Chủ tịch 8x của doanh nghiệp Việt đầu tiên vào danh sách tăng trưởng đột phá tại Nhật Bản: ‘Làm kinh doanh ở nước ngoài đừng khiêm tốn!’

Chia sẻ Facebook
30/07/2022 23:23:58

Rikkeisoft đang là doanh nghiệp công nghệ thông tin top 3 Việt Nam về quy mô, cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt Top 100 Best Venture Japan (danh sách uy tín bao gồm 100 doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất của Nhật Bản). Cách đây 2 năm, công ty này đã được ông Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT dự báo sẽ vươn lên top 2 trong tương lai gần. Nhưng Tạ Sơn Tùng – nhà đồng sáng lập và là Chủ tịch công ty – nói rằng, nhất định Rikkeisoft sẽ vươn lên vị trí số 1.

Theo dõi những lần anh chia sẻ truyền thông, tôi thấy anh là một người tự tin. Anh rất thẳng thắn về chuyện rời FPT và cũng nói chắc như “đinh đóng cột” về việc sẽ vượt qua FPT. Anh vẫn luôn là người tự tin như vậy?

Đúng là tôi tự tin từ nhỏ. Có lẽ do từ bé đến tận lúc vào đại học, trong việc học, tôi luôn là số 1. Mục tiêu thời đi học chỉ có một việc duy nhất là đỗ thủ khoa để mẹ được lên TV. Tôi tự tin đến mức nghĩ: “Mình trượt thì không ai đỗ được” (cười).

Thế nhưng cuối cùng tôi là Á khoa. Và khi vào đại học, tôi mới thấy có quá nhiều người giỏi hơn mình. Những người giỏi nhất lớp tôi thời đó – chính là những người sau này cùng tôi sáng lập Rikkeisoft – đều là những học sinh rất xuất sắc, có giải Quốc Gia ,vào thẳng đại học. Và tất nhiên sau khi đi du học, được chứng kiến sự phát triển của đất nước Nhật Bản, tôi đã thay đổi tư duy rất nhiều. Núi cao còn có núi khác cao hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi mất tự tin. Trái lại, việc rời FPT là do tôi có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân và đội ngũ sáng lập Rikkeisoft.

Anh nói mình rời FPT vì thấy tồn tại nhiều vấn đề. Khi có cơ hội nói chuyện với ông Đỗ Cao Bảo, anh có nói về vấn đề đó không?

Có chứ. Thời tôi còn ở FSoft (FPT Software) có nhiều vấn đề, ở góc nhìn của tôi.

Nhưng thú thật, giờ nhìn lại, có vấn đề là đương nhiên. Vì thời ấy nhân lực công nghệ thông tin rất ít, không nhiều trường đào tạo, sinh viên trong trường không được thực hành nhiều, ra trường đi làm ngay chắc chắn không thể tốt. Có những người rất giỏi, có người rất bình thường và thậm chí là kém cùng làm với nhau. Như thế, người giỏi sẽ vất vả để giúp người kém hơn, nhiều lúc cũng rất căng thẳng vì họ không được làm đúng năng lực, sản phẩm ra chất lượng không tốt là hệ quả tất yếu.

Thời điểm đó tôi không nghĩ được như vậy, nhận thức còn chưa sâu. Hiện nay Rikkeisoft có quy mô bằng nửa Fsoft trước đây (năm 2011), tôi mới nhìn lại và nhận thấy, đội ngũ lãnh đạo FPT quá giỏi! Quy mô nhân sự lớn như vậy thì quy trình, đào tạo cực kỳ phức tạp. Hơn nữa, làm việc với người Nhật trong khi kỹ sư không biết tiếng Nhật thì còn một vấn đề rất lớn nữa là sự “tam sao thất bản” trong giao tiếp dự án. Vậy mà họ vẫn tăng trưởng phát triển tốt, cá nhân tôi rất hâm mộ!

Tôi tin rằng FPT là môi trường rất tốt để phát triển, nhưng cũng tin mình có thể làm nhiều hơn.

Ai sẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường sự nghiệp của anh?

Tôi hâm mộ nhiều nhân vật lịch sử và học hỏi từ các câu chuyện lịch sử để ứng dụng trong kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Tôi cũng hay theo dõi những người đi trước như anh Đỗ Cao Bảo, anh Hoàng Minh Châu, và đọc sách để học tập và đúc rút kinh nghiệm. Con đường tôi tự đi, phần nhiều theo bản năng dẫn lối.

Nhận xét về Tạ Sơn Tùng, ông Đỗ Cao Bảo đánh giá: ở tuổi ngoài 30 (độ tuổi mà các ông Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc sáng lập FPT) đã là chủ tịch của một công ty có doanh thu vài chục triệu đô, lãnh đạo 1.500 nhân viên, thành công chinh phục thị trường Nhật, đang hướng tới thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, có tư duy và trải nghiệm toàn cầu, đủ sức để tuyển dụng và quản lý nhân viên người nước ngoài, đó chính là hình ảnh tương lai của Việt Nam.

Cách đây gần 2 năm, ông Đỗ Cao Bảo, từng chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi tin rằng trong tương lai ngắn Rikkeisoft sẽ là công ty công nghệ thông tin lớn thứ 2 Việt Nam”. Thế nhưng tôi thấy anh đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của Rikkeisoft còn lớn hơn thế và anh tự tin vào điều đó. Dựa vào điều gì mà anh tự tin đến thế?

Dự đoán của anh Bảo đang được hiện thực hóa. Năm sau (2023), nếu theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trở thành công ty công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô đúng nhân sự đứng thứ hai.

Còn về việc vượt FPT, tôi tự tin bởi vài lý do. Thứ nhất, năm nay tôi 33 tuổi, tầm tuổi đó, anh Trương Gia Bình mới thành lập FPT, còn tôi đã có công ty 1.500 người, tức là xuất phát điểm của tôi đã có lợi thế. Thứ hai, những người xung quanh tôi cũng là những người xuất sắc, như đội ngũ sáng lập FPT ngày xưa. Tôi tin chúng tôi có thể làm được.

Sự tự tin của anh có hữu ích ra sao khi anh kinh doanh ở nước ngoài?

Có hai thành ngữ tôi không thích.

Một là, “nói trước bước không qua”. Với tôi khiêm tốn không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt trong kinh doanh.

Người Việt Nam đi ra nước ngoài thường không tự tin, thậm chí tự ti. Trong khi đó, kinh doanh ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng, người Nhật chân thành, thật thà như vậy, nhưng có một phần năng lực, thì họ vẫn nói từ 1,5 đến 2. Nên nếu làm kinh doanh ở nước ngoài thì tuyệt đối đừng khiêm tốn. Lời khuyên của tôi là hãy nói trước để bước qua. Đặt và tuyên bố mục tiêu rõ ràng để làm động lực.

Vào đại học thì tôi nói trước sẽ đi du học và sau 2 năm học ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì tôi được sang Nhật Bản du học. Tốt nghiệp đại học, tôi nói 27 tuổi phải kiếm được 1 triệu đô, thì đến năm 27 tuổi doanh thu của Rikkei đã là 1,5 triệu đô. Năm 2015, khi Rikkeisoft mới chỉ có 100 nhân sự, tôi nói đến năm 2020, Rikkeisoft phải có 1.000 người. Lúc đó nhiều người không tin. Nhưng đến năm 2018 có 500 người, mọi người bảo nhau có khi sẽ làm được, và 2019 Rikkei có 1.000 người.

Và giờ tôi đặt mục tiêu năm 2025 phải có 10.000 người. Tôi nói đi nói lại mục tiêu đó, như một mệnh lệnh với chính mình, khiến tôi làm liên tục và luôn tập trung vào mục tiêu đó.

Câu thứ hai tôi không thích là “an cư lạc nghiệp”. Theo tôi làm kinh doanh muốn thành công phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chinh phục nhiều thứ. Những người quen ổn định rồi thì khó có bước phát triển. Nhiều người cứ hay nói ổn định phát triển, nhưng ổn định thì không phát triển được, mà phát triển thì không ổn định được. Đó là rủi ro phải chấp nhận.

Có rất nhiều người cho rằng Việt Nam cần “thoát kiếp” gia công, không chỉ tập trung làm outsource. Anh nghĩ gì về điều đó?

Những người ý kiến như vậy bản chất là chưa định nghĩa đúng về gia công. Gia công cũng lên tầm mới. Ngày xưa chúng ta gia công những thứ rất đơn giản, người Nhật chỉ chữ A, ta viết chữ A. Nhưng đó là ngày xưa thôi, giờ khác rồi.

Sau nhiều năm, kỹ sư Việt Nam nói tiếng Nhật đã rất tốt, kỹ sư của chúng ta cũng đã làm được nhiều công đoạn khó hơn. Giờ đây, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có thể tư vấn cho khách hàng, chứ không làm theo hướng dẫn nữa. Thậm chí, khách hàng chỉ cần đưa ra mong muốn, còn doanh nghiệp tự nghĩ ra và giải bài toán đó cho khách hàng. Giá trị thặng dư ở những công đoạn phía trên cao hơn rất nhiều.

Các công ty tư vấn hàng đầu thế giới, như Deloitte, bản chất họ cũng là outsource. Nhưng tại sao mọi người không nghĩ Deloitte là outsource? Vì giá theo man-month, man-hour của họ rất cao. Và thực sự họ giúp đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều. Nhu cầu outsource trên thế giới lớn, có rất nhiều người cần được giúp đỡ, có người biết vấn đề của mình là gì, có người thậm chí không biết.

Vậy còn việc đầu tư vào các công nghệ mới như AI, Blockchain thì sao?

Những công nghệ phát triển đã lâu thì Việt Nam có thể còn chậm, do chúng ta bắt đầu muộn hơn. Tuy nhiên, mới các lĩnh vực công nghệ cao thì chúng ta đang có rất nhiều lợi thế và ngày một bắt kịp với đà tăng trưởng. Rikkeisoft đã đầu tư AI, Robotics và Blockchain từ vài năm trước, bởi chúng tôi tin đó là xu thế của tương lai. Đặc biệt, với Blockchain, chúng ta đang bước song song với nhịp phát triển toàn cầu, có vị thế tốt trong ngành. Blockchain có thể là một cơ hội lớn. Nếu Việt Nam tận dụng được đà tăng trưởng này, chắc chắn chúng ta sẽ có một vị trí quan trọng trên bản đồ Công nghệ cao thế giới.

Tôi luôn nói với các bạn trẻ Việt Nam, về năng lực, khi ra thế giới các bạn không thua kém gì người nước ngoài, nên hãy tự tin. Chỉ có điều, người Việt thường không làm đến cùng, nên không thực sự chuyên nghiệp trong một lĩnh vực. Ở Nhật, lao động làm tới 20 năm chỉ một hệ thống duy nhất, hỏng hóc ở đâu sẽ biết ngay. Còn ở Việt Nam nhiều khi làm 2 năm đã thay đổi, với những lý do như không có niềm vui trong công việc.

Tôi nghĩ muốn thành công cần chăm chỉ hơn. Khi thuần thục mọi kỹ năng, họ mới tường tận và hiểu sâu sắc nguyên lý của vấn đề đó, từ đó cải tiến để xử lý thông minh hơn. Vì vậy, một số người nói rằng "don’t work hard, work smart" là vì trước đó, họ đã "hard" lắm rồi.

Điều tự hào lớn nhất của anh sau 10 năm thành lập Rikkeisoft là gì?

Tôi có hai niềm tự hào lớn nhất. Thứ nhất là đã giúp hơn 600 nhân viên sang nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản. Ra thế giới giúp họ thay đổi tư duy, trưởng thành hơn, và chắc chắn cuộc sống của họ sau này sẽ tốt hơn. Thứ hai, đội ngũ founder của chúng tôi, sau 10 năm vẫn đồng hành cùng nhau và cùng hướng về mục tiêu chung nâng tầm sứ mệnh IT Việt.

Anh từng nói về việc cách đây 20 năm, ngành phần mềm là tiềm năng ở Việt Nam, và đến tận bây giờ vẫn chỉ là tiềm năng. Vậy bao nhiêu năm nữa chúng ta mới vượt qua tiềm năng để trở thành tài năng, điều đó có nằm trong kế hoạch 10 năm tới của anh không?

Tại thời điểm hiện tại (2022), tôi nghĩ ngành CNTT Việt Nam đã vượt qua mức tiềm năng, ghi dấu ấn trên bản đồ CNTT thế giới. Chúng ta có Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird, có những Unicorn như SkyMavis, Coin98 hay Kyber Network trong mảng Blockchain…

Tuy nhiên nếu nói về các tập đoàn công nghệ thông tin lớn thì hầu như không có mấy cái tên ngoại trừ FPT. Phải có hàng chục công ty như vậy, thì mới có ngành công nghệ thông tin đúng nghĩa, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam còn ít và chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy chúng tôi đang tập trung phát triển, đào tạo nhân lực CNTT. Tôi đã có ý tưởng từ lâu về chuyện “nông dân biết code”, ai cũng có thể làm lập trình viên được. Điều này xuất phát từ thực tế rằng sinh viên Việt Nam, nhiều bạn ra trường không có việc, còn chạy xe công nghệ, trong khi, taxi bên Nhật, Singapore.. hầu như chỉ có người già thôi.

Đó là một trong những lý do Rikkeisoft thành lập Rikkei Academy đào tạo về công nghệ thông tin, cam kết đầu ra cho học viên. Định hướng này tập trung sinh viên sắp ra trường, tu nghiệp sinh, những người xuất khẩu lao động ở Nhật. Số lượng này giờ rất đông, tiếng Nhật tốt, nhưng đến Nhật lại chỉ làm các công việc phổ thông, rồi về Việt Nam lại không được tiếp tục đào tạo để phát triển, thì thật tiếc.

Ngành IT cần chuyên gia ở những công đoạn rất khó, nhưng cũng có công đoạn chỉ cần đào tạo cơ bản và chịu khó học là xử lý được. Ở Nhật Bản, tới hơn 50% kỹ sư là những người xuất phát điểm không học công nghệ thông tin.

Ngoài ra, hình ảnh của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với hơn 10 năm trước đây khi tôi mới thành lập Rikkeisoft. Rất nhiều công ty đang tiến đến thị trường Nhật, Mỹ...và thành công. Ví dụ ở Nhật muốn outsource, họ đã nghĩ đến và lựa chọn Việt Nam.

Có thể nói chúng ta đã vượt qua mức tiềm năng một chút, nhưng tài năng thì chưa phải, vì số doanh nghiệp quy mô trên nghìn người chưa nhiều. Mới chỉ FPT quy mô trên 20.000 và cần hàng chục công ty như vậy, thì mới thành ngành công nghệ thông tin.

Thời học ở Nhật, tôi đi tham quan rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, cách đây 10 năm các công ty phần mềm Nhật đã có mười mấy nghìn người, mà lại có tới hàng chục công ty như thế. Ở Việt Nam cũng phải có nhiều công ty lớn như vậy, thì ngành IT mới phát triển.

Còn về 10 năm nữa, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ thành trung tâm CNTT của khu vực và thế giới.

Cá nhân anh nhận thấy anh và những người đồng lứa với anh có gì khác so với thế hệ doanh nhân công nghệ thông tin thời đầu như ông Trương Gia Bình, Đỗ Cao Bảo…?

Tôi nghĩ mình có nhiều lợi thế. Trẻ hơn là đã khác rồi. Chúng tôi đi nhiều hơn và điều kiện, bối cảnh kinh tế cũng thuận lợi hơn. Thời các anh đi trước, Việt Nam còn đang bị cấm vận, hết cấm vận thì cũng ít quốc gia biết đến Việt Nam. Bây giờ, hình ảnh Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Nên có thể nói là chúng tôi may mắn hơn, sinh hợp thời hơn.

Đó là những khác biệt về cơ hội, về môi trường. Còn tham vọng, lý tưởng thì sao?

Tôi nghĩ lý tưởng giống nhau ở tính dân tộc, yêu nước, và đặc biệt trăn trở về vị thế của người Việt.

Nếu đọc về lịch sử sẽ thấy, thời chiến người Việt Nam không sợ “Tây”, nhưng thời bình thì lại sợ, và có sự sính ngoại. Sự sính ngoại, về bản chất là vị thế của người Việt thấp trong mắt chính người Việt. Doanh nghiệp Việt Nam, khi làm việc với doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản thì rất nghiêm chỉnh, nhưng khi làm việc với chính doanh nghiệp Việt Nam khác thì lại thường xuyên nợ xấu. Có sự phân biệt không hề nhẹ. Thế nên, nâng tầm vị thế người Việt là việc chắc chắn Rikkeisoft đang và phải làm.

Được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi thấy rằng không chỉ tôi, anh Đỗ Cao Bảo, hay những người đã thành danh mới trăn trở về đất nước. Ai là người Việt cũng muốn giúp đất nước tốt hơn, nhưng mỗi người có cách thể hiện khác.

Với tôi, cách giúp đất nước là tự làm cho mình và những người xung quanh mình giàu. Trước hết tôi muốn ai làm tại Rikkeisoft cũng trở nên giàu có (về kiến thức, chuyên môn và tài chính). Thứ hai, tôi sẽ đưa anh em ra nước ngoài nhiều hơn, để mọi người mở rộng tầm nhìn và trưởng thành, xem họ hơn mình cái gì, kém mình ở đâu.

Tôi tin ai cũng có trăn trở với đất nước. Tất nhiên ban đầu có thể bị thu hẹp tư tưởng làm cho mình giàu, cho gia đình hạnh phúc. Nhưng khi đã làm được rồi thì phải làm gì cho đời, cho đất nước chứ!


Cảm ơn chia sẻ của anh!


Theo Thái Trang

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook