Chủ tịch Omega Plus Books tiết lộ cách thức dự đoán nhu cầu để xuất bản sách, khẳng định cách để đánh giá một người lãnh đạo có tầm nhìn

Chia sẻ Facebook
05/06/2022 23:32:24

Có 20 năm kinh nghiệm trong ngành xuất bản và rất hiểu thị trường, anh Vũ Trọng Đại, chủ tịch HĐQT công ty Omega Plus Books, nhận thấy Việt Nam đang trải qua làn sóng kiến thức thứ ba. Đây chính là cơ hội để Omega Plus Books đưa một dòng sách mới vào thị trường Việt Nam.


Omega Plus Books (Omega+) là công ty chuyên xuất bản sách khoa học nền tảng thuộc nhiều lĩnh vực: kinh điển, lịch sử, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật... Sách khoa học được coi là phân khúc thị trường ngách, nhiều thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Trò chuyện với anh Vũ Trọng Đại, chủ tịch HĐQT của Omega+, trong khu thư viện đầy ắp sách ở văn phòng công ty, chúng tôi đã được nghe anh chia sẻ những câu chuyện thú vị về tầm nhìn và chiến lược của một đơn vị tiên phong trong việc đưa vào Việt Nam dòng sách mới.

Theo tôi được biết, anh là một người ham đọc sách từ nhỏ. Liệu đây có phải là lý do chính anh bước chân vào ngành xuất bản?

Sách vở đối với tôi là sở thích từ nhỏ. Tuy nhiên, tôi không xác định theo ngành xuất bản bởi tôi học ngành sử ở bậc đại học, và dự định của tôi khi ra trường là giảng dạy và nghiên cứu. Bước chuyển đổi xảy ra khi tôi thi tuyển vào Nhà Xuất bản Thế Giới vào năm 2001. Khi đó, tôi chỉ coi đây là công việc tạm thời để chuẩn bị đủ điều kiện chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Tôi không ngờ rằng tôi đã gắn bó với ngành xuất bản từ khi đó cho đến bây giờ. Đó thực sự là một điều may mắn, vì khi sở thích và công việc ghép lại vào một, chúng ta sẽ làm việc vì đam mê.

Mỗi người khi bước chân vào con đường sự nghiệp đều sẽ đứng trước nhiều lựa chọn mà có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của mình. Trong suốt 20 năm ở ngành xuất bản, ngoài đam mê, đâu là lý do khiến anh ở lại ngành này?

Như tôi vừa nói lúc nãy, tôi rất yêu sách vở, và đây là mong muốn của tôi. Đó là về mặt tình cảm nhé. Còn về mặt lý trí, tôi lại nhớ đến câu chuyện "Chiến lược đại dương xanh".

Chỗ nào nhiều cơ hội thì mọi người sẽ đổ vào đó, đại dương xanh sẽ trở thành đại dương đỏ, và mọi người sẽ có ít cơ hội hơn. Ở cái chỗ nào mà người ta không muốn làm và né tránh thì đó chính là cơ hội của tôi, đại dương xanh của tôi.

Điều này cũng giống như câu chuyện về việc bán giày ở châu Phi. Trong khi nhiều người cho rằng không thể bán giày cho một xứ sở mà người dân quen đi chân đất thì cũng có người nhận thấy đây là cơ hội để khai mở một thị trường mới.

Ngành xuất bản tuy không đóng góp được nhiều về mặt kinh tế cho Việt Nam hiện nay nhưng đó lại là một thị trường bỏ trống. Nếu người trong ngành có năng lực, họ sẽ có cơ hội chinh phục được thị trường.

Với những cuốn sách mang hàm lượng kiến thức cao và rất khó đọc, chiến lược của Omega+ như thế nào để cân bằng với yếu tố thị trường khi lựa chọn một chủ đề để xuất bản?

Omega+ đang nằm trong xu thế chung của thế giới. Đó chính là đại chúng hóa những kiến thức hàn lâm. Các giáo sư của các trường đại học lớn trên thế giới không chỉ viết những cuốn sách chuyên khảo chỉ giới chuyên môn đọc được, mà đã và đang viết những cuốn sách cho đại chúng.

Ví dụ điển hình chính là cuốn "Lược sử thời gian" của ông Stephan Hawking, diễn giải một cách dễ hiểu nhất có thể về thuyết Big Bang. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đọc và hiểu hết được, tôi khá mệt khi đọc cuốn đấy bởi tôi không hiểu nhiều về thuật ngữ vật lí thiên văn (cười)

Ngoài tiêu chí về đầu sách đại chúng hóa kiến thức hàn lâm, Omega+ sẽ chọn sách có thể giải quyết vấn đề của xã hội, thậm chí là dự đoán về những vấn đề sẽ xảy ra trong xã hội. Vấn đề xảy ra rồi mới khai thác thì sẽ chậm mất, bởi việc dịch và in sách sẽ có độ trễ về thời gian nhất định.


Anh có thể lấy ví dụ được không?

Hồi đầu năm 2018, có lần ở quán bia tôi nói chuyện với mấy người bạn về chu kỳ của những cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 1997 xảy ra khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ châu Á. Đến giai đoạn 2008-2009, nền kinh tế thế giới có một khủng hoảng nữa. Như vậy, cứ khoảng một thập niên thì sẽ một cuộc khủng hoảng.

Trong lúc nói chuyện, chúng tôi mới đặt ra vấn đề liệu thế giới những năm 2018-2020 có khủng hoảng hay không. Sau đó, tôi đã mua bản quyền và khai thác cuốn sách của giáo sư Niall Ferguson với chủ đề lịch sử tài chính thế giới. Ông là người nêu ra quy luật: cứ khoảng một thập kỷ thì nền kinh tế thế giới sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng.

Đúng thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, chúng tôi xuất bản được cuốn sách này. Đây chính là cách chúng tôi dự đoán nhu cầu xã hội.

Có những doanh nghiệp dự đoán về nhu cầu thị trường nhưng dự đoán sai, đối mặt với nguy cơ phá sản hoặc đã phá sản. Liệu Omega+ có gặp tình cảnh tương tự với thị trường khi mới ra đời hay không?

Omega+ cho đến lúc này may mắn là chưa gặp tình huống như vậy. Nó bắt nguồn từ 2 yếu tố. Thứ nhất, tôi đã đọc những sách khoa học nền tảng từ rất là sớm nên có cái nhìn bao quát về thị trường. Thứ hai, tôi nhận thấy thị trường xuất bản cũng có những quy luật phát triển của nó.

Omega+ đi song hành với lộ trình mở rộng mối quan tâm của người Việt với tri thức, cũng như là lộ trình hội nhập của Việt Nam ra thế giới.

Những năm 1990, Việt Nam mở cửa với thế giới bên ngoài, lúc đó không chỉ nền kinh tế thay đổi đâu, người Việt cũng bắt đầu tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài để hợp tác với các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư ngoài nước chẳng hạn. Khi này, những đầu sách để tìm hiểu các nước bên ngoài bắt đầu du nhập vào Việt Nam, hình thành làn sóng thứ nhất.

Giai đoạn năm 2000 - 2010, Luật Doanh nghiệp và Công ước Berne về bản quyền tác giả được ban hành đã mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp xuất bản được thành lập. Lúc này làn sóng mới về kiến thức đã được hình thành, kiến thức trong sách vở đã không chỉ còn là nền tảng tìm hiểu về thế giới như những năm 90 mà đã được phân hóa rõ rệt. Ví dụ như Alpha Books thì chuyên về làm sách kinh tế, Nhã Nam chuyên về sách văn học,…

Giai đoạn thứ ba, vào khoảng năm 2015, đây là giai đoạn mà Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào nền móng kiến thức của thế giới. Ở giai đoạn này, về cơ bản Việt Nam đã thỏa thuận xong với các tổ chức quốc tế, khối nước, các nước trên thế giới để hoàn thành các hiệp định song phương và đa phương. Việt Nam đang là nền kinh tế mở nhất thế giới, và muốn phát triển hơn thì chúng ta cần phải dựa vào nền tảng hiểu biết của nhân loại.

Muốn hiểu biết sâu hơn, chúng ta cần phải đi vào lõi kiến thức của nhân loại: lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Omega+ ra đời đúng thời điểm đó (cười). Sự đúng thời điểm này cũng phải trải qua rất nhiều sự cân nhắc và tính toán.

Đã khoảng 6 năm kể từ khi Omega+ ra đời, đâu là cuốn sách mà anh tâm đắc nhất khi xuất bản? Đó có phải là cuốn sách bán chạy nhất không?

Thực ra với tôi mỗi cuốn sách lại phục vụ cho mỗi nhu cầu khác nhau, và mỗi giai đoạn cuộc đời động lực thôi thúc tìm hiểu thế giới lại khác nhau. Cuốn sách tôi thích và cuốn sách bán chạy không phải lúc nào cũng là một.

Ví dụ, năm 2017 tôi yêu thích cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không" của Paul Kalanithi vì triết lí sống của Paul gần gũi với triết lí sống của tôi, truyền thêm cảm hứng cho tôi. Cuốn sách này là best-seller của Omega+ với số lượng gần 100.000 bản.

Đến năm 2018, tôi lại rất thích cuốn "Leonardo da Vinci", cuốn sách này lại có những thông điệp khác khiến tôi phải suy ngẫm. Leonardo da Vinci trở thành thiên tài không phải chỉ vì ông ý có năng lực về vẽ và sáng tạo.

Walter Isaacson (tác giả cuốn "Leonardo da Vinci") nhận thấy rằng Leonardo da Vinci đã hội tụ rất nhiều kiến thức và có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Ông đã có thể vẽ mô hình máy bay từ thời kỳ Phục Hưng (thế kỉ 15), tất cả là nhờ trí tưởng tượng phong phú của ông ý về các bộ máy cơ học và mô phỏng sinh vật.

Trí tưởng tượng của chúng ta như nào thì nó cũng sẽ quyết định cuộc sống và tổ chức của chúng ta. Đến bây giờ, Elon Musk chính là một ví dụ rất điển hình. Việc khao khát mong muốn trên sao Hỏa của Elon Musk khiến nhiều người nghĩ rằng ông ý điên rồ. Tuy vậy, theo tôi, ông ý bảo thế thì chắc là sẽ làm được thôi (cười)

Ngoài ra, trí tưởng tượng cũng sẽ quyết định đến tầm nhìn của doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược. Nếu tôi không tưởng tượng được nhu cầu của xã hội trong 20, 30, 50 năm tới mà chỉ nghĩ đến những nhu cầu hiện thời của xã hội, tôi sẽ không thể tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong.

Và nếu chúng ta không tưởng tượng được một bức tranh xã hội mà chỉ dựa vào những số liệu phân tích, chắc có lẽ Omega+ sẽ không phiêu lưu như vậy (cười)

Chắc hẳn những chủ doanh nghiệp lớn anh từng tiếp xúc đều có trí tưởng tượng phong phú như vậy?

Về cơ bản đều là như vậy, nếu họ không có óc tưởng tượng, hay năng lực phán đoán về nhu cầu xã hội, dù đó là những doanh nghiệp sản xuất, thương mại, hay dịch vụ thì họ cũng sẽ đi ngang, và cuối cùng là đi xuống.

Khi quan sát những người chúng ta thấy thành công ở hiện tại, chúng ta phải nhìn vào chiều quá khứ để hiểu họ có thể phát triển tới đâu. Nếu họ liên tục thành công là bởi sáng tạo, chúng ta có thể đánh giá họ có tầm nhìn.

Những chủ doanh nghiệp lớn mà tôi đã từng tiếp xúc họ đều có tư duy sáng tạo, mạnh mẽ và đổi mới không ngừng. Họ đều xác định được ở thời điểm hiện tại họ có thể làm gì, đồng thời họ cũng có luôn cả tầm nhìn cho tương lai xa hơn.

Nãy giờ chúng ta đã nói nhiều về tầm nhìn và chiến lược, bây giờ chuyển qua khó khăn một chút đi. Theo anh, đâu là đối thủ khó nhằn nhất đối với các công ty trong ngành xuất bản?

Có người từng nói đối thủ số một trong ngành xuất bản là sách lậu. Doanh thu cả ngành xuất bản khoảng 3.000 tỷ VND, tôi nghĩ là sách lậu cũng khoảng đó. Thế nhưng, theo tôi, đối thủ số một của ngành xuất bản lại chính là ngành xuất bản. Rất nhiều đơn vị xuất bản trong nước hay đổ lỗi cho cơ chế, cho quản lý nhà nước, cho thị trường Việt Nam,… Không ai tự trách mình cả. Tại sao không phát kiến ra nhu cầu mới phù hợp với thị trường cơ chứ?

Một ví dụ rất điển hình là trường hợp của Kodak. Vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, Kodak đã tạo ra máy ảnh rửa phim đầu tiên trên thế giới, và cũng chính họ tiên phong trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường và chiến lược định giá hiện đại.

Trước đấy, người ta chỉ quen gọi tên sản phẩm theo địa danh sản xuất hoặc theo tên chủ doanh nghiệp chứ chưa hình thành thương hiệu như cách hiểu hiện đại. Kodak là đơn vị gần như đầu tiên xác lập về thương hiệu và giá trị thương hiệu đối với doanh nghiệp.

Ngành xuất bản ở Việt Nam, theo quan điểm của tôi, bị lạc hậu so với nhiều ngành nghề khác từ 7-10 năm. Sức ì của ngành xuất bản trước hết là do chính các đơn vị xuất bản. Tư duy của họ không thay đổi, và họ đang thiếu trí tưởng tượng để tạo ra nhu cầu trong xã hội.

Vì vậy, hãy xem lại cách tổ chức sản xuất kinh doanh của mình. Đối thủ lớn nhất của mỗi doanh nghiệp chính là doanh nghiệp đó. In lậu rồi cũng sẽ tiêu biến theo sự phát triển của xã hội mà thôi, đến lúc đấy các doanh nghiệp xuất bản mà vẫn yếu kém thì sẽ không có chỗ nào để đổ lỗi đâu.

Omega+ có thể coi đang đi đầu về sách khoa học nền tảng, nhưng bây giờ đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh. Đây là điều tốt cho thị trường nhưng sẽ là thách thức lớn nếu Omega+ thỏa mãn với những gì đang có thì sau này chúng tôi sẽ tụt hậu.

Như Kodak tiên phong trong lĩnh vực máy ảnh nhưng bây giờ đã biến mất. Đó là lí do khiến Omega+ năm nào cũng phát triển ra 1-2 mảng sản phẩm mới, mặc dù sản phẩm cũ vẫn thành công nhưng Omega+ bắt buộc phải nghĩ ra những sản phẩm mới. Đó là động lực, nhưng cũng là sức ép để tồn tại, giữ vị thế của chúng tôi trên thị trường.

Câu hỏi cuối cùng: Là một trong những người đứng đầu đã giúp công ty thành công trong việc xác lập vị thế trên thị trường, anh muốn mọi người nghĩ anh là tuýp doanh nhân thế nào? Anh có thể dùng 3 từ ngắn gọn để nói về mình?

Nhìn chung tôi chưa bao giờ nghĩ tôi là doanh nhân, mặc dù đúng là tôi làm kinh doanh (cười). Tôi nghĩ từ "doanh nhân" khiến người ta hình dung về một người chăm chăm kinh doanh kiếm tiền ở lĩnh vực nào đó. Trong khi đó, tôi theo đuổi những giá trị, những nguyên tắc, lý tưởng sống của tôi.

Để sử dụng 3 từ nói về mình, tôi cho là hoài bão, ý chí và lý trí.

Hoài bão, khác với tham vọng thể hiện sự mong muốn mang tính vật chất hơn, là mong muốn theo đuổi một giá trị, giấc mơ lớn. Để thực hiện hoài bão đó thì cần phải có ý chí; ý chí bao hàm sự kiên trì, bền bỉ, sự nỗ lực làm đến cùng, làm đến nơi đến chốn.

Lý trí là sự cân bằng cho ý chí và hoài bão, là theo đuổi hoài bão một cách tỉnh táo, giống như lúc nãy khi tôi nói về câu chuyện chiến lược đại dương xanh. Nếu chỉ có ý chí và hoài bão mà không có lý trí, tôi sẽ đẩy cả doanh nghiệp và nhân viên của mình xuống vực.


Xin cảm ơn anh!

Chia sẻ Facebook