Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng về bước đột phá ở SASCO

Chia sẻ Facebook
18/04/2023 14:56:57

Năm 2022, SASCO ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn không lấy đó làm niềm vui khi mức tăng trưởng chủ yếu là do "so với giai đoạn bệnh nặng". Thay vào đó, "vua hàng hiệu" mong chờ một bước đột phá lớn hơn tại SASCO trong tương lai.

Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng về bước đột phá ở SASCO

Năm 2022, SASCO ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn không lấy đó làm niềm vui khi mức tăng trưởng chủ yếu là do "so với giai đoạn bệnh nặng". Thay vào đó, "vua hàng hiệu" mong chờ một bước đột phá lớn hơn tại SASCO trong tương lai.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) được tổ chức vào sáng ngày 18/04/2023.

Nhìn lại, 2022 là năm ngành hàng không nội địa phục hồi đáng kể từ giai đoạn dịch bệnh, trong khi khách quốc tế vẫn hồi phục chậm chạp.

Năm 2022, tổng lượt hành khách nội địa chỉ còn thấp hơn 15% so với năm 2019 (giai đoạn trước dịch), đạt 99 triệu lượt. Riêng lượt khách ở sân bay Tân Sơn Nhất đã cao hơn 10% so với trước dịch. Trong khi đó, lượt khách quốc tế vẫn thấp hơn 77% so với trước dịch, đạt 3.3 triệu lượt.


"SASCO chỉ mới đi một chân trong năm 2022"


Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 18/04, Tổng Giám đốc Đoàn Thị Mai Hương chia sẻ trong những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 tác động nặng nề tới hoạt động kinh doanh của SASCO và mãi tới 30/04/2022, tình hình mới bắt đầu khởi sắc trở lại, đầu tiên là với thị trường nội địa.

"Chúng ta chỉ có 8 tháng để khai thác kinh doanh trong năm 2022. Tại thời điểm đó, SASCO chỉ mới đi bằng một chân khi thị trường quốc tế chưa trở lại. Khách hàng quốc tế chi tiền nhiều nhất cho SASCO là khách Nga và Trung Quốc chưa trở lại trong năm 2022", bà Hương cho hay.

Một khó khăn khác được Tổng Giám đốc SASCO lưu ý đến là sự gia nhập của các nhà cung cấp và đơn vị khác trong lĩnh vực truyền thống. Điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về giá. "Đây là một dạng cạnh tranh khá khốc liệt", bà nói.

Trong bối cảnh khó khăn, SASCO vẫn có kết quả khả quan, với lãi ròng 210 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hàng chục lần năm trước. Ngoài ra, điểm sáng còn đến từ sự cải thiện đáng kể về biên lợi nhuận gộp, từ 46% (năm 2021) lên 52%.

Tuy vậy, bà Hương cho rằng SASCO vẫn chưa hồi phục hoàn toàn khi kết quả kinh doanh năm 2022 chỉ mới bằng một nửa so với năm 2019.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn không nhìn vào kết quả tăng trưởng mạnh năm 2022 làm điều vui mừng, vì đó là so với giai đoạn "bệnh nặng". Ông đặt mục tiêu SASCO phải trở về mức lãi năm 2019, nhưng cũng lưu ý "công ty không thể chạy nhanh khi vừa khỏi bệnh nặng".

Quý 1 tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ, khách Trung Quốc chưa trở lại


Trong quý 1/2023, SASCO tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh lạc quan. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hùng Cường cho biết trong quý 1/2023, SASCO ghi nhận doanh thu 569 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng, thực hiện 25% và 16% kế hoạch năm 2023. Kết quả này đều tăng trưởng gấp nhiều lần so với quý 1/2022 - giai đoạn bị tác động nặng bởi dịch bệnh.

Trong 3 tháng đầu năm, sản lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất đạt 10.4 triệu lượt khách, tương đương 179% so với quý 1/2022 và 101% so với quý 1/2019. Trong đó, khách quốc tế gần 3.2 triệu lượt, tương đương 81% so với 2019. Khách trong nước đạt hơn 7.2 triệu lượt, tương đương 113% so với năm 2019 và 130% so với cùng kỳ.

Tổng Giám đốc Hương thông tin thêm trong quý 1, khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại dù nước này đã tái mở cửa từ đầu năm. Bà kỳ vọng sang quý 2/2023, hành khách từ Trung Quốc sẽ trở lại.


Kế hoạch lãi trước thuế 274 tỷ đồng

Cho năm 2023, SASCO lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh, với lãi trước thuế tăng 19% so với năm 2022, lên 274 tỷ đồng. Kế hoạch này được đưa ra trên giả định sản lượng hành khách ở mức 39 triệu lượt (tương đương 95% năm 2019), khách quốc tế trở lại từ cuối quý 2/2023.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Hương nhấn mạnh kế hoạch này được tính toán trên chi phí hợp tác kinh doanh và khai thác mặt bằng của năm 2022, do các bên vẫn chưa thống nhất về khoản chi phí này cho năm 2023.

Bà lưu ý đây là khoản chi phí tác động lớn nhất tới hoạt động kinh doanh. "Trong trường hợp, khoản chi phí mặt bằng và hợp tác khai thác thay đổi trong năm 2023, các chỉ tiêu kinh doanh của Công ty sẽ bị ảnh hưởng", bà Hương cho biết, đồng thời nói thêm hai khoản chi phí quan trọng khác của SASCO là lương và chi phí vốn hàng.

Tại đại hội, SASCO cũng thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 8%, tức 800 đồng/cp. Với hơn 133 triệu cp đang lưu hành, Công ty dự kiến chi gần 107 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này.

Phòng chờ không phải là mảng kinh doanh hiệu quả nhất

Một nội dung khác cũng được bàn luận tại đại hội là tình hình hoạt động của mảng phòng chờ.

Tổng Giám đốc Hương nhấn mạnh mảng phòng chờ chưa bao giờ là hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất của SASCO. Mức biên lợi nhuận cao trên các báo cáo tài chính chủ yếu là do chưa được hạch toán chi phí đầy đủ, vì một loạt chi phí phòng chờ nằm ở phần back-offfice.


"Đặc biệt, trong đợt dịch, SASCO phải chia sẻ khó khăn cùng các hãng hàng không. Chẳng hạn, giá dịch vụ phòng chờ cho Vietnam Airlines thấp dưới giá vốn. Từ năm 2011, chúng tôi vẫn chưa nâng mức giá này lên. Trong khi đó, các chi phí tăng kinh khủng, nhất là trong giai đoạn sau dịch. Đồng thời, để chia sẻ với các hãng hàng không, chúng tôi giữ nguyên giá dịch vụ phòng chờ của cảng hàng không quốc tế trong 5 năm qua. Do đó, hoạt động phòng chờ chưa bao giờ được xem là hoạt động hiệu quả nhất của SASCO", bà Hương cho biết.

Bà chia sẻ thêm hiện khách quốc tế chưa quay trở lại nên các phòng chờ quốc tế chưa đông, trong khi phòng chờ quốc nội "đang hơi quá tải do chật chứ chưa phải vì lượng khách tăng đột biến".


Không gặp vấn đề về nhân sự

Trong những năm dịch bệnh, lượng nhân sự của Công ty đã giảm rất nhiều  và điều này làm dấy lên lo ngại: Liệu công ty có đủ nhân lực để đảm bảo cho hoạt động và chất lượng dịch vụ khi hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Hương đã bác bỏ lo ngại này, khẳng định nhân sự không phải là vấn đề của SASCO.

Bà chia sẻ: "Vì dịch bệnh và chính sách cách ly, công ty không thể nào giữ nguyên toàn bộ nhân lực. Một số nhân viên bị tạm dừng hợp đồng. Tuy nhiên, khi thị trường bắt đầu khởi sắc trở lại từ tháng 3/2022, những nhân viên cũ tạm dừng hợp đồng đã được mời đi làm lại. Công ty đã rất thành công trong việc đưa lại công ty vào thị trường một cách nhanh nhất".

Vị Tổng Giám đốc cũng nói thêm công ty vẫn đang tuyển dụng để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm quốc tế.


Kỳ vọng về sự bứt phá sau 30 năm hoạt động

Tại đại hội lần này, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng về sự bứt phá  của SASCO trong tương lai khi tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

"Tháng 7 này, SASCO kỷ niệm 30 năm thành lập. Tuy nhiên, tôi muốn sau 30 năm, SASCO phải đổi mới, vì Việt Nam đang trong quá trình đổi mới về công nghệ, đổi mới về cách điều hành. Do đó, tôi đã chỉ đạo ban điều hành phát triển một phương án mới, phải đột phá và bứt phá hơn nữa, để doanh số không phải chỉ là 1,000-2,000 tỷ và không chỉ lãi vài trăm tỷ.

Hiện nay SASCO chưa sử dụng đồng vốn vay nào cả, mà chỉ từ vốn tự có. Tiền gửi tiết kiệm vẫn còn rất cao. Vì vậy, tôi hy vọng SASCO sẽ có sự bứt phá sau 30 năm thành lập".

Vũ Hạo

Chia sẻ Facebook