháo gỡ để sớm đưa vào vận hành dự án chống ngập, nhà ở xã hội.