Chủ đầu tư tăng tiền vận hành lên 70%, công nhân khu nhà ở xã hội thắp đèn cầy phản đối
Chị D.T.V. cho biết 8 năm trước vợ chồng chị vay tiền mua căn hộ rộng hơn 33m2 trong khu nhà ở xã hội IDICO. Chủ đầu tư bất ngờ tăng phí dịch vụ, chị V. không chấp nhận đóng phí mới liền bị cắt điện, thế là chị thắp đèn cầy để phản đối.
Nhiều cư dân sinh sống tại khu nhà ở xã hội IDICO (thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) liên tục “kêu cứu” khi chủ đầu tư dự án tăng phí dịch vụ vận hành lên hơn 70%.
Trong đó, một số hộ dân - đa số là công nhân có hoàn cảnh khó khăn - phản đối mức phí mới đã bị chủ đầu tư cắt điện sinh hoạt. Để có điện sử dụng, nhiều hộ dân bấm bụng đóng phí mới. Song có người thắp đèn cầy, dùng bếp gas để phản đối chủ đầu tư.
Phí dịch vụ vận hành mới tăng hơn 70%
Khu nhà ở xã hội IDICO do Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO (Công ty IDICO URBIZ) làm chủ đầu tư, bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 2014. Khu này gồm 4 dãy nhà với tổng số 504 căn hộ dành cho người lao động.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở các dãy B3, B4, B13 liên tục kêu cứu về việc chủ đầu tư cắt điện sinh hoạt. Nguyên nhân do các hộ này không đồng ý với mức tăng phí vận hành quá cao.
Theo thông báo của chủ đầu tư, mức phí mới tăng hơn 70% so với giá cũ. Cụ thể, đối với căn hộ có diện tích 33,62m 2 tăng từ 100.000 đồng lên 171.000 đồng (tương đương 5.100 đồng/m 2 ); căn hộ 53,45m 2 tăng từ 170.000 đồng lên 305.000 đồng (tương đương 5.700 đồng/m 2 ).
Nguyên do chị không đồng ý mức phí mới bởi chủ đầu tư chưa công khai rõ ràng các khoản thu chi, ban quản trị không họp dân lấy ý kiến mức phí dịch vụ mới. Do đó, chị chọn thắp đèn cầy, nấu nướng bằng gas để phản đối chủ đầu tư.
Trong khi đó, nhiều hộ dân dù cũng bức xúc với mức tăng phí vô lý của chủ đầu tư nhưng đành chọn cách thỏa hiệp, đóng tiền để có điện sử dụng. Điển hình là trường hợp của gia đình chị P.T.T.T., 36 tuổi, cư dân dãy nhà B13. Mẹ con chị T. là một trong những cư dân đầu tiên sinh sống tại khu nhà ở xã hội IDICO. Chị T. nói rằng cách hành xử của chủ đầu tư khiến chị rất buồn và bức xúc.
Theo chị T., trong năm 2020, phía IDICO thông báo tăng phí dịch vụ vận hành, từ 100.000 đồng lên 171.000 đồng. Chị T. không đồng ý mức giá đó và phản đối ngay từ đầu. Đến sáng 13-7, chủ đầu tư tiến hành cắt điện sinh hoạt gia đình chị. Do con gái thứ 2 bị động kinh, lo lắng cho con gái lên cơn khi mất điện buộc chị T. phải thỏa hiệp đóng một phần tiền.
Chị T. cho rằng chủ đầu tư trước khi tăng phí phải thông qua ban quản trị, họp cư dân lấy ý kiến. "Tăng phí nhiều hay ít cá nhân tôi không có ý kiến, tập thể quan trọng, nhưng điều tôi mong muốn phải làm theo đúng pháp luật, đúng trình tự. Trong khi phía IDICO báo phí vận hành lỗ như thế nào, thu chi như thế nào người dân lại không được biết" - chị T. bức xúc.
Do ban quản trị không hợp tác?
Trao đổi về vụ việc, bà Phạm Thị Huệ - đại diện Công ty IDICO URBIZ - cho hay khi đi vào hoạt động năm 2014, theo tính toán các hộ dân phải đóng phí dịch vụ vận hành là 3.700 đồng/m 2 . Tuy nhiên, với việc cư dân nơi đây phần lớn là lao động nghèo nên công ty chỉ thu phí tạm tính là 3.000 đồng/m 2 , còn lại công ty hỗ trợ.
Đến năm 2020, sau 6 năm "bù lỗ", công ty tính toán lại và quyết định tăng giá dịch vụ lên hơn 5.000 đồng/m 2 . Bà Huệ khẳng định mức phí thực tế thuê nhân công vệ sinh, bảo vệ, bảo trì… còn cao hơn, rơi vào khoảng 7.000-8.000 đồng/m 2 .
Cũng theo bà Huệ, mặc dù đã có quyết định thành lập ban quản trị khu nhà ở xã hội 2 lần, công ty từng đề nghị ban quản trị về tăng phí vận hành nhưng ban quản trị không thực hiện họp dân lấy ý kiến. "Công ty rất muốn bàn giao lại cho ban quản trị song không được. Chúng tôi cũng rất muốn có đơn vị kiểm toán độc lập vào làm việc, công bố để có cái nhìn khách quan nhất" - bà Huệ giãi bày.
Lý giải việc cắt điện của cư dân không đóng phí dịch vụ mới, bà Huệ nói rằng trong hợp đồng có điều khoản này. Song bà Huệ thừa nhận đối với các hộ dân ký hợp đồng trước năm 2015 không có điều khoản cắt điện. "Hiện chúng tôi đã mở lại điện cho tất cả các hộ dân. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành họp dân để tìm được tiếng nói chung giải quyết vấn đề này" - bà Huệ khẳng định.
Hơn 40 hộ dân ký tên vào đơn cầu cứu
Mới đây, chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch đã có văn bản giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan làm việc, đối thoại với người dân, xử lý đơn kêu cứu của các hộ dân tại khu nhà ở xã hội IDICO.
Trước đó, UBND huyện nhận được đơn của tập thể hơn 40 hộ dân tại khu nhà ở xã hội IDICO cầu cứu việc bị cắt điện do không đồng ý tăng chi phí vận hành khu nhà chung cư.
Cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "ba tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao.