“Chốt” thời điểm, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thu phí tự động ETC 100% từ 1/6
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đã rà soát, xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống ETC trên tuyến để có phương án khắc phục xử lý trước khi triển khai thí điểm từ ngày 1/6.
Ngày 11/5, Tổng cục ĐBVN đã cùng Cục CSGT và các đơn vị liên quan rà soát lại phương án tổ chức giao thông, hệ thống biển báo trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để phục vụ công tác thí điểm 100% thu phí không dừng các phương tiện di chuyển trên tuyến từ ngày 1/6/2022.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, từ ngày 1/6 sẽ tiến hành chỉ thu phí tự động không dừng (ETC) trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và sẽ không lùi thời gian thực hiện. Việc thí điểm sẽ thực hiện tại 32/62 làn thu phí trên 6/6 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tại buổi kiểm tra việc chuẩn bị thực hiện chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vào chiều 11/5, theo ông Huyện, trên tuyến Quốc lộ 5 vẫn tiến hành thu phí song song giữa ETC và MTC (thu phí thủ công một dừng) nên người dân có quyền lựa chọn, hoặc đi cao tốc thu phí ETC hoặc đi vào đường Quốc lộ 5. Qua đó, người dân sẽ thấy được sự tiện lợi khi sử dụng ETC.
“Tại mỗi trạm BOT trên tuyến sẽ duy trì một làm thu phí thủ công một dừng để xử lý các phương tiện gặp sự cố trong quá trình thu phí như thẻ không được nhận diện…,” ông Huyện thông tin thêm.
Đối với các sự cố trục trặc thẻ thu phí như không được nhận diện… ông Huyện cho biết Tổng cục Đường bộ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần giao thông số VDTC phối hợp để xử lý dứt điểm, hạn chế tối đa tình trạng trục trặc trong quá trình tổ chức thu phí.
Liên quan đến lo ngại sự cố đứt cáp quang, gây tê liệt thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có lặp lại như thời gian qua, ông Huyện cho hay Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo đơn vị quản lý là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và VETC thi công lắp đặt một tuyến cáp quang dự phòng, để đảm bảo đường truyền liên tục.
Nhấn mạnh việc thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến cao tốc này là tiền đề để mở rộng ra các tuyến cao tốc khác trong thời gian tới đây, ông Huyện cho rằng trong quá trình triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng nếu thời gian đầu xảy ra ùn tắc kéo dài thì trong những tình huống bất khả kháng, nhà đầu tư có toàn quyền xả trạm để giải phóng giao thông.
“Việc xả trạm thu phí BOT không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà thu phí, cũng không làm thất thu. Các tình huống, phương án này đều đã có trong hợp đồng ký kết về phương án tài chính,” ông Huyện cho biết.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đến nay, VIDIFI đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và các lực lượng liên quan như Cảnh sát giao thông xây dựng kịch bản và phương án xử lý một số tình huống, sự cố trong quá trình thí điểm chỉ thu phí ETC trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Xây dựng kịch bản, diễn tập các phương án xử lý tình huống, sự cố
Theo ông Huyện, việc thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tiền đề để mở rộng ra các tuyến cao tốc khác trong thời gian tới đây.
“Trong quá trình triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nếu thời gian đầu xảy ra ùn tắc kéo dài, trong những tình huống bất khả kháng, nhà đầu tư có toàn quyền xả trạm để giải phóng giao thông”, ông Huyện nói.
Ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN, VIDIFI đã phối hợp với các Nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các đơn vị có liên quan xây dựng và ban hành phương án xử lý một số tình huống, sự cố trong quá trình thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN cũng chỉ đạo rà soát, xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí điện tử không dừng trên tuyến để có phương án xử lý khắc phục trước khi tiến hành thí điểm.
Để có phương án dự phòng cho đường truyền, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo VIDIFI khảo sát và triển khai đường truyền dự phòng bảo đảm tính dự phòng và việc truyền dữ liệu an toàn, thông suốt khi gặp sự cố đối với các đường truyền hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm, ngoài đường truyền chính sẽ có thêm 2 đường truyền dự phòng để đảm bảo khi đường truyền chính gặp sự cố sẽ có phương án dự phòng, đảm bảo đường truyền thông suốt liên tục.
Trước thời điểm thực hiện, Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị các nhà đầu tư cần triển khai phát hành tờ rơi tuyên truyền tới các lái xe, người dân về việc thí điểm thu phí không dừng toàn tuyến từ ngày 1/6, góp phần nâng cao tỷ lệ các phương tiện dán thẻ ETC qua trạm, phấn đấu đạt 89-90% khi chính thức triển khai. Hiện tỷ lệ này mới chỉ đạt 61%, có thời điểm đạt được 65%.
Về việc xử lý các vi phạm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, đối với các phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 tới đây sẽ bị xử phạt nghiêm. Trong đó, công tác xử phạt sẽ nghiêng về hình thức ghi hình phạt nguội để đảm bảo ATGT.
Nói thêm về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội TTKS giao thông số 2, Phòng 8, Cục CSGT cho biết, khi việc thí điểm thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thực hiện sẽ tiến tới bỏ barie tại các làn. Như vậy, việc xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát sẽ thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn.
Đồng thời, cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại cơ sở hạ tầng kỹ thuật giám sát trên tuyến đã đủ yêu cầu về pháp lý để xử phạt các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Công ty VETC, đến nay, trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có khoảng 60% số phương tiện lưu thông sử dụng thu phí ETC, số còn lại vẫn sử dụng thu phí MTC. Còn trên tuyến Pháp Vân-Ninh Bình, tỷ lệ này đạt 65%.
Gần đây, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức ETC, Bộ Giao thông Vận tải cho hay sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác dán thẻ, phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80-90%.
Đến thời điểm này, có khoảng 2,7 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm khoảng 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc.
Mặt khác, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, dự kiến trong tháng 6/2022.