Chủ tịch Fed: Cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn dai dẳng
VietTimes – Chủ tịch Fed tái khẳng định cam kết với mục tiêu kiềm chế lạm phát, bất chấp những sự đánh đổi để đạt được lợi ích về lâu dài.
Fed vẫn hết sức tập trung vào việc kiềm chế lạm phát và sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới, Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trước các nhà lập pháp trong hôm 21/6. Ông thừa nhận rằng sứ mệnh kiềm chế lạm phát vẫn còn “một chặng đường dài để đi”.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Các dịch vụ Tài chính Hạ viện, ông Powell đã giải thích về việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, cho rằng quyết định này được đưa ra là bởi nhiều yếu tố, bao gồm “độ trễ” để chính sách tiền tệ tác động tới nền kinh tế, và khả năng các điều kiện tín dụng bị siết chặt hơn sẽ làm chậm hoạt động của nền kinh tế.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách siết chặt. “Chúng tôi chưa từng dùng cụm từ “dừng” và cũng sẽ không dùng đến nó tại đây ngày hôm nay”, ông Powell nói với các nhà lập pháp.
Thay vào đó, ông nói rằng các dự báo cập nhật của Fed – được công bố sau cuộc họp chính sách tuần trước – đưa ra đường hướng hành động phù hợp của Ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay. Những dự báo này cho thấy, 16/18 thành viên của Ủy ban chính sách kỳ vọng có thêm một đợt nâng lãi suất nữa, và đa số các thành viên kỳ vọng 2 đợt nâng lãi suất trong năm nay.
Giới chức Fed kỳ vọng lãi suất tham chiếu sẽ đạt mức 5,6% vào thời điểm cuối năm nay, trong khi dự báo hồi tháng 3 là 5,1%.
“Tôi nghĩ đó là một phỏng đoán khá chính xác về những gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế hoạt động như dự đoán”, ông Powell nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Fed sẽ đưa ra quyết định “theo từng cuộc họp, dựa trên dữ liệu cập nhật và tác động của chúng đối với viễn cảnh nền kinh tế và lạm phát, cũng như cân bằng rủi ro”.
Phiên điều trần tại Hạ viện của ông Powell diễn ra trong lúc lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao hơn gấp đôi so với mục tiêu mà Fed đề ra, mặc dù đã trải qua 10 lần liên tiếp nâng lãi suất. Chỉ số đo lường mức chi tiêu về hàng hóa - dịch vụ của người dân (PCE) lõi - chỉ số được Fed ưa dùng, đã tăng 4,7% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái.
“Lạm phát đã giảm đôi chút kể từ thời điểm giữa năm ngoái”, ông Powell nói. “Tuy nhiên, sức ép lạm phát vẫn cao, và quá trình giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% vẫn còn một chặng đường dài”.
Chủ tịch Fed nhấn mạnh về 3 điều kiện kinh tế cần có để đà lạm phát giảm đáng kể: Thứ nhất là đà tăng trưởng kinh tế cần phải “thấp hơn mức khiêm tốn”, các "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng cần phải được tháo gỡ, và cung/cầu lao động cần phải được tái cân bằng.
“Tất cả những điều đó”, ông nói, “đang xảy đến chậm hơn nhiều và cũng càng chậm hơn so với điều chúng tôi kỳ vọng”.
Một số nhà lập pháp đã đặt câu hỏi về tác động tiềm ẩn mà nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed có thể gây ra. Ông Powell nhấn mạnh rằng Fed vẫn giữ cam kết với mục tiêu giảm lạm phát xuống còn 2% bất chấp mọi sự đánh đổi, bởi lợi ích về dài hạn là xứng đáng.
“Bình ổn giá là trách nhiệm của Fed, và nếu thiếu đi điều đó, nền kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”, ông Powell nói.
Khi được hỏi rằng liệu Fed có xem xét đến việc chính sách của họ ảnh hưởng ra sao đến các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình hay không, ông Powell nói rằng những hộ gia đình này chính là nhóm được hưởng lợi ích nhiều nhất nếu giá cả được bình ổn.
“Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà chúng tôi cần làm cho những người lao động là mang lạm phát trở lại tầm kiểm soát”, ông Powell nói. “Bởi chính người dân có mức thu nhập thấp nhất là nhóm người chịu ảnh hưởng tức thì và tồi tệ nhất từ lạm phát”.
Ngoài vấn đề lạm phát, một số nhà lập pháp cũng đặt câu hỏi về quản lý ngân hàng và yêu cầu về vốn sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và một số ngân hàng khác. Ông Powell không trả lời cụ thể về những thay đổi trong quản lý có thể diễn ra. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng cú sập của SVB cho thấy rõ ràng rằng “sẽ cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn và quy cả quy định đối với các ngân hàng có quy mô như vậy”.
Ông Powell sẽ có một phiên điều trần khác trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong ngày 22/6, theo giờ Mỹ.
Theo Barron's