Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát có thể kéo dài nhiều năm
VietTimes – Sau khi nâng lãi suất với nhịp độ cao trong năm ngoái, giới chức ngân hàng trung ương không chắc chắn về nhịp độ và quy mô nâng lãi suất trong thời gian tới.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang gặp phải một vấn đề không ai nghĩ tới: Nền kinh tế của họ đang "khỏe mạnh" một cách bất ngờ.
Fed dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất mặc dù giới chức ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định giảm nhịp độ nâng lãi suất bằng một đợt ngừng nâng trong tháng này, Chủ tịch Jerome Powell ngày 28/6 cho hay.
Ông cho hay, do Fed đã nâng lãi suất quá nhanh trong năm ngoái nên không có đủ thời gian để theo dõi tầm ảnh hưởng của chúng đối với hoạt động của nền kinh tế và giảm lạm phát .
“Chính sách đã không được siết chặt trong khoảng thời gian quá dài…bởi vậy chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục tăng cường điều đó trong thời gian tới”, ông Powell phát biểu trong một cuộc thảo luận với các quan chức ngân hàng trung ương khác ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Lạm phát nhìn chung đã giảm tốc trong năm nay nhờ giá năng lượng và hàng hóa giảm. Tuy nhiên, giới chức các ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra lo ngại bởi lạm phát cơ bản, đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng và được xem là một thước đo lạm phát tương lai đáng tin cậy hơn, vẫn chưa giảm nhiều.
Ông Powell cho hay ông không kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra trước năm 2025.
Các ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất với nhịp độ nhanh trong suốt năm ngoái để chống lạm phát, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn ngạc nhiên trước sự miễn nhiễm của nền kinh tế đối với lãi suất cao hơn.
Trong cuộc họp chính sách tổ chức tháng này, giới chức Fed đã giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong khoảng 5%-5,25% sau khi đã nâng lãi suất liên tiếp trong 10 cuộc họp trước đó. Nếu tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tổ chức diễn ra vào ngày 25 và 26/7 tới, lãi suất sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 22 năm.
Hầu hết các quan chức Fed trong cuộc họp gần đây nhất đều kỳ vọng sẽ có thêm 2 đợt nâng nữa trong năm nay. “Nguyên nhân cho điều này là, nếu các bạn nhìn vào dữ liệu của quý trước, các bạn sẽ thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng, thị trường lao động mạnh khỏe hơn so với kỳ vọng, và lạm phát cao hơn so với kỳ vọng”, ông Powell nói.
Giới chức Fed nhận thấy nguy cơ rằng các đợt nâng lãi suất trước đây của họ, kết hợp với căng thẳng trong hệ thống ngân hàng mới đây, có thể khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với mức mà họ kỳ vọng. Ông Powell nói rằng sự sụp đổ của 3 ngân hàng hàng cỡ trung hồi đầu năm nay là một phần nguyên nhân mà ông muốn giảm nhịp độ nâng lãi suất của Fed.
Fed đang muốn cân bằng giữa một bên là nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với cần thiết và bên còn lại là nền kinh tế tăng trưởng hơn so với kỳ vọng nhưng đi cùng với lạm phát quá cao. Điều này khiến họ phải nâng lãi suất cao hơn.
Fed đã tăng lãi suất thêm ít nhất 0.5% trong 6 cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022, nhưng sau đó chỉ tăng thêm 0.25% trong 3 cuộc họp đầu năm nay. Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần đây chỉ là sự tiếp diễn của quá trình điều chỉnh nhịp độ nâng lãi suất của Fed, theo ông Powell.
Ông Powell cho hay Fed chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về việc nâng lãi suất trong mọi cuộc họp chính sách sắp tới. “Có khả năng mọi chuyện sẽ đi theo hướng đó, nhưng cũng có khả năng là không”, ông nói. “Tôi không loại trừ khả năng nâng lãi suất trong các cuộc họp liên tiếp”.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong tháng này đã nâng lãi suất thêm ¼ điểm phần trăm, và Chủ tịch Christine Lagarde cho hay các quan chức có khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng tới. Bà cũng để ngỏ khả năng nâng lãi suất trong tháng 9.
Bà Lagard nói rằng bà cảm thấy bất ngờ trước sức kháng cự của nền kinh tế châu Âu trước những đợt gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng và thương mại do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine.
Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực eurozone đang ở mức thấp kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Anh cũng gần mức thấp nhất suốt nhiều thập kỷ. Tình trạng này thúc đẩy người lao động đòi tăng lương.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0.5%, mức tăng cao hơn so với các ngân hàng trung ương khác, nhằm kiềm chế mức lạm phát đang ở mức cao nhất trong số các nước giàu thuộc nhóm G7.
Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng của Anh tăng 8.7% so với cùng kỳ năm trước, không có sự thay đổi so với tháng 4. Trước khi dữ liệu về lạm phát được công bố tuần trước, các nhà kinh tế và nhà đầu tư dự đoán mức tăng lãi suất chỉ là 0.25%.
"Chúng tôi trước đây đã dự báo một cuộc suy thoái không sâu rộng nhưng kéo dài, tuy nhiên nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết.
Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng sẽ có thêm vài đợt nâng lãi suất nữa ở Anh. “Câu trả lời của chúng tôi trước kỳ vọng đó là, hãy chờ đợi xem”, ông Bailey nói. Ông cho rằng kỳ vọng của giới đầu tư có thể là sai trong một thế giới đầy sức ép về lạm phát.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda cho hay ông nhận thấy nhiều tín hiệu rằng lạm phát của nước này đang hướng tới mục tiêu 2%, nhưng không đủ tự tin để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Ueda nói rằng ngân hàng trung ương có thể thay đổi hướng tiếp cận nếu bị thuyết phục rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn cho tới năm 2024. Lạm phát của Nhật Bản vẫn ở mức trên 3% kể từ mùa Hè năm ngoái. Lạm phát cơ bản trong tháng 5 là 3,2%./.
Theo Wall Street Journal