Chủ tịch nước: Vì sao thu ngân sách tăng cao trong khi kinh tế, doanh nghiêp còn rất khó khăn?

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 11:17:03

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần nhìn thực chất: 'Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch? Đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp'.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn thông tin từ báo Tuổi Trẻ ra sáng 25-5 khi phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: H.P

Sáng 25-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại đoàn TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn.


Về hoạt động của thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng cần có biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn.


Theo ông, những tích lũy, tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp và các quỹ đều tiêu tốn gần hết trong đợt dịch. Một nền kinh tế không có ích lũy, dự phòng rất nguy hiểm. “Những yếu tố nói trên cho thấy nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng lạm phát, những vấn đề này cần được nhìn nhận đầy đủ”, ông nói.


Nói về tình hình thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thi trường chứng khoán đã “bốc hơi” mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng gần đây xuống rất nguy cơ, mất 500-600 tỉ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỉ USD.


“Nói điều này để thấy rằng cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này. Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp”, ông nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25-5 - Ảnh : H.P


Phát biểu trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói sau chống dịch, chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng những tháng gần đây, chúng ta tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế.


Theo ông Mãi, bây giờ trên truyền thông, trên mạng xã hội, trong xã hội đang có xu hướng, người ta nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm. Từ đây dẫn tới hình ảnh, uy tín của ngành, sau khi là người hùng trong chống dịch thì bây giờ như là những người sẵn sàng vi phạm vì lợi ích của mình.


Ông Mãi nêu thực trạng b ây giờ các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, như vậy việc chăm sóc sức khỏe cho người dân không bảo đảm. "Đây là việc tôi cho rằng rất cấp bách, chúng ta cần trao đổi để có giải pháp tức thì", ông nói.


Ông cũng đề nghị với Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các gói phục hồi kinh tế, đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng. C ác bộ, ngành Trung ương tháo gỡ hơn nữa các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp để làm sao các doanh nghiệp thực sự phục hồi.


"Đặc biệt, chúng tôi đề nghị Trung ương, Chính phủ hết sức quan tâm cho vấn đề xã hội và các hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội", ông phát biểu.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm trong lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều bệnh viện, trong đó có đến 7 vụ việc sai phạm có dấu hiệu hình sự.

Chia sẻ Facebook