Chủ cây xăng miền Tây lao đao vì thua lỗ, người dân chật vật tìm mua xăng dầu

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 16:01:55

Nhiều cây xăng ở các tỉnh miền Tây liên tục thiếu hàng, bán giới hạn 30.000 đồng hoặc đóng cửa đã khiến đời sống người dân bị đảo lộn.

Nhiều cây xăng ở các tỉnh miền Tây liên tục thiếu hàng, bán giới hạn vài chục nghìn đồng hoặc đóng cửa đã khiến đời sống người dân bị đảo lộn, chật vật đi tìm mua xăng dầu trong hơn một tháng qua. Chủ cây xăng cũng lao đao vì thua lỗ, nguồn cung thiếu trước hụt sau. Bộ Công thương phản ứng ra sao trước tình trạng trên?

Giá tăng nhưng nguồn cung xăng dầu vẫn bất ổn, hệ quả người tiêu dùng chịu thiệt

Người dân chật vật đi tìm mua xăng dầu để phục vụ cho sản xuất và công việc, chưa biết lúc nào tình trạng hết xăng mới kết thúc. (Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Theo đó, sau hàng loạt phản ánh về việc thua lỗ do bị ép chiết khấu (0 đồng) từ các đầu mối phân phối xăng dầu, nhiều đại lý bán lẻ (cây xăng) đã đóng cửa, mất vốn. Số còn lại tiếp tục bán nhưng đến nay lượng xăng dầu cung ứng vẫn nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng – Nguyễn Hùng Em cho biết đang có nhiều cây xăng hết hàng, số lượng khoảng 40/431. Theo ông Hùng Em, không chỉ có cây xăng thuộc hệ thống Petimex hết hàng mà còn có Dầu khí Nam Sông Hậu và Dầu khí Mê Kông, Zing đưa tin.


“Theo tôi biết thì hệ thống bên Đồng Tháp đang thiếu nghiêm trọng, Dầu khí Mê Kông cũng thiếu. Petrolimex của Nhà nước mới cầm cự được”, ông Hùng Em cho hay.

Chị Như Ý – chủ cây xăng ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết trước đây khan hiếm dầu, gần 2 tháng nay nguồn cung dầu đã cải thiện, giờ đến lượt khan hiếm xăng, theo Tuổi Trẻ.


“Tôi đặt một xe 6.000 lít, họ chỉ giao cầm chừng 1.000 – 2.000 lít, do vậy chỉ bán vài ngày thì hết xăng, tiếp tục đợi nhà phân phối cung ứng. Không chỉ chiết khấu giảm, phân phối nhỏ giọt khiến việc mua bán rất khó khăn, mệt mỏi” , chị Ý cho biết.


Còn tại An Giang, do nhiều cây xăng đóng cửa nên người dân phải buộc đổ dồn về hệ thống của Petrolimex, “Bình thường Petrolimex An Giang bán 5.000 m3/tháng thì nay đã tăng lên gần 8.000 m3/tháng” , lãnh đạo Petrolimex An Giang cho biết.


Ông Lê Văn Thanh ở TP Cần Thơ cho biết gia đình có 3 cửa hàng xăng dầu. Trước tình trạng thiếu xăng dầu, chiết khấu 0 đồng diễn ra từ tháng 7 đến nay, 3 cửa hàng của ông phải gánh khoản lỗ gần 300 triệu đồng mỗi tháng. “Gia đình tôi kinh doanh xăng dầu hơn 30 năm chưa gặp phải tình cảnh này bao giờ” , ông nói, báo Vnexpress dẫn lời.

Ông Thanh cho biết công ty có ký cam kết sản lượng với doanh nghiệp đầu mối nhưng mấy tháng qua, sản lượng không được nhập đủ 100% nên ngày bán, ngày nghỉ. Trong khi đó, giá chiết khấu (giao tại kho) hiện là 50-200 đồng một lít xăng, trừ chi phí vận chuyển, kinh doanh cầm chắc thua lỗ.

Bộ Công thương Việt Nam phản ứng ra sao?


Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết “việc dư luận cho rằng thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước là hoàn toàn không chính xác”, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương đưa tin.

Theo ông Diên, giá xăng dầu ở Việt Nam nằm trong những nước thấp nhất thế giới, trừ Malaysia có trợ cấp giá cho người dân trong nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá 10 ngày/lần khiến các doanh nghiệp nhập về giá cao, bán ra giá thấp nên thua lỗ.

Đại sứ quán Việt Nam lên tiếng về giá xăng 13.000 đồng/lít ở Malaysia

Từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập.

Bộ trưởng còn cho rằng việc cây xăng đóng cửa ở phía Nam là do tình trạng xăng dầu giả, hàng lậu. Do vậy, doanh nghiệp kinh doanh không quan tâm lắm đến chiết khấu, chi phí định mức, nguồn hàng ổn định, v.v…

Ngoài ra, ông Diên cho biết quan sát thấy có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Thị trường đi xuống nên nguồn tiền vơi đi, thiếu vốn kinh doanh xăng dầu.

Do xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của 6 Bộ ngành khác, nên ông Diên cho hay trách nhiệm không chỉ thuộc về riêng mỗi Bộ Công thương. Còn có Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và Ngân hàng Nhà nước.


Đức Minh

Bộ Công thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng cho DN xăng dầu

Bộ Công thương vừa đề nghị NHNN hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối như: nâng hạng mức tín dụng, vay lãi suất ưu đãi,... để nhập khẩu xăng dầu.

Chia sẻ Facebook