Chủ tịch MB: Không ưu tiên đặc biệt Novaland, MCredit đòi nợ nhân văn

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 14:42:16

Chủ tịch Lưu Trung Thái khẳng định, MB không có ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, ngân hàng không khoản có đầu tư gì và là chủ nợ đứng thứ 4-5 tại doanh nghiệp này.


Không để phát sinh nợ xấu từ các dự án bất động sản


Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TCMP Quân Đội (HoSE: MBB), cổ đông ngân hàng đặt câu hỏi về việc nhà băng này có lượng cho vay bất động sản cao và ảnh hưởng tới hoạt động của MB như thế nào trong bối cảnh lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.

Trả lời cổ đông, Phó Tổng Giám đốc thường trực ngân hàng MB Phạm Như Ánh nhấn mạnh, lượng cho vay bất động sản gồm cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay cá nhân mua nhà để ở. Nếu cộng cho vay cá nhân mua nhà tại MB thì lượng cho vay bất động sản có cao nhưng không thể hiện đúng bản chất.

Hiện tại, tỉ trọng cho vay bất động sản tại MB chiếm 7,8% trên tổng quy mô cho vay, thuộc nhóm các ngân hàng thấp nhất trên thị trường.

Ngoài ra, cổ đông MB cũng thắc mắc về quy mô cho vay và dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam tại ngân hàng, và định hướng sắp tới khi nhóm khách hàng doanh nghiệp cũng như đối tác chiến lược Novaland đang gặp vấn đề.

Phó Tổng Giám đốc thường trực Phạm Như Ánh giải đáp, với Tập đoàn Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án bất động sản, không sở hữu trái phiếu nhưng có cho vay một phần nhỏ lĩnh vực xây lắp.

“Novaland là đối tác bất động sản lớn, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên chúng tôi quản lý đánh giá dự án cụ thể, hiện tại, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này MB đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và khách hàng cá nhân”, ông Ánh khẳng định.

Hiện tại, MB vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu hồi đủ gốc và lãi tại Novaland và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023.

Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được MB phân bổ vào dự án năng lượng tái tạo và vẫn trả nợ đủ ở thời điểm hiện tại, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, cổ đông cũng đặt vấn đề về mối quan hệ của MB với Novaland khi nhà băng này đang cho vay tới 9.428 tỷ đồng ở ngân hàng mẹ và cộng thêm các công ty con có thể lên tới 10.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của ngân hàng hiện tới đang ở mức 45.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 20% vốn.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Novaland cho thấy Novaland có 14 khoản vay với MB, bao gồm cả ngắn hạn (150 tỷ đồng), dài hạn (3.100 tỷ đồng) và trái phiếu (6.178 tỷ đồng).

Chủ tịch Lưu Trung Thái giải đáp rằng, MB tham gia không chỉ một mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông đề cập.

"MB kiểm soát tỉ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay", ông nói.

Nói về số dư bảo lãnh của MB đang rất lớn, ông Thái chia sẻ, số dư bảo lãnh của ngân hàng xấp xỉ 18.000 tỷ đồng, trong đó, không có bảo lãnh trái phiếu nào, chủ yếu bảo lãnh thị trường dầu và một phần là bảo lãnh thanh toán.

MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ đồng

Ngoài ra, cổ đông MB cũng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc nợ xấu của MCredit có tăng mạnh và ảnh hưởng tới Tập đoàn trong bối cảnh người vay tiêu dùng khó trả nợ sau khi dịch Covid diễn ra cũng như nhiều công ty đòi nợ bị cơ quan công an điều tra, dẫn đến nhiều người cố tình bùng nợ.

Về vấn đề nợ xấu cho vay tiêu dùng, bà Vũ Thị Hải Phượng - Phó Chủ tịch HĐQT MB cho biết, ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu MCredit bằng cách tối ưu giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, kiểm soát thu hồi nợ, đòi nợ, xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn tiếp theo và định vị lại thương hiệu trên thị trường.

Sau 3 năm tái cơ cấu và 2 năm dịch bệnh Covid diễn ra, năm 2022, MCredit đã lọt top 3 thị phần. CIR đạt 29,4%. NIM đạt 21,1% dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng. Đáng chú ý, còn đứng thứ 2 lợi nhuận toàn ngành với 1.200 tỷ đồng, chỉ sau Home Credit. Nợ xấu vẫn theo đúng chiến lược dưới 6% dù trung bình ngành là trên 8%.

Bà Vũ Thị Hải Phượng - Phó Chủ tịch HĐQT MB.

Trong năm nay, MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ đồng trong tình hình khó khăn của mảng cho vay tiều dùng. Ngoài ra, MB sẽ tiếp tục tăng thị phần và tập trung vào phân khúc khách hàng quan trọng là khách có thu nhập thấp. Trong quý I/2023, lợi nhuận MCredit đã ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.


"Chiến lược thu hồi nợ của MCredit là thu hồi nợ nhân văn. Hiện số nhân sự thu hồi nợ hơn 1.000 người, trong đó 600 cộng tác viên. Không ủng hộ việc thu hồi nợ theo tín dụng đen, không theo kiểm soát của cơ quan Nhà nước", vị Phó Chủ tịch nhấn mạnh .

Chia sẻ Facebook