Chủ sở hữu Shopee đã sa thải 7,000 nhân viên trong 6 tháng qua
6 tháng qua, gã khổng lồ đa ngành Sea đã cắt giảm 7,000 việc làm – tương đương 10% lực lượng lao động – trong một nỗ lực giảm lỗ và giành lại niềm tin từ nhà đầu tư, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.
Chủ sở hữu Shopee đã sa thải 7,000 nhân viên trong 6 tháng qua
Nằm trong đợt cắt giảm gần nhất là 100 nhân viên ở công ty thương mại điện tử Shopee. Những người bị cắt giảm việc làm vừa nhận được thông báo trong ngày 14/11, dựa trên nguồn tin thân cận. Đây là một phần trong kế hoạch sa thải kể từ tháng 6/2022.
Gã khổng lồ gaming và thương mại điện tử này đã “bốc hơi” 90% vốn hóa so với đỉnh khi triển vọng tạo lợi nhuận của Sea bị đặt dấu hỏi lớn trong bối cảnh lãi suất tăng và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Công ty đã ra sức cắt giảm việc làm, đóng cửa chi nhánh thương mại điện tử ở châu Âu, Mỹ Latinh và cho biết sẽ cắt giảm chi phí hoạt động.
Sea dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý 3 trong ngày 15/11. Các chuyên viên phân tích ước tính Sea sẽ lỗ nặng hơn và doanh thu tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2017.
Ngoài ra, ông lớn thương mại điện tử này cũng cắt giảm tuyển dụng, giảm hoạt động quản lý quan hệ nhân viên, đào tạo và các chức năng nhân sự khác ở Singapore, Trung Quốc, dựa trên nguồn tin thân cận.
Các nhân viên bị cắt giảm bao gồm nhân viên hỗ trợ hoạt động tuyển dụng và đạo tạo ở Shopee và công ty dịch vụ tài chính kỹ thuật số SeaMoney (công ty vận hành ShopeePay). Các nhà quản lý tại Sea cũng được chỉ đạo tuyển dụng cẩn trọng hơn khi công ty chuẩn bị tâm lý bước vào giai đoạn kinh tế khó khăn.
“Là một phần của nỗ lực tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, chúng tôi tiếp tục xem xét cẩn thận các dự án kinh doanh và các ưu tiên với mục tiêu đạt được khả năng tự lực cánh sinh. Chúng tôi cũng đang cố gắng hỗ trợ các đồng nghiệp bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi này”, Sea cho biết trong một tuyên bố. Khép năm 2021, Sea có hơn 67,000 nhân viên.
Trong tháng 9/2022, nhà đồng sáng lập Sea Forrest Li thông báo rằng các lãnh đạo hàng đầu của Công ty sẽ không nhận lương và siết chính sách chi phí để vượt qua khó khăn.
Nhà phân tích Nathan Naidu của Bloomberg Intelligence cho biết việc cắt giảm chi phí cho thấy Sea đã hướng tập trung mới vào lợi nhuận. Điều này khiến các nhà đầu tư xem xét Sea kỹ càng hơn các công ty cùng ngành trong khu vực vì doanh nghiệp này được xem là trưởng thành hơn. Sea lên sàn từ năm 2017, trong khi công ty như Grab, GoTo Group chỉ mới niêm yết năm qua.
"Các nhà đầu tư có khả năng bắt đầu coi Sea không phải là một cổ phiếu tăng trưởng. Có rất nhiều áp lực với Sea để đạt được lợi nhuận", Naidu nói.
Tài sản của các nhà sáng lập “bốc hơi” 32 tỷ đô
Khi giá cổ phiếu lao dốc 90% so với đỉnh, khối tài sản của ông Li cũng “bốc hơi” nhanh chóng.
Sau khoảnh khắc ngắn ngủi trở thành người giàu nhất Singapore với khối tài sản 22 tỷ USD năm ngoái, tài sản của CEO Li hiện còn 3 tỷ USD . Hai nhà đồng sáng lập Gang Ye và David Chen cũng giảm tổng cộng 13.5 tỷ USD . Trước đó, Ye sở hữu 12 tỷ USD nhưng hiện chỉ còn 2 tỷ USD và Chen hiện không còn là tỷ phú.
Tổng cộng ba nhà sáng lập Sea đã mất khoảng 32 tỷ USD , theo Bloomberg. Cùng các lãnh đạo cấp cao khác của Sea, cả ba nhà đồng sáng lập trên đều tuyên bố không nhận lương cho đến khi công ty đạt đến mức "tự cung tự cấp".
Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn tại công ty từng có cổ phiếu tăng trưởng nóng nhất thế giới. Hiện các nhà phân tích ước tính mức lỗ hàng quý của Sea sẽ tăng lên khi công ty công bố kết quả vào ngày 15/11.
"Họ đang đứng trước nhiều thách thức. Công ty này phải chứng minh rằng thương mại điện tử có thể mang lại lợi nhuận. Sau đó, họ cần chứng tỏ rằng có thể tung ra nhiều trò chơi ăn khách hơn để thúc đẩy sự phát triển trong mảng game. Hiện vẫn chưa thể nói trước được điều gì", Ke Yan, Trưởng nhóm nghiên cứu của DZT Research có trụ sở tại Singapore, cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)