'Chốt' đầu tư 85.813 tỷ đồng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô
Với 95,18% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Quy mô đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần, trong đó tổng mức đầu tư Dự án là 85.813 tỷ đồng.
Khai thác từ năm 2027
Theo Nghị quyết, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, sang giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án vành đai 4 từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Nghị quyết giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của Dự án đối với TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Có ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ tình hình thực hiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5 của TP Hà Nội, để làm rõ hơn tính cấp bách của Dự án, tránh dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lý giải: Hiện 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, bao gồm: Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5. Theo báo cáo của Chính phủ, các tuyến vành đai này trong giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản sẽ hình thành và thông tuyến được khoảng 154km/179km (đạt khoảng 86%) của 5 tuyến đường vành đai, đối với các đoạn còn lại, hiện nay TP Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện để sớm hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai này.
Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác để giảm tải cho hệ thống giao thông nội đô và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực Vùng Thủ đô theo quy hoạch, do đó, việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ từng bước giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của thành phố và Vùng Thủ đô.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia
Có ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP đối với dự án thành phần 3. Có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ sơ bộ phương án tài chính của dự án thành phần 3 áp dụng phương thức PPP và cụ thể hóa Nghị quyết của Dự án.
UBTVQH cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã nhận được đề xuất của các Nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup - CTCP (Nhà đầu tư đề xuất dự án); Tập đoàn T&T; Tập đoàn Him Lam; Công ty cổ phần DIC…
Các nhà đầu tư đều có cam kết đối với việc huy động vốn Nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của Dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Như vậy, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Dự án sẽ được bảo đảm.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn về suất đầu tư của Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cao hơn 1,2 lần so với Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. UBTVQH nhận thấy, do phương án thiết kế sơ bộ của mỗi dự án có các giải pháp kỹ thuật, khối lượng khác nhau, do đó suất vốn đầu tư của 2 dự án là có sự khác biệt. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 2 dự án có sự khác biệt lớn do đơn giá, phạm vi khối lượng khác nhau.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi căn cứ số liệu khảo sát, phương án thiết kế, khối lượng các hạng mục cụ thể xác định chi tiết tổng mức đầu tư của Dự án bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Luân Dũng
Tiền Phong