Chủ doanh nghiệp môi giới BĐS phải bán nhà, xe gồng lỗ
Với những khó khăn chưa có hồi kết của thị trường BĐS, các công ty môi giới BĐS đua nhau báo lỗ trong quý vừa qua, thậm chí một số chủ DN phải bán tài sản của mình để gồng chi phí.
Chủ doanh nghiệp môi giới BĐS phải bán nhà, xe gồng lỗ
Trong khi mọi năm quý IV thường là giai đoạn hoạt động mua bán bất động sản sôi động nhất thì năm 2022 lại hoàn toàn trái ngược. Với bối cảnh này, ông T.T., giám đốc một công ty môi giới chuyên bán dự án tại quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) đã phải bán nhà, xe để "gồng lỗ" 400 triệu đồng mỗi tháng cho công ty của mình. Số tiền này bao gồm cả mặt bằng và lương sau khi đã giảm biên chế, giảm lương.
"Công ty cũng như đứa con tinh thần của tôi, có những anh em theo tôi từ rất lâu nên không thể khi khó mà mình dẹp công ty, nếu như thế khi thị trường tốt ai làm với tôi nữa. Do vậy, tôi buộc phải bán bớt tài sản đã đầu tư để công ty có dòng tiền hoạt động", ông chia sẻ với chúng tôi.
Không chật vật thì cũng giải thể
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cũng phải gồng lỗ hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng để trả lương và các chi phí khác của công ty.
"Giai đoạn này phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Đặc biệt, dòng tiền vào gần như không có, trong khi dòng tiền giống như máu đối với doanh nghiệp, máu đông chỗ nào chết chỗ đó. Cũng may công ty có một ít tiền dự trù nên chúng tôi vẫn cầm cự được", ông nói.
Trong khi đó, những công ty không có dòng tiền mạnh buộc lòng phải cắt lương, giảm nhân sự, đến lúc thoái trào cũng phải đưa ra quyết định giải thể. Đơn cử, một công ty môi giới đặt tại TP Thủ Đức thành lập hồi tháng 10/2021 đã phải ngưng hoạt động, sa thải hết nhân viên, chờ tín hiệu từ thị trường.
"Hồi tháng 12, công ty còn cố gắng duy trì tiền thuê mặt bằng văn phòng 50 triệu đồng/tháng và hỗ trợ anh em tư vấn khách. Nhưng giờ khó khăn quá, nhân viên cũng đã cho nghỉ nên chúng tôi chỉ giữ lại tầng trệt với chi phí thuê 20 triệu đồng/tháng", đại diện công ty cho biết.
Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (FERI) cũng đã đưa ra một số liệu đáng "giật mình", chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm ngoái, có 2.300 doanh nghiệp môi giới bất động sản tạm dừng kinh doanh, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Còn theo khảo sát mới đây của VARS, hơn 30% các doanh nghiệp dịch vụ bất động sản phải chấp nhận đóng cửa trong năm 2022.
Trong khi đó, các doanh nghiệp còn hoạt động cũng đang rơi vào tình trạng thiếu dòng tiền, phải thực hiện tái cấu trúc nhân sự, giảm lương và cắt giảm các khoản trợ cấp.
Những ông lớn như Đất Xanh cũng không ngoại lệ, chỉ trong vòng ba tháng cuối năm 2022, số lượng nhân viên của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (ĐXG) đã giảm hơn 3.000 người, chỉ còn 3.773 vào cuối năm 2022 - số lượng nhân sự thấp nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Trong khi trước đó, mỗi năm doanh nghiệp này luôn tuyển thêm lượng lớn nhân viên. Đỉnh điểm nhất là trong quý II/2021 - thời điểm vẫn còn đại dịch Covid-19, Đất Xanh tuyển thêm hơn 1.000 nhân sự.
Chính vì những 'cú sốc' sa thải nhân sự này, nhiều môi giới bất động sản phải lao đao tìm chỗ mới. Theo ông Hậu, bên cạnh những người bị cắt giảm còn có những môi giới tự rời bỏ nghề, đặc biệt là những môi giới mới vào thị trường.
"Mặc dù công ty chúng tôi vẫn có lương cứng, tuy nhiên tâm lý khi tuyển vào họ đều nghĩ không bán được hàng, không có hoa hồng để bảo đảm chi trả cuộc sống, nên cũng chật vật khi tuyển người mới. Nếu ai có tầm nhìn thì đây là thời điểm học hỏi, tích lũy kiến thức, chờ thị trường nóng sốt sẽ có cơ hội bán hàng tốt hơn", ông Hậu nói.
Tất cả đều trông chờ vào năm nay
Những khó khăn này càng rõ nét hơn khi loạt ông lớn môi giới bất động sản đều đua nhau báo lỗ trong báo cáo quý IV/2022 vừa qua.
Đáng chú ý, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm hơn phân nửa với cùng kỳ chỉ còn 984 tỷ đồng , điều này khiến cho doanh nghiệp từ mức lãi ròng 245 tỷ đồng vào cùng kỳ đã phải báo lỗ 460 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Tương tự, doanh thu thuần trong quý cuối năm ngoái của CenLand chỉ đạt 175 tỷ đồng , giảm 84% so với cùng kỳ. Đồng thời, kinh doanh dưới giá vốn khiến khoản lỗ gộp gần 5 tỷ đồng , trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp 348 tỷ đồng . Kết quả, trong quý IV/2022 Cen Land báo lỗ ròng 59 tỷ đồng , trái ngược với kết quả cùng kỳ năm ngoái lãi 122 tỷ đồng .
Trong lúc này, An Gia và Danh Khôi cũng đều lần lượt báo lỗ. Riêng Khải Hoàn báo lãi 251 tỷ đồng , tuy nhiên con số này cũng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Khó khăn ngày càng bủa vây, ông T.T. cho biết trước mắt vẫn đang chờ thông tin từ thị trường. Trong lúc này, công ty vẫn củng cố đội ngũ môi giới và theo sát, chăm sóc khách hàng thật tốt.
"Do công ty không có lương cứng nên chúng tôi đã cho đội ngũ môi giới làm thêm thị trường chuyển nhượng lại và cho thuê để họ có tiền trang trải cuộc sống, bám trụ với nghề. Khi thị trường ấm lại thì sẽ chuyển đổi cho toàn bộ môi giới bán dự án mới", anh nói.
Còn ông Hậu lại khẳng định giảm nhân sự hay không có tiền để chi trả lương đều không có trong "từ điển" của công ty. "Nếu khó khăn quá chúng tôi sẽ bán dự án ở Bình Phước để chi trả thêm. Đồng thời, có thể tinh gọn bộ máy như giảm chi phí mặt bằng, giảm lương nhân sự cấp cao - những khoản chiếm phần lớn trong chi phí doanh nghiệp", ông bổ sung.
Dự báo thị trường bất động sản, ông Hậu cho rằng khoảng quý III/2023 sẽ dần có giao dịch trở lại. Tuy nhiên, phải đến năm 2024 thị trường mới có thể hồi phục lại. "Hiện thị trường cũng gần như là đáy, tôi nghĩ có tiếp tục khó thì cũng khó như những tháng cuối năm 2022 chứ không hơn", ông nhấn mạnh.
Theo quan sát của vị lãnh đạo này, hiện một số khách hàng vẫn được ngân hàng giải ngân để vay mua nhà. Ông đánh giá đây là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản vào năm nay, đặc biệt là với những người có nhu cầu thực.
Đồng quan điểm này, ông T.T. bổ sung Chính phủ cũng đang có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản nên hy vọng sắp tới những sản phẩm bất động sản có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín sẽ "ấm" trở lại.
Khảo sát của chúng tôi với một số chủ doanh nghiệp môi giới bất động sản đều cho rằng NHNN cần xem xét phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Liên Phạm