Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ
Đây là dịp để tri ân công lao to lớn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh; đại diện lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trước khi dự buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa tại khu lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Viết sổ lưu niệm sau dâng hương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Sớm được giác ngộ cách mạng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với trí tuệ và tài năng, ông đã trưởng thành nhanh chóng trong các phong trào công nhân và được bầu làm Tổng bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938), và anh dũng hy sinh năm 29 tuổi (năm 1941).
Cuộc đời ông tuy ngắn nhưng vô cùng trong sáng và tràn đầy lý tưởng cách mạng cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của ông đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước và quê hương Bắc Ninh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao Tổ biên tập trong 1 tuần qua đã chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu, từ đó xây dựng báo cáo tập hợp để Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.