Chủ hụi tố cáo con hụi có hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản!
Bà Nguyễn Thị Mai Trâm (1987, trú Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vừa có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng về việc bị người khác lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua hình thức chơi biêu hụi. Sau khi tiếp nhận đơn thư, Cơ quan CSĐT đã có phản hồi, việc tranh chấp tiền chơi “biêu, hụi” là tranh chấp dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
2 trong số hàng loạt lệnh chuyển tiền nghi vấn là lệnh khống do bà My gửi cho bà Trâm.
Góp hụi bằng lệnh chuyển tiền khống!
Người bị bà Trâm tố cáo là bà Trần Thị Trà My (1984, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Theo đơn tố cáo, bà My có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà Trâm số tiền hơn 1,5 tỷ đồng thông qua việc chơi “biêu, hụi”. Cụ thể, ngày 17-10-2022, bà Trâm mở một hội “biêu” và đến nay có khoảng 100 người tham gia. Trong đó có bà My vào tham gia với tổng cộng 56 dây “biêu”. Theo nội quy, người tham gia dây biêu có trách nhiệm đóng tiền đúng kỳ và đủ cho chủ hụi và chủ hụi cũng có trách nhiệm thanh toán tiền đúng và đủ cho hụi viên.
Trong quá trình bà My tham gia các dây biêu, bà Trâm phát hiện bà My gửi cho bà 63 hình chụp lệnh chuyển tiền (chụp màn hình điện thoại) đã chuyển khoản thành công qua ngân hàng cho bà Trâm nhưng bà Trâm lại không nhận được tiền.
“Khi phát hiện, tôi đã gửi 63 lệnh này lên ngân hàng (MB và Seabank) để xác nhận. Hai ngân hàng này cho hay 63 lệnh chuyển khoản đều không có giao dịch, và nghi ngờ là lệnh giả. Qua kiểm tra, đối chiếu, tôi thống kê được số tiền thất thoát bởi hành vi “lừa dối” chuyển khoản thành công của bà My”, bà Trâm nói.
Ngay sau khi được nhân viên ngân hàng thông báo, bà Trâm đã phản hồi cho bà My về việc không nhận được tiền và đề nghị bà My đến ngân hàng thực hiện đối soát 63 lệnh giao dịch này để làm rõ, nhưng bà My cố tình chây ì không chịu đến để sao kê xác thực.
Sau khi thụ lý giải quyết đơn của bà Trâm, đến ngày 10-7-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã có Phiếu số 90/HD-CSHS trả lời và hướng dẫn bà Trâm gửi đơn đến tòa án để được giải quyết. Phiếu hướng dẫn ghi rõ: “Việc tham gia chơi “biêu hụi” là các bên đều hiểu, biết, cùng tự nguyện, không có ai bị dụ dỗ, ép buộc. Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy vụ việc nêu trên là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu của tội phạm, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Nghi vấn có hành vi gian dối
Trao đổi với phóng viên, về việc chơi “biêu, hụi”, luật sư Lê Cao- Công ty luật FDVN (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, về nguyên tắc chơi hụi là một dạng giao kết dân sự giữa các bên, tuy nhiên trong quá trình tham gia nếu một trong các bên có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì pháp luật không cho phép. Nếu có việc làm giả tài liệu là các phiếu chuyển tiền để chứng minh việc nộp hụi không đúng là hành vi trái luật; có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, hành vi này cần được điều tra làm rõ vi phạm hành chính hay hình sự để có chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Còn về hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, cần điều tra làm rõ thủ đoạn gian dối có từ lúc nào, ý đồ chiếm đoạt tài sản đến trước, hay cùng lúc, hay sau khi có được tài sản từ việc chơi hụi. Nếu có thủ đoạn gian dối để đưa ra thông tin trước nhằm chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu thông qua hình thức chơi hụi, sau đó dùng hành vi gian dối để chiếm đoạt thì có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với phóng viên liên quan đến vụ việc này, sau khi xem những lệnh chuyển tiền của bà My, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB), chi nhánh Nguyễn Văn Linh cho biết: Ngân hàng không dám khẳng định là các lệnh chuyển tiền có phải là lệnh giả hay không, vì muốn xác định chính xác phải là cơ quan điều tra. Còn cung cấp thông tin về các lệnh chuyển tiền lúc giao dịch có tiền và có lệnh chuyển tiền hay không thì về nguyên tắc, ngân hàng không thể cung cấp, ngoại trừ chủ tài khoản chuyển tiền và chủ tài khoản nhận tiền đến ngân hàng đề nghị sao kê; hoặc cơ quan điều tra có văn bản đề nghị. Tuy nhiên, lãnh đạo chi nhánh này cũng đặt nghi vấn về các lệnh chuyển tiền. Cụ thể là, với tất cả các lệnh chuyển tiền nội bộ trong ngân hàng MB cho nhau đều thể hiện rõ giờ và ngày trên lệnh chuyển tiền. Còn các lệnh của chị My chuyển tiền trong nội bộ mà phóng viên cung cấp lại không có giờ chuyển tiền.
“Theo quy định chỉ có 2 bên yêu cầu cung cấp sao kê, hoặc là chủ tài khoản chuyển tiền, hoặc là cơ quan điều tra. Còn nhìn qua lệnh chụp qua màn hình, thấy rõ nghịch lý là không có giờ chuyển tiền, nhưng chúng tôi không dám khẳng định những lệnh đó là thật hay giả. Muốn xác định rõ, chỉ có cơ quan điều tra và các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc mà thôi”, đại diện chi nhánh ngân hàng nói.
Rõ ràng, trong vụ việc có rất nhiều nghi vấn liên quan đến hàng loạt lệnh chuyển tiền của bà My! Bởi nếu không phải là “chiêu trò” làm lệnh giả để lừa gạt và thực sự đã chuyển tiền thì không có lý do gì bà My không cùng bà Trâm đến ngân hàng để sao kê, đối chứng. Bà Trâm cho biết, đang tiếp tục làm các thủ tục khiếu nại, tố cáo hành vi gian dối, lừa đảo của bà My đến các cơ quan chức năng, với mong muốn đòi lại sự công bằng.