Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Người dân phàn nàn về việc thu hồi sổ hộ khẩu
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng phản ảnh người dân phàn nàn về việc thu hồi sổ hộ khẩu theo quy định khi người dân tiến hành thay đổi thông tin.
Sáng nay 10/10, UBTVQH tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.
Cử tri ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực khi GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Cử tri bày tỏ sự lo lắng, dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển, vẫn có những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao...
“Các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công” – báo cáo nêu rõ.
Về các vấn đề xã hội, báo cáo kiến nghị cử tri đề cập đến tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các đơn vị, địa phương xin nghỉ việc.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
“Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và tội phạm về tham nhũng và chức vụ” – báo cáo nhấn mạnh.
Người dân phàn nàn về việc thu hồi sổ hộ khẩu
Góp ý vào báo cáo do Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam chuẩn bị, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Lê Tấn Tới đề nghị cân nhắc về đánh giá nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc cũng như an ninh trật tự.
“Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy trong 2,5 năm qua có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư, là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống như báo cáo nêu.” – ông Lê Tấn Tới nói và đề nghị cần có đánh giá khái quát và sát hơn.
Tương tự, tình hình an ninh trật tự nhìn chung được đảm bảo, tuy nhiên cử tri quan tâm đến những vấn đề nổi bật thì báo cáo cần nhấn mạnh để làm rõ, như hành vi lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, cháy tại cơ sở karaoke...., tránh đánh giá chung chung dẫn đến không sát tình hình.
“Đề nghị cơ quan chức năng hết sức quan tâm, có hướng dẫn; khẩn trương rà soát các quy định phù hợp, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi nhất cho người dân, và cũng là bước chuẩn bị tích cực khi hết năm nay sổ hổ khẩu hết giá trị sử dụng thì không phát sinh vướng mắc, bất cập lớn” – ông Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng đề cập trường hợp một số địa phương xử phạt phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. “Cần đánh giá, xử phạt thế không đúng quy định của Chính phủ. Covid-19 chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine, nhất là với trẻ em từ 5-12 tuổi nên cần tuyên truyền, vận động việc tiêm vaccine ngừa Covid-19”.
Ông Tùng cũng nêu rõ, Nghị định 117 của Chính phủ về xử phạt hành chính có quy định hành vi cố tình cản trở, không sử dụng vaccine nhưng chỉ áp dụng với nhân viên y tế chứ không áp dụng cho người được tiêm vaccine, hay phụ huynh liên quan. Do đó ông đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo, tránh thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì nhấn mạnh cử tri và nhân dân quan tâm đến cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kỳ vọng sau khi Quốc hội có nghị quyết sẽ xử lý được các dự án treo, quy hoạch treo. Bởi có tình trạng trong rất nhiều năm nhiều hộ dân ở trong diện quy hoạch không được làm gì, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân....
Liên quan xăng dầu, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung thêm vào báo cáo về việc hiện nay nhân dân phản ánh điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu “cũng có gì đó chưa phù hợp”, dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu nói đã kinh doanh là lỗ nên người ta đóng cửa, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.