Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: 'Những người bị bắt đều có 'ting ting' cả'

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 08:05:33

"Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề. Quyết tâm làm và làm phải trong sạch. Những người bị bắt đều có leng keng, "ting ting" cả. Vừa rồi COVID-19 "ting ting" nhiều lắm", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu.


Sáng 30/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ĐBQH Trần Sỹ Thanh cùng ĐBQH Hoàng Văn Cường, Nguyễn Anh Trí tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 4.

Tại hội nghị, bà Lưu Thị Hồng Sen, Trưởng Phòng Y tế huyện Sóc Sơn nêu hai vấn đề bất cập liên quan đến quy định về cấp chứng chỉ hành nghề với bác sĩ và cơ chế tự chủ của đơn vị y tế tuyến cơ sở.


Cụ thể, bà Sen đề nghị Bộ Y tế, thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế có nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét thay đổi quy định về thời gian cấp chứng chỉ hành nghề với bác sĩ. Theo bà Sen, bác sĩ tuyến xã chỉ được cấp giấy phép hành nghề theo đúng với chuyên khoa, không phù hợp với công tác tại y tế tuyến xã.

Bà Sen đề nghị, tại Trạm y tế xã, nếu là bác sĩ đa khoa, sau khi đủ thời gian thực hành 18 tháng thì được cấp chứng chỉ khám chữa bệnh đa khoa. Nếu bác sĩ chuyên môn quy định phải đủ thời gian hành nghề 18 tháng và thêm 36 tháng làm chuyên môn, tổng 54 tháng là không phù hợp.

“Đề xuất cho bác sĩ ở Trạm Y tế được phụ trách chuyên môn sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, không cần thời gian 54 tháng như hiện tại”, bà Sen nói.

Bà Sen cũng nêu một số bất cập liên quan đến cơ chế tự chủ của đơn vị y tế tuyến cơ sở, đồng thời đề xuất, có cơ chế được liên doanh, liên kết về máy móc, trang thiết bị để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, bởi nếu chỉ dùng trang thiết bị của đơn vị thì không đủ đảm bảo cơ chế tự chủ…

Từng công tác trong lĩnh vực y tế, trao đổi với cử tri, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, ý kiến của Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn rất đúng và đây không phải là tình trạng duy nhất diễn ra trên địa bàn huyện. "Cả nước đều có kiến nghị, đề xuất", ông Trí nói đồng thời chia sẻ "rất cảm thông, rất thương cán bộ y tế".

Ông Trí nói về hai vấn đề "đầy bất hợp lý". Theo ông Trí, vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề. Bác sĩ đa khoa học 6 năm mới ra trường, còn muốn chuyên khoa phải học thêm 36 tháng.

Ông Nguyễn Anh Trí trao đổi với cử tri tại hội nghị. Ảnh: PV


"Thi vào Đại học Y khó như thế, học lâu như thế, rồi lại phải học thêm 18 tháng nữa thì mới được cấp chứng chỉ, còn muốn làm chuyên khoa phải học thêm 36 tháng nữa. Các bác, các chị nghe có thấy đau đớn không. Tôi dùng từ đau đớn là có ý đấy chứ không phải là nói văn hoa đâu. Nhưng nó còn bế tắc ở chỗ này, nếu không có chứng chỉ đấy thì làm cái gì bảo hiểm cũng không thanh toán vì không có chứng chỉ. Cái nọ níu lấy cái kia không làm việc được", ông Trí nói.

Về cơ chế tự chủ, ông Trí dẫn thông tin, huyện Sóc Sơn giao cho Phòng Y tế hơn 80 tỷ đồng, không cho đặt máy, không cho tiền mua máy, nhưng phải đảm bảo cơ chế tự chủ một phần.

"Xin thưa, không thể làm được và nếu làm chắc chắn bị bắt. Tôi nói luôn chắc chắn bị bắt. Tôi tiếp xúc cử tri trong Nam, ngoài Bắc, người ta nói có điều kỳ lạ là giao cho chúng tôi tự chủ nhưng không cho chúng tôi quyền làm tự chủ. Không giao cho chúng tôi quyền làm cái gì, được phép làm cái gì, thu như thế nào cũng không rõ ràng. Cho nên ai khôn người đấy không làm. Người nào làm thì sớm muộn cũng sẽ bị bắt. Tôi không hề nói quá đâu", ông Trí nói, đồng thời cho rằng, phải quyết tâm sửa trong các quy định của pháp luật, phải xem lại vấn đề tự chủ.

Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong các lãnh đạo quận, huyện, sở ngành quyết liệt đeo bám các vấn đề thuộc trách nhiệm. Phải quyết tâm, quyết liệt làm việc. "Làm việc chung phải sốt sắng như làm việc nhà mình", ông Thanh nói.

Cũng liên quan đến COVID-19, ông Thanh cho rằng, nếu cán bộ không có mặc cả, không đòi hỏi hoa hồng thì thái độ xử lý sẽ khác.

"Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề. Còn làm mà có quá tay một tý thì bị thổi còi, chỉ là xử lý hành chính thôi. Giờ cứ sợ, co lại hết thì ai làm", ông Thanh nêu.

Chia sẻ Facebook