Chữ Hiếu thời nay
Xã hội hiện đại, lối sống thay đổi, các bậc cha mẹ cần thay đổi trong cách dạy con để tìm cách thích ứng, giữ gìn sự Hiếu Đạo trong nền tảng gia đình.
Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Người xưa nói: “Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người ...”. Song cũng có nhiều kẻ bất hiếu, vô luân làm lương tri xã hội nhức nhối. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động bất hiếu ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.
Thời gian qua, nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra, mỗi khi những hình ảnh cha mẹ bị con cái ngược đãi thậm chí bị hãm hại đến mất mạng được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo gây chấn động dư luận xã hội.
Chữ “Hiếu” đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại. Thực tế trong xã hội đã xuất hiện tình trạng khá phổ biến chứ không còn là cá biệt như: Con cháu không tôn kính, không vâng lời dạy dỗ, khuyên bảo, phải kính trên nhường dưới, thậm chí từ chối, lẩn trốn trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ.
Quả thật, nói tới chữ Hiếu trong xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng. Nền tảng đạo đức bị suy đồi, con người bị cuốn hút vào chủ nghĩa thực dụng. Họ coi của cải vật chất và tiền bạc là “số một”.
Vì thế, vấn đề chăm sóc cha mẹ già, đền đáp những người có ơn từng giúp đỡ mình trở thành gánh nặng với họ, nói gì đến Chữ Hiếu. Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn: “Nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành với biết bao khó khăn bộn bề, khi đủ lông đủ cánh, không còn cơ hội để lợi dụng, chúng đã quay lưng ngay không nghĩ gì tới đấng sinh thành, sao chúng có thể bất nhân đến thế...?”.
Thực trạng trên là tiếng chuông báo động về sự bất hiếu đang diễn ra, bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa.
Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới vững mạnh được. Muốn đến được đích đất nước hùng cường, toàn dân hạnh phúc, quốc thái dân an thì ngay từ trong mỗi gia đình, dòng họ đã phải an toàn hạnh phúc rồi.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng Bất Hiếu và tha hoá đạo đức, nhưng chung quy lại, cái gốc chính là cách sống ngày nay, do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại, họ sống bằng thứ tình cảm khô cằn của mình.
Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động. Khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình. Bất Hiếu với cha mẹ và những người đã từng cưu mang giúp đỡ họ.
Nó còn là tư tưởng chiếm hữu cái được cho là đương nhiên của mình, nó phổ biến đến nỗi trở thành một gánh nặng tâm lý lên bất kỳ gia đình nào. Thậm chí, bố mẹ chưa về già mà con cái đã nghĩ đến chuyện tranh giành tài sản, tìm mọi cách để mình sẽ không bị chia phần ít. Việc chia tài sản nó khiến con cái coi tiền, đất đai của bố mẹ đương nhiên sẽ là của mình, tài sản của con không bao giờ là tài sản của bố mẹ. Đấy không phải là một dạng "chiếm đoạt tài sản" hay sao ?
Nói đi cũng phải nói lại, sai lầm lớn nhất của bậc làm cha mẹ là vì quá yêu thương con cái, dù có lớn đến đâu thì trong mắt cha mẹ các con đều còn nhỏ dại và vẫn rất cần được đùm bọc cho chu toàn. Chúng chưa kịp nghĩ thì ta đã nghĩ hộ, chúng chưa kịp khó khăn thì ta đã bù đắp không để chúng thiếu thốn. Mọi thứ chúng có được đều rất dễ dàng, không cần phải động não, cân nhắc trước sau, chưa có rồi sẽ có, nếu có trót đánh mất thì sẽ có người bù đắp, cái kho vô tận của bố mẹ luôn mở rộng cửa đón chúng vào. Đến khi không còn khả năng bù đắp cho chúng thì đương nhiên chúng sẽ oán trách: “Tại sao lại để chúng phải chịu khó khăn, khổ sở?”, “Bố mẹ không còn giúp được nữa thì đó là lỗi của bố mẹ?”.
Vì vậy đã đến lúc cần cho chúng hiểu: Thành công hay thất bại cũng là do bàn tay ta làm nên. Giàu có hay nghèo hèn cũng là những thứ tương xứng với sự cố gắng, nỗ lực của tự thân mỗi người. Hãy nhìn ở các nước phát triển, khi đã đủ 18 tuổi trở lên là phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, tách ra độc lập không phụ thuộc vào bố mẹ mà con cái của họ vẫn kính trọng bố mẹ đấy thôi. Đó là vì họ có sự tự trọng, họ chỉ tiêu tiền do họ làm ra và chủ động hưởng thụ những giá trị mà họ xứng đáng được hưởng.
Cha mẹ đâu đòi hỏi các con phải báo hiếu bằng mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị. Đạo làm con đối với cha mẹ là sớm thăm tối hỏi, quạt nồng ấp lạnh, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu…đó mới là điều đáng trân trọng của Chữ Hiếu.
Thế rồi ở phương diện cha mẹ, khi còn sức khỏe , cha mẹ chăm lo cho con cái, khi về già nếu không được cậy nhờ ở con cái thì chớ có vội bán nhà, chuyển giao tài sản chia cho các con để rồi sau đó rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”. Càng có tuổi càng phải chủ động về tài sản vật chất, phòng khi trái nắng trở trời, khi đau yếu không tự làm được nhưng vẫn còn tiền để thuê người giúp việc, có nhà của mình để ở không phải nhờ cậy ai, không nảy sinh tự ti mặc cảm, đau buồn.
Tiền bạc, tài sản của bố mẹ chỉ nên để sử dụng đảm bảo cuộc sống của bản thân bố mẹ lúc xế chiều. Nếu dư rả thì để khen thưởng cho con cháu khi chúng có thành tích, hỗ trợ khi chúng thực sự khó khăn nhất thời. Tuyệt đối không được để chúng kỳ vọng gì.
Nếu con cái không coi tài sản của bố mẹ đương nhiên là của mình thì họ sẽ bớt tham lam và sống có mục tiêu, trách nhiệm với bản thân, gia đình riêng của họ. Tuổi cao của mỗi người sẽ được thanh thản, an nhàn hơn đến cuối đời, góp phần duy trì được Chữ Hiếu của Tổ Tiên đời đời bền vững.