Chống tin giả, sai sự thật: Hãy là người chia sẻ có trách nhiệm!

Chia sẻ Facebook
30/11/2022 13:58:47

Trước tin giả, sai sự thật, mỗi cá nhân cần tạo cho bản thân một màng lọc thông tin bằng nhận thức, trách nhiệm, tỉnh táo trong tiếp nhận và chia sẻ.


Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương ứng với 73% dân số. Bên cạnh những thông tin tích cực, nhiều thông tin thiếu thẩm định, tin giả , tin sai trái cũng đang tràn lan trên mạng xã hội, tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng. Tin giả hiện không còn như nấm mọc sau mưa như sau đợt cao điểm dịch COVID-19, nhưng vẫn có muôn hình vạn trạng các chiêu trò, thủ đoạn tung tin giả, tin sai sự thật như tung tin trẻ em bị bắt cóc, học sinh vùng cao ăn thịt chuột, bịa ra những cái chết không có thật…

Trong môi trường số, người dùng đang hình thành thói quen đọc lướt, chưa đọc kỹ đã bấm nút chia sẻ trên mạng xã hội. Người đọc bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông dễ tin vào những điều có nhiều người tin, nhiều người thích hay chia sẻ hình thành xu hướng cuốn theo đám đông mà không cần kiểm chứng, hay phản biện, suy xét thấu đáo về các thông tin nửa thực nửa hư, mờ ảo. Tin giả như một virus xâm nhập, gây rối loạn dư luận, làm lung lay, thậm chí là khủng hoảng niềm tin.

"Động cơ trục lợi là một trong những yếu tố chi phối người sẵn sàng tung tin, sử dụng tin giả để tạo ra hiệu ứng phục vụ lợi ích của mình. Tung tin giả giống như hành vi mang tính phi đạo đức, giống như việc nói dối thành quen miệng thì sẽ khiến người ta khi ứng xử, giao tiếp cũng dối trá. Xem tin giả nhiều cũng khiến chúng ta rơi vào trạng thái nghi ngờ với chính bản thân, nghi ngờ người xung quanh nên sự tiêu cực trong suy nghĩ xuất hiện rất nhiều", PGS Phạm Mạnh Hà cho biết.

Thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tạo nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Nhiều công cụ đã được áp dụng để sàng lọc, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật.

Trong thế giới số, không đủ mọi công cụ để ngăn chặn, sàng lọc tất cả tin giả. Mỗi cá nhân cần tạo cho bản thân một màng lọc thông tin bằng nhận thức, trách nhiệm trong tiếp nhận và chia sẻ thông tin, tỉnh táo trước mỗi lần ấn nút thích, chia sẻ dòng trạng thái hay bình luận. Bởi nếu không bạn sẽ vô tình trở thành công cụ truyền tải, đưa tin sai sự thật đến cộng đồng. Và một ngày không xa, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của tin giả.

"Điều quan trọng là giáo dục và tự giáo dục, không ai sinh ra đã có ngay bộ lọc văn hóa mà phải qua học tập. Tôi nghĩ từ việc học và chắt chiu thông tin từ nguồn chính thống để tìm ra cái đúng, cái sai. Cuộc sống luôn có cái nhìn tích cực, sự tò mò chỉ làm ta vui lúc nhất thời đó, điều quan trọng là chúng ta có mục tiêu, giá trị để hướng đến trong cuộc sống. Như vậy, tin giả không làm chúng ta bận tâm. Chúng ta làm gì để giúp ích cho mọi người, cho xã hội, cho nghề nghiệp mới là điều quan trọng nhất để mạnh mẽ đối mặt với những thông tin thất thiệt", PGS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.


Người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo , sai sự thật, thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt hành chính từ mức 5 – 10 triệu đồng theo Nghị định 15 của Chính phủ. Trường hợp tung tin mục đích thu lợi bất chính gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể từ 3 tháng đến 7 năm tù, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng và trong tháng 12 sẽ công bố Bộ cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội để hỗ trợ làm lành mạnh môi trường mạng. Hơn lúc nào, chính mỗi người cần tăng đề kháng trước những thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng, là người chia sẻ có trách nhiệm.

Liên quan đến các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, cơ quan công an đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt 455 đối tượng và làm việc với 1.500 đối tượng.

Chia sẻ Facebook