Chống gian lận thi cử 'siêu nhỏ' bằng khoảng cách 25m và... tinh ý

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 17:57:21

"Loại này giá hơi cao một chút, 2,8 triệu đồng một máy. Giá thuê là 500.000 đồng/một ngày. Với loại này thì tìm một áo sơmi cổ dày xíu, rạch cổ áo và nhét vào trong. Tai nghe cũng có thể dán trực tiếp vào xương quai xanh"...

Các sản phẩm tai nghe siêu nhỏ được rao bán online tại TP.HCM - Ảnh chụp màn hình


Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có điểm mới là Bộ GD-ĐT quy định các điểm thi phải bố trí phòng thi và nơi bảo quản vật dụng của thí sinh cách nhau tối thiểu 25m.


Quy định này được đưa ra sau khi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho rằng tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng nhằm gian lận thi.


Mua bán "thiết bị siêu nhỏ"

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, trên các trang mạng xã hội, nhiều cửa hàng online gần đây đăng tải nhiều thông tin rao bán các thiết bị "tai nghe siêu nhỏ".

Một số loại phổ biến như tai nghe không dây dạng hộp diêm hay dạng thẻ ATM, tai nghe hạt từ siêu nhỏ, tai nghe hạt đậu, camera ngụy trang cúc áo đọc chữ từ xa. Phóng viên đã liên hệ với một tài khoản Facebook chủ cửa hàng tai nghe siêu nhỏ có để địa chỉ công khai tại Hà Nội để hỏi mua thiết bị này. Ông chủ giới thiệu sản phẩm tai nghe siêu nhỏ dạng Nokia với các tính năng vượt trội như không sợ bị phát hiện, pin lâu, tự động nhấc máy, micro siêu nhạy và nghe to rõ ràng.

"Máy tai nghe dạng Nokia sẽ nhét một sim sử dụng như điện thoại thông thường. Máy này kết hợp với tai nghe hạt đậu nhỏ nhét sâu trong tai không sợ bị lộ. Người ở nhà gọi điện vào số lắp trong máy Nokia đó, máy ở chế độ rung im lặng sẽ tự nhận cuộc gọi là truyền âm thanh lên tai. Có thể đàm thoại hai chiều, ngồi trong phòng thi có thể nói nhỏ về cho người ở nhà. Giá cả bộ là 1,5 triệu, thuê 200.000 đồng/một ngày", chủ cửa hàng cho biết. Để tăng phần tin cậy, người này còn gửi đoạn video hướng dẫn gắn tai nghe kín đáo, khó bị phát hiện.


Giám thị có thể phát hiện

Theo một giáo viên ở TP Hà Nội có nhiều năm làm giám thị trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc phát hiện thí sinh gian lận trong phòng thi cần một sự tinh ý. Phần lớn học sinh có hành vi gian lận thường có những biểu hiện bất thường từ ánh mắt đến cử chỉ tay chân.

Chẳng hạn trong một lần gác thi kiểm tra học kỳ tại trường, giữa lúc phòng thi hơn 30 người vẫn đang yên lặng làm bài thì cô này nhận thấy một em cứ nhìn dọc nhìn ngang. Sinh nghi, cô để ý thêm thì thấy cứ khoảng 5-7 phút là em này lại đưa tay vào hộc bàn một lần. Cuối cùng, cô phát hiện học sinh này mang điện thoại vào phòng thi. "Vì vậy thông thường học sinh nếu có ý định gian lận, dù sử dụng thiết bị công nghệ cao, cũng để lại những biểu hiện bất thường, dễ bị giám thị chú ý", giáo viên này nói.

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) - cho rằng trước các cuộc thi lớn thầy cô đều nhắc nhở học sinh nên tự mình làm bài, qua đó kết quả bài thi phản ánh đúng sức học của mỗi người. Trong trường hợp gian lận, nếu bị phát hiện thì học sinh rất dễ chịu trách nhiệm pháp lý và ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh của các em về sau. "Phòng tránh việc gian lận của học sinh là điều nên làm, tuy nhiên tôi nghĩ nơi cần kiểm soát chặt hơn là khâu ra đề và chấm điểm, vốn thường xảy ra những vụ việc tiêu cực hơn trong những năm gần đây" - ông Phú nói.

Các sản phẩm tai nghe siêu nhỏ được rao bán online tại TP.HCM - Ảnh chụp màn hình


Có người từng bị khởi tố

Mới đây, trong hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức, thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng A05 (Bộ Công an) - cho rằng tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang hiện vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng nhằm gian lận thi cử.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh lấy ví dụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, A05 phát hiện vụ việc gian lận bằng thiết bị công nghệ cao và sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt 23 người. Cụ thể, thí sinh đã sử dụng camera cúc áo quay chụp đề thi rồi chuyển hình ảnh ra bên ngoài. Một nhóm người nhận giải đề rồi đọc đáp án cho thí sinh này, kết nối qua tai nghe siêu nhỏ.

Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo với Bộ GD-ĐT những thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20 - 25m. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định các điểm thi phải bố trí phòng thi và nơi bảo quản vật dụng của thí sinh cách nhau tối thiểu 25m. o công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, theo thiếu tướng Lê Minh Mạnh, khoảng cách trên nên được giữ càng xa càng tốt.


Ngụy trang chìa khóa xe

Tại TP.HCM, phóng viên cũng đã liên hệ với fanpage có tên "Tai nghe siêu nhỏ" ghi đặt địa chỉ tại quận 9 (cũ) và Bình Thạnh. Một nhân viên cho biết cửa hàng có bán các loại tai nghe có thể dùng trong thi cử như tai nghe siêu nhỏ dạng thẻ ATM, dạng cài cổ áo không dây hạt 2mm, tai nghe siêu nhỏ Bluetooth, dạng điện thoại Nokia 1080, dạng ngụy trang máy tính Casio, ngụy trang chìa khóa xe…

"Nếu thi cả trắc nghiệm và tự luận thì có thể xài cả camera lẫn tai nghe. Hai máy này gắn với hai điện thoại. Máy camera ngụy trang cúc áo chỉ cần cài vào áo sơmi mặc bình thường, còn điện thoại có thể giấu ở cạp quần. Máy camera sẽ ghi lại hình ảnh đề thi. Máy nghe sẽ nhận đáp án khi có người gọi vào sim này" - nhân viên tư vấn thêm.

Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, chỉ cần lên các trang chuyên bán hàng online hay một số cửa hàng, tiệm photocopy gần các trường học cũng dễ dàng mua bộ 'đồ chơi' công nghệ để sử dụng trong thi cử.

Chia sẻ Facebook