Chú Hỏa: Từ đòn gánh ve chai đến hào phú giàu có nổi tiếng Sài Gòn

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 02:37:33

Nói về sự thành công của người Hoa ở đất Sài Gòn xưa thì không thể không nhắc tới Chú Hỏa. Chú Hỏa tên thật là Huỳnh Văn Hoa, từng sở hữu 22.000 ngôi nhà ở Sài Gòn – Chợ Lớn, là người giảu có nổi tiếng Đông Dương. Cũng giống như khá nhiều hào phú Sài Gòn nổi tiếng khác, ông bắt đầu với hai bàn tay trắng, từ nghề ve chai mà trở nên giàu có.

Bến tàu và khách sạn Majestic ở phía dưới bên phải. Khách sạn nổi tiếng này từng là tài sản của gia đình Chú Hỏa. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Từ nghề ve chai

Huỳnh Văn Hoa sinh năm 1845 ở làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến (nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).

Năm 1863 khi 18 tuổi, Huỳnh Văn Hoa sang Việt Nam, đặt chân đến Sài Gòn với 2 bàn tay trắng, phải làm nghề ve chai kiếm sống. Thế nhưng bỗng chốc chàng trai này phất lên và trở thành giàu có, khiến rất nhiều giả thiết được người ta đưa ra.

Có người kể rằng trong một lần thu mua ve chai, Huỳnh Văn Hoa tìm được túi vàng đặt trong chiếc nệm cũ. Cũng có người cho rằng Huỳnh Văn Hoa mua được bức tượng nhưng tình cờ phát hiện bên trong chứa đầy vàng.

Còn có chuyện kể rằng khi người Pháp cho thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng, Huỳnh Văn Hoa đã mua lại số máy này. Nhờ kinh nghiệm mua bán ve chai mà ông phân loại được vàng và những thứ có giá trong số máy truyền tin ấy.

Cũng có người cho rằng, Huỳnh Văn Hoa lê la khắp Sài Gòn gom những thứ bỏ đi, nhờ biết chữ Hán nên tìm ra trong những thứ đổ đi có đồ cổ rất có giá trị.

Sau này tác giả Chen Bickun có được những tài liệu từ dòng dõi của Huỳnh Văn Hoa đang sinh sống ở Paris, Pháp. Theo các tài liệu này thì khi mới sang Việt Nam, giai đoạn đầu Huỳnh Văn Hoa phải sinh sống bằng nghề ve chai vất vả. Thấy chàng trai này rất thật thà, một ông chủ người Pháp nhận về làm việc cho mình.

Sau một thời gian, ông chủ thấy Huỳnh Văn Hoa không chỉ thật thà mà còn đặc biệt siêng năng tốt bụng, vì thế mà ngày càng tin tưởng và yêu quý. Sau đấy ông chủ người Pháp giúp đỡ Huỳnh Văn Hoa một ít vốn để mở tiệm cầm đồ kinh doanh.

Tiệm cầm đồ nằm đối diện với văn phòng của ông chủ người Pháp, chính là vị trí góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay. Có lẽ ông Trời cũng thương người thật thà lại chịu khó nên tiệm cầm đồ hoạt động rất tốt.

Đến bất động sản

Gần tiệm cầm đồ có khu đất khi ấy là vũng lầy vô cùng rộng lớn nhưng bị bỏ hoang, Huỳnh Văn Hoa liền mua lại. Ngày nay khu đất này nằm giới hạn trong con đường Trần Hưng Đạo, Yersin, Đề Thám.

Từ vũng lầy, khu đất nhanh chóng được quy hoạch, sau này chợ Bến Thành cũng được xây dựng tại đó. Sau khi san lấp thành đường phố, giao thông tấp nập, khu đất lầy bị bỏ hoang ngày nào bỗng trở thành tấc đất tấc vàng, Huỳnh Văn Hoa thu được số tiền lời rất lớn.

Để thuận lợi cho việc kinh doanh, Huỳnh Văn Hoa nhập quốc tịch Pháp, lấy tên là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa được ký âm theo phương ngữ Phúc Kiến, âm Việt hóa là Hứa Bổn Hỏa, và người Việt hay gọi ông là Chú Hỏa.


Chú Hỏa thành lập công ty Bất động sản Hui Bon Hoa sở hữu 22.000 ngôi nhà ở Sài Gòn. Dân thời đấy có câu: “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” (Chú Hỷ là vua tàu thủy Nam kỳ thời đấy).

Giáo dục con cháu bằng chiếc đòn gánh

Là hào phú giàu có, Chú Hỏa không quên thời gian khó xưa kia, ông giáo dục các con rất tốt, thường làm việc thiện, nhắc các con không quên gốc gác nhặt ve chai của mình.


Theo tư liệu của Bảo tàng Hoa kiều Tuyền Châu thì năm 1901, Chú Hỏa mất ở Sài Gòn. Các con được thừa hưởng gia tài của cha, mà “báu vật” ông truyền lại cho con cháu là chiếc đòn gánh ve chai của mình, nhắc nhở các con dù sống trong giàu có nhưng không quên gốc gác nghèo khó, cần làm nhiều việc thiện.

Ngay sau khi Chú Hỏa mất, các con ông sáp nhập công ty Hui Bon Hoa của cha mình lại với công ty Louis Ogliatro của một người Pháp ở đảo Corse. Công ty liên doanh Ogliastro-Hui Bon Hoa quản lý các tiệm cầm đồ và kinh doanh bất động sản.

Con đường mang tên Hui Bon Hoa tại xã Nessa, đảo Corse. (Ảnh: Pierre Bona, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau đó liên doanh này mở rộng sang ngành dược, năm 1919 quản lý 25 nhà thuốc lớn khắp Đông Dương, trong đó có 6 nhà thuốc ở Sài Gòn.


Năm 1920, gia đình Chú Hỏa đã xây 3 tòa nhà mới trên phần đất khởi nghiệp của ông, được bao bọc bởi 4 con đường ngày nay là đường Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Calmet và Lê Thị Hồng Gấm, dân chúng gọi đây là “nhà Chú Hỏa”.

Công trình này được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư người Pháp là Paul Veysseyre và Kruze, theo phong cách Art décort, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á – Âu.

Ở trung tâm khu nhà này, nơi trang trọng nhất là gian thờ, có chiếc tủ pha lê đẹp tinh tế. Trong chiếc tủ này, một chiếc đòn gánh ve chai truyền đời được đặt trang trọng.

Khuôn viên bên trong nhà chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn. (Ảnh: Eureka287, Wikipedia, Public Domain)

Những công trình ý nghĩa

Cũng như Chú Hỏa, các con cháu của ông đã làm nhiều việc thiện, xây dựng và hiến tặng nhiều công trình phúc lợi như: Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (tên Việt là Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn năm 1949, chùa Kỳ Viên năm 1949, Thành Chí học hiệu (Trường THCS Minh Đức), các công trình nuôi cơm những người vô gia cư, v.v..


Năm 1933, báo chí Trung Quốc đưa tin rằng “nhà Chú Hỏa” là tòa nhà sang trọng bậc nhất tại Sài Gòn.

Năm 1925, gia đình Hui Bon Hoa thành lập tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa để quản lý gần 30.000 nhà ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1925, tổng công ty bất động sản Hui Bon Hoa xây dựng khách sạn Majestic nổi tiếng, đây cũng là khách sạn đầu tiên được trang bị máy điều hòa ở Đông Dương.

Khách sạn Majestic 1920 – 1929. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Ngoài ra tổng công ty này cũng thi công các công trình khác còn tồn tại đến ngày nay như khu nhà khách Chính phủ, các trụ sở ngân hàng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, khách sạn Palace Long Hải (nay thuộc Bà Rịa Vũng Tàu), v.v..

Khu biệt thự đường Lý Thái Tổ của gia đình chú Hỏa, đầu thập niên 1970. Khu biệt thự này gồm 7 cái, ở đầu đường Lý Thái Tổ, gần Ngã 6 Cộng Hòa. Khu biệt thự này hiện nay được dùng làm Nhà khách Chính phủ. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Năm 1975, gia đình Hui Bon Hoa đến nước Pháp sinh sống, khu nhà Chú Hỏa bị tiếp quản, đến năm 1987 thì được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật.

Cháu chắt của Chú Hỏa vẫn có người về Việt Nam thăm lại kỷ vật xưa của gia đình. Họ thường chọn ở lại khách sạn Majestic do gia đình Hui Bon Hoa xây dựng khi xưa và rất vui khi khách sạn trải qua gần một thế kỷ vẫn còn để phục vụ du khách.


Trần Hưng tổng hợp


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook