Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 04:55:37

Hà NộiChủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán", ngày 29/3.


Ông Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an cho hay, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.

Việc làm của những người này bị C01 cho rằng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

21 địa điểm là chỗ ở, nơi làm việc của nhiều người liên quan đã bị khám xét. Tối nay, nhà chức trách tiếp tục khám trụ sở FLC ở số 265 phố Cầu Giấy và nhà riêng ông Quyết tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội. Những nơi này được phong tỏa với đông người làm nhiệm vụ bảo vệ.

23h, sau gần 6 tiếng, việc khám xét trụ sở FLC vẫn chưa kết thúc.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ngọc Thành

Tối 29/3, tập đoàn FLC cho hay vụ án liên quan "việc cá nhân" của ông Quyết trong giao dịch mua, bán chứng khoán. Tập đoàn "không phải là chủ thể có liên quan" nên việc này "không làm thay đổi các định hướng quan trọng" của FLC trong kinh doanh, sản xuất; "không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng cũng như đối tác".

Ông Quyết ủy quyền cho Phó tổng giám đốc Vũ Đặng Hải Yến thay mặt và đại diện thực hiện các công việc Chủ tịch HĐQT tại FLC và Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt cũng như các quyền liên quan tài sản thuộc sở hữu của ông, thông báo của FLC nêu.

21h45, công an bắt đầu bê các tài liệu, vật dụng bị niêm phong ra ngoài trụ sở FLC. Ảnh: Giang Huy

Vụ án khiến Chủ tịch FLC bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1 ông bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Trước đó tháng 11/2017, ông Quyết từng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu mà không báo với cơ quan quản lý thị trường.

Các cơ quan tố tụng làm việc với đại diện FLC khi khám xét trụ sở. Ảnh: Công an nhân dân

Ông Quyết, 47 tuổi, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001. Năm 2008, ông lập một loạt doanh nghiệp. Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên.

Năm 2019, Bamboo Airways do FLC thành lập gia nhập thị trường hàng không. Sau hơn 10 năm thành lập, vốn điều lệ của FLC đạt 10.500 tỷ đồng vào đầu năm 2021.

Tính đến tháng 1/2022, Chủ tịch FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC (tương đương khoảng 30% vốn) cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên như ROS, ART, BOS, GAB...

Ông Quyết từng nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Gần 23h, xe Land Cruiser có công an đi cùng, che kín xung quanh đi ra từ trụ sở FLC. Ảnh: Giang Huy

Theo điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi sau sẽ bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán:

a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Mức phạt cho tội danh nay cao nhất là 7 năm tù.


Phạm Dự

Chia sẻ Facebook