Chống tham nhũng đã thành việc hằng ngày
10 năm, 170 cán bộ cấp cao bị xử lý, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, tướng lĩnh, có người đứng đầu không ít bộ ngành, địa phương... Chống tham nhũng không phải chuyện đơn giản.
Hai vali, một balô chứa đến 3 triệu USD từng được để tạm ở bancông tư gia một cựu bộ trưởng, rồi mới đây 10 tỉ đồng lại được công an phát hiện ngay trong ngăn kéo của một bị can tham nhũng... Với nhiều người, thật khó hình dung số tiền quá lớn tại sao lại để "hớ hênh" đến vậy?
Nhưng rồi sự việc này nối tiếp sự việc kia đã cho thấy quy mô, tính chất tham nhũng ngày càng "khủng", các vụ án tham nhũng gia tăng về tính chất, mức độ. Từ đó, sự băng hoại đạo đức, hay nói theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, sự "suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống" ngày càng nghiêm trọng.
Chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã có gần 50 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, không ít trong số đó dính vòng lao lý. Viên đạn bọc đường nguy hại đến mức có cơ quan như CDC Hà Nội, ông giám đốc tiền nhiệm vừa lãnh 10 năm tù thì ông kế nhiệm đã sa lưới pháp luật cũng bởi hành vi tham nhũng.
Không ai vui gì khi phải xử lý kỷ luật đồng chí của mình, nhưng rõ ràng công cuộc "đốt lò" đã thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu Đảng ta cũng như chất thép cộng sản của Đảng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Nhưng tại sao tham nhũng vẫn chưa chùn tay mà đại án Việt Á và vụ việc ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là điển hình? Phải chăng cơ chế còn dễ dãi để kẻ có tà tâm nảy sinh lòng tham phạm tội? Phải chăng "bổng lộc" quan trường là thói quen tự nhiên trong đầu không ít "công bộc" thay vì ý thức phấn đấu vì nước, vì dân như lẽ ra phải thế?
Thay đổi một thực trạng kéo dài hàng chục năm và lâu hơn thế là chuyện không dễ dàng. Lò đã nóng lên nhưng mới nóng ở trên, dưới liệu còn tình trạng nhìn nhau, cầm chừng, nghe ngóng? Liệu có chuyện chỗ đậm, chỗ nhạt trong xử lý, dẫn đến dư luận phân tâm?
Rõ ràng, chống tham nhũng không phải là chuyện đơn giản. Phải có bước đi thích hợp, có chiến lược, chiến thuật, bảo đảm chắc thắng, tâm phục, khẩu phục.
Phải chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm mà kinh tế vẫn phát triển, phòng dịch vẫn hiệu quả. Tinh thần ấy đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần quán triệt, "việc nào ra việc ấy", "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", rồi "kiên quyết chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng", "anh được giao chống tham nhũng mà tham nhũng, tiêu cực thì tôi xử trước"...
Những thông điệp giản dị, trực diện mà đầy thuyết phục, đi vào lòng người bởi nó được chắt ra từ thực tiễn cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực cam go, quyết liệt. Nó đã hình thành hệ thống lý luận về chống tham nhũng, từ kỷ luật Đảng, xử lý hành chính đến xử lý hình sự, liên thông, đồng bộ, kiên quyết.
Việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương do bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đứng đầu cho thấy lò sẽ nóng đều hơn, không thể có chuyện trên nóng, dưới lạnh.
Khi chống tham nhũng đã thành việc của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy "đứng mũi chịu sào" thì sự nêu gương và quyết tâm chính trị sẽ phải được thể hiện rõ bằng hành động cụ thể. Trung ương sẽ không làm thay, địa phương phải sát việc, tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ cũng sẽ dần bị tiêu trừ.
Cuộc tổng kết hôm nay cũng chính là một cuộc tổng duyệt đội ngũ chống tham nhũng, quyết tâm chống tham nhũng, để cuộc đấu tranh ấy càng hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn nữa.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) do Bộ Chính trị tổ chức với sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra sáng nay 30-6, với sự tham gia của hơn 81.000 đại biểu cả nước.