Chủ tịch HPG Trần Đình Long: "2 tháng nữa có KQKD quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào"
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho rằng hoạt động kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sẽ phản ánh trong quý 2,3,4. "Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Trần Đình Long nói.
Sáng 24/5, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Tại đại hội, cổ đông Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất dự kiến 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái.
Tuy nhiên, dù đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn lên mức cao kỷ lục, nhưng Hòa Phát lại đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm nay chỉ vào khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13-28% so với năm 2021.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết doanh thu năm nay dự kiến tăng nhẹ so với năm trước nhờ sản lượng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và doanh thu từ mảng điện máy gia dụng. Tuy nhiên, do đây là năm còn nhiều thách thức khi giá nguyên, nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán biến động không tương xứng, cùng chi phí tài chính tăng do lãi suất, dẫn tới lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn sụt giảm.
Năm nay, Hòa Phát cho biết sẽ hoàn thành các giấy tờ pháp lý và đầu tư xây dựng một phần dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Hiện tập đoàn này đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn tại Việt Nam để vay 35.000 tỷ đồng triển khai dự án.
Đến cuối năm, Hòa Phát dự kiến hoàn thành và đưa vào chạy thử nhà máy sản xuất container. Đồng thời đặt mục tiêu tiêu thụ hết số lượng thép sản xuất ra, tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép - tôn mạ trong nước.
Cũng tại đại hội, cổ đông Hòa Phát đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 35% trong đó 5% tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện quý 2, 3/2022.
Hòa Phát đang có 4,47 tỷ cổ phiếu lưu hành, với phương án chia cổ tức dự kiến năm 2021, HPG sẽ chi hơn 2.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền và phát hành thêm 1,34 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu nâng vốn điều lệ sau phát hành dự kiến lên hơn 58.148 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 tỷ USD quy đổi.
Hiện tại, vốn điều lệ của công ty này là 44.729 tỷ, tuy nhiên, nhà sản xuất thép này có phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý 1/2022 lên tới gần 50.000 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng vốn này cùng mục tiêu lợi nhuận sau thuế 25.000-30.000 tỷ đồng, cổ đông Hòa Phát đã đồng ý với đề xuất của HĐQT về mức chi trả cổ tức năm 2022 là 25%.
Chia sẻ tại đại hội sáng nay ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, cuộc họp thường niên năm nay muộn hơn so với mọi năm là do doanh nghiệp muốn họp trực tiếp thay vì trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp giai đoạn đầu năm. Số lượng cổ đông của Hòa Phát hiện đã lên tới 161.000, cao nhất trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Không thể chia cổ tức tiền mặt lớn vì đang cần rất nhiều vốn đầu tư
Cũng tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm so với năm 2021, dù doanh thu tăng , ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, khi lên kế hoạch năm ban lãnh đạo công ty đã tính toán đến nhiều yếu tố, trong đó, công ty xác định năm nay hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Long chỉ ra một số nguyên nhân khiến ngành thép sẽ gặp khó khăn trong các quý còn lại của năm. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn.
Thứ hai là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, đây cũng đang là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát.
"Khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh là Nga và Ukraine do đây đều là hai nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy", ông Trần Đình Long nói.
Tuy nhiên, dù hoạt động kinh doanh có thể không thuận lợi song Chủ tịch Hòa Phát trấn an cổ đông rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào tập đoàn cũng luôn duy trì kết quả kinh doanh tốt nhất ngành thép.
Với tư cách là cổ đông lớn nhất, ông Trần Đình Long tự tin Hòa Phát sẽ không ngừng lại, sẽ liên tục tiến lên bởi dừng lại là chết, dừng lại là bị đối thủ cạnh tranh tiêu diệt, lấn lướt.
Ông cho biết, hiện tập đoàn đang triển khai dự án Dung Quất 2 và đồng thời nghiên cứu về Hòa Phát 3 với công suất 6,5 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam.
Về thắc mắc của cổ đông vì sao công ty có lượng tiền mặt hơn 40.000 tỷ đồng nhưng vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt thấp , ông Long cho biết Hòa Phát không thể chia cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư cho các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Dung Quất 2.
Cụ thể, dự án với công suất 6,5 triệu tấn HRC cần tới khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay 35.000 tỷ đồng còn lại tập đoàn phải tự thu xếp. Hòa Phát cần khoảng 30.000 tỷ đồng tiền "lỏng" tức là tiền để không để sử dụng bất cứ khi nào khi cần trả nợ, mua nguyên vật liệu... Do đó, với lượng tiền mặt hiện có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì Hòa Phát có thể phải tăng thêm vay nợ.
Ông Long cam kết ông và gia đình sẽ không bán lượng cổ phiếu hiện tại
Trả lời câu hỏi về kế hoạch phát triển mảng bất động sản của Hòa Phát , ông Trần Đình Long cho biết, mục tiêu của tập đoàn là vào top 3 công ty bất động sản. Để đạt được mục tiêu công ty nắm bắt theo trào lưu chung là mua đất, mua dự án để làm.
Theo ông thời gian qua, do phát hành trái phiếu dễ dàng nên doanh nghiệp bất động sản nhiều tiền, mua nhiều dự án dẫn tới giá cao, tuy nhiên, hiện Hòa Phát chưa mua dự án nào.
"Hòa Phát có sẵn tiền, uy tín, nên đi các địa phương xin đấu thầu, phát triển dự án... sẽ có nhiều triển vọng do tham gia đầu tư từ đầu, có tiền, không chịu áp lực về tài chính", ông Long tự tin.
Về việc có mua thêm cổ phiếu HPG không , Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, ông và gia đình sẽ không bán lượng cổ phiếu hiện tại vì không có nhu cầu. "Nhiều ý kiến cho rằng Hòa Phát và tôi nên mua cổ phiếu để hỗ trợ khi giá xuống. Tuy nhiên, vì nguồn lực có hạn, nên nếu muốn mua thêm thì xin ý kiến cổ đông cho phép bán", ông Long nói.
Trả lời câu hỏi dự báo giá thép năm 2022 sẽ ra sao, lãnh đạo HPG cho biết, do một số diễn biến không thuận lợi, HPG dự báo giá thép từ nay đến cuối năm sẽ giảm do cung tăng nhưng cầu giảm.
Về việc mới đây Hòa Phát bị phạt vì không có thành viên HĐQT độc lập , ông Long cho biết "lãnh đạo tập đoàn có biết luật nhưng chúng tôi thấy thực sự không cần thiết và không có vấn đề gì lớn. Chúng tôi cũng đang xem xét một số ứng cử viên, tại đại hội tới sẽ xem xét bầu hoặc bầu bằng văn bản".
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng khi ĐHĐCĐ đang diễn ra, cổ phiếu HPG đi ngược thị trường và tạm kết phiên sáng với mức giảm 2,3% xuống 35.900 đồng/cổ phiếu.
Theo Đinh Thơm
BizLive