Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng huyện chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng
Lập khống hồ sơ, thu tiền của khách hàng nhưng không nộp quỹ, 2 cán bộ quỹ tín dụng huyện ở Huế chiếm đoạt gần 13 tỷ của nhiều khách hàng.
Lập khống hồ sơ tín dụng, thu tiền của khách hàng nhưng không nộp quỹ, hai cán bộ quỹ tín dụng huyện ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng của nhiều khách hàng. Vụ việc diễn ra trong vòng 5 năm mới bị phát hiện.
Sau một ngày xét xử, chiều ngày 15/11, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Quỹ Tín dụng Tây Lộc (Quỹ TDTL), TP. Huế.
Các bị cáo bị xét xử về tội Tham ô tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định lần lượt tại Điều 353 và Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Vụ án có 5 bị cáo, gồm: ông Huỳnh Trọng Khoa (SN 1977, trú tại TP. Huế), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm cán bộ tín dụng Quỹ TDTL, ông Huỳnh Thanh Toản (SN 1987, trú tại TP. Huế), nhân viên tín dụng; bà Bùi Thị Lê Thanh (SN 1965, trú tại TP. Huế), nguyên Giám đốc Quỹ TDTL; bà Nguyễn Thị Nhân Hiếu (SN 1976, trú tại TP. Huế), nguyên Trưởng ban Kiểm soát Quỹ TDTL; bà Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1981, trú tại TP. Huế), nguyên Kế toán trưởng Quỹ TDTL.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ năm 2014 – 2019, ông Khoa và đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thu tiền nhưng không nộp quỹ, lập khống hồ sơ rồi thu quỹ hàng trăm hợp đồng tín dụng, từ đó, chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng.
Theo quy định về cho vay, đối với tiền thu góp, hằng ngày nhân viên tín dụng phải thanh toán nộp tiền, ghi chép đầy đủ các số liệu trên phần mềm máy tính và phải được sao lưu. Nhưng sau khi thu nợ, ông Khoa và ông Toản không nộp đầy đủ số tiền mà chiếm đoạt. Cụ thể, ông Khoa thu tiền không nộp quỹ với hơn 300 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng; ông Toản thu tiền không nộp quỹ với 80 hợp đồng tín dụng của 64 khách hàng, chiếm đoạt gần 189 triệu đồng.
Ông Khoa và ông Toản đã lấy biểu mẫu hồ sơ, điền các thông tin khách hàng mà mình biết, tự ký giả chữ ký của khách hàng tại phần “người nhận” của “phiếu chi”, “người nhận nợ” của “giấy nhận nợ”, sau đó đưa về cho kế toán, thủ quỹ hoàn ứng.
Trong quá trình điều tra, hai người này còn thừa nhận ông Khoa đã tự lập khống 124 hồ sơ hợp đồng tín dụng mang tên 65 khách hàng, rút tiền của quỹ hơn 5,2 tỷ đồng; ông Toản lập khống 9 hợp đồng tín dụng mang tên 9 khách hàng, chiếm đoạt 240 triệu đồng. Tổng cộng, hai người này chiếm đoạt của khách hàng gần 13 tỷ đồng.
Để che giấu hành vi phạm tội của mình, ông Khoa và ông Toản dùng thủ đoạn tự lấy tiền thu được từ những khách hàng khác để cân đối nộp tiền gốc, lãi vào khoản vay đã lập khống trong thời gian dài tại Quỹ TDTL.
Với số tiền chiếm đoạt được, ngoài sử dụng cá nhân, ông Khoa và ông Toản còn cho vay ngoài sổ sách kế toán; nộp gốc, lãi các khoản vay đã chiếm đoạt; cho người khác sử dụng vốn; tự đảo nợ khoản vay mà khách hàng không hề hay biết.
Theo cơ quan tố tụng, hành vi sai phạm của ông Khoa và ông Toản diễn ra nhiều lần trong nhiều năm và chiếm đoạt số tiền lớn của Quỹ TDTL nhưng không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời là do ban giám đốc, ban kiểm soát và kế toán quỹ buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát.
Cơ quan điều tra xác định bà Thanh (Giám đốc Quỹ TDTL); bà Hiếu (Trưởng ban Kiểm soát Quỹ TDTL); bà Lan (Kế toán trưởng Quỹ TDTL) cùng phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xét tính chất, mức độ của vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Khoa 18 năm 6 tháng tù; bị cáo Toản do đã khắc phục đủ số tiền đã chiếm đoạt nên bị phạt 2 năm tù cùng về tội Tham ô tài sản.
Đối với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thanh 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Hiếu 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Lan 3 năm tù.
Khánh Vy
Cho phép phá sản ngân hàng yếu kém - Người gửi tiền chịu rủi ro lớn
Quốc hội vừa thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, theo đó, từ ngày 15/1/2018 sẽ cho phép phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt để tái cơ cấu các TCTD trong hệ thống. Trong phiên họp chiều qua (20/11), Quốc hội đã thông qua Luật các TCTD…