Chủ tịch HoREA: 5 tồn tại bất cập về thị trường bất động sản Việt Nam
Vấn nạn "thổi giá" đất ảo và phân lô bán nền tràn lan trên cả nước khiến việc sở hữu nhà ở của người lao động ngày càng không thể thực hiện.
Tại một buổi hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã đưa ra 5 điểm tồn tại bất cập của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, vấn nạn “thổi giá” đất ảo và phân lô bán nền tràn lan tại khắp các tỉnh thành trên cả nước khiến việc sở hữu nhà ở của người lao động ngày càng không thể thực hiện.
Đắk Lắk: Hệ lụy ‘sốt’ đất ảo, chính quyền tháo dỡ nhà dân xây trên đất nông nghiệp
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 tổ chức sáng ngày 5/6, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết thị trường BĐS Việt Nam đã đóng góp khoảng 10% nguồn thu ngân sách nhà nước và hiện có một số tồn tại bất cập phổ biến.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Châu cho hay hiện nay đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với 7 doanh nhân Việt có tài sản vốn hóa trên 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng). Đồng thời, lĩnh vực BĐS cũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến tháng 11/2021 đạt khoảng 61,6 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các ngành và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn FDI.
Tuy vậy, ông Châu cũng đưa ra 5 điểm tồn tại bất cập phổ biến của thị trường BĐS dẫn đến thị trường này chưa thể phát triển.
– Tình trạng lệch pha cung – cầu dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
– Tình trạng lệch pha phân khúc thị trường về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp.
– Tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua, vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan, “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương.
– Môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BĐS vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh.
– Có không ít doanh nghiệp BĐS yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp.
Trước đó, tại báo cáo thị trường BĐS quý 1/2022, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở đang có xu hướng tăng và căn hộ bình dân mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không còn tại các thành phố lớn như : TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,…
Còn với căn hộ trung cấp có mức giá từ 30 triệu đến dưới 50 triệu đồng/m2, đây là sản phẩm chủ yếu trên thị trường BĐS căn hộ hiện nay. Với diện tích tiêu chuẩn 60 m2, trung bình giá mỗi căn hộ vào khoảng 1,8-3 tỷ đồng. Với mức giá này, thu nhập của người dân lao động rất khó sở hữu.
Bên cạnh đó, thực trạng “sốt ảo” giá đất đã diễn ra tại nhiều địa phương. Ví dụ như ở huyện Cam Lâm , Khánh Hòa xảy ra tình trạng người dân phải ngủ ngoài cổng cơ quan đăng ký đất đai để đợi làm thủ tục vì có thông tin huyện này làm “Khu đô thị sân bay”.
Ngoài ra, một số cá nhân sử dụng các cột mốc bê tông tự chôn xuống đất để tạo ra thông tin tập đoàn lớn về huyện Cam Lâm đầu tư, khiến người dân và nhà đầu tư mắc bẫy khi ngay sau đó cơ quan nhà nước đã đính chính thông tin lại việc này là không có.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số địa phương khác như: huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Củ Chi (TP.HCM), thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), v.v…
Về phía người lao động, việc tăng giá BĐS không ngừng đã tạo ra hệ lụy khiến tầng lớp lao động phổ thông sẽ không còn khả năng chi mua nhà ở hay căn hộ chung cư.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, bình quân thu nhập đầu người của người lao động Việt Nam năm 2021 khoảng 5,7 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động ở khu vực thành thị, bình quân thu nhập đầu người khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tại buổi tiếp xúc người dân hôm 24/4 ở TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết người lao động chỉ có thể tiết kiệm khoảng 20-25% thu nhập hằng tháng, tương đương khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mức giá căn hộ hơn 1 tỷ đồng thời gian vay của người lao động sẽ vượt quá 15 năm (quy định hiện nay vay tối đa được 15 năm) và chính sách nhà ở xã hội chỉ được vay tối đa 5 năm, số tiền vay tối đa là 900 triệu đồng. Ông Khiết cho rằng rất khó để người lao động có thể sở hữu căn hộ với điều kiện thu nhập và cho vay như hiện nay.
Quang Minh
Người lao động khó 'chạm tay' sở hữu căn hộ bình dân tại thành thị
Căn hộ bình dân hiện có giá từ 25 triệu-30 triệu đồng/m2 tại các thành phố lớn trong khi thu nhập người lao động chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.