Chồng suốt ngày khen vợ hàng xóm, vợ bắt chồng lên chức... có phải bạo lực gia đình?
Đại biểu Quốc hội cho rằng hành vi bạo lực bây giờ có thể bạo lực thể xác và bạo lực bằng tinh thần, trong đó, bạo lực tinh thần lại gây ra khủng hoảng cho người bị bạo hành rất lớn.
Chiều 31-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TP.HCM) cho rằng phần lớn người bị bạo lực gia đình hiện nay là phụ nữ. Khi họ bị bạo lực thường phải ra khỏi nhà, có chị em phải dắt 1-2 con đi cùng.
Do vậy, bà kiến nghị bổ sung vào luật quyền cho người bị bạo lực được lựa chọn nơi ở để cảm thấy an toàn hơn.
Theo bà Trân, vừa qua có một số vụ việc người tình của bố hoặc mẹ bạo hành con riêng của đối phương, tuy nhiên dự thảo luật chưa quy định điều chỉnh với đối tượng này, vì vậy đề nghị bổ sung thêm.
Dẫn chứng vụ bé gái ở Bình Thạnh (TP.HCM), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng một số người vẫn có quan điểm vợ chồng, cha con bạo lực là việc riêng nên mới có việc các hộ dân xung quanh nghe bé khóc nhiều lần nhưng không quan tâm.
Bà nói nếu có sự quan tâm, nhận ra được nguy cơ thì có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng và đề nghị quy định cụ thể về vai trò của cộng đồng để ngăn chặn bạo lực gia đình.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thì đề nghị cần có quy định quản lý hình ảnh bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
“Bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội tràn lan, coi phim cứ ít phút là hình ảnh chồng đánh vợ, đánh ghen… Việc này phải có quy định quản lý, không nên để việc cổ súy, hình ảnh, mô tả về bạo lực gia đình là bình thường”, bà Lan nói.
Dẫn số liệu cứ 3 phụ nữ có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục, nhưng có tới 90% phụ nữ không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nói đây là số liệu rất đáng báo động và lo ngại, cần có bước xử lý nghiêm khắc hơn.
Vợ bắt chồng phải lên chức nọ kia có phải bạo lực gia đình?
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể nhận thấy rõ nhưng có những hành vi "không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần cũng là bạo lực gia đình".
Ví dụ, khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen vợ hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc "giận cá chém thớt", tức không hành động gì với người bị bạo hành nhưng "đánh chó, đánh mèo" lâu dài cũng làm thành viên bị tác động bị khủng hoảng về tâm lý.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nói b ạo lực về thể xác, về kinh tế thì nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra cũng như lượng hóa cho hết.
"Từ góc độ thực tiễn, góc độ tiếp cận các đại biểu có thể đóng góp thêm, nhất là góc độ bạo lực tinh thần", ông Hùng đề nghị và kể khi báo cáo trước Ủy ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, có thành viên cũng đề cập đến sức ép khi với các bà vợ, chồng đi làm là phải thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia, như vậy có phải hình thức bạo lực không...
"Câu chuyện các anh chị nói rất thực và khu trú nó kiểu gì thì cũng là câu chuyện cần đặt ra để tính, chứ như đánh nhau thấy dễ rồi", ông Hùng nêu.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội chỉ ra đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em.