Chơi game 12 tiếng/ngày, nam sinh phải nhập viện vì tâm lý bất ổn
Nam thanh niên 22 tuổi nghiện game nhiều năm, mỗi ngày dành 10-12 tiếng để chơi. Khi mẹ khuyên bảo, ngăn cấm, thanh niên này đánh mắng cả mẹ.
Ngày 24/7, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây Viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, hoang tưởng liên quan tới internet và game online.
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân P.M.Q. (trú tại Hà Nội) đang là sinh viên của một trường đại học nhưng phải nghỉ vì mắc bệnh.
Bác sĩ trò chuyện với một bệnh nhân nghiện internet đang điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần.
Theo mẹ bệnh nhân, sau khi bố mẹ ly hôn, Q. được chiều chuộng. Nam sinh được bạn bè rủ chơi game online. Ban đầu, cậu chơi vì tò mò, sau đó thấy rất thích thú vì giúp giải tỏa được căng thẳng học tập.
Bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học sẽ dùng máy tính để chơi game. Trung bình, nam thanh niên này chơi game từ 10-12 giờ mỗi ngày. Mỗi lần, mẹ tắt máy tính, bệnh nhân tỏ ra khó chịu, cáu gắt, thậm chí đánh lại mẹ.
Nam sinh không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như: đá bóng, trò chuyện với bạn bè. Kết quả học tập sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình. Khi nam sinh này học đại học không ở cùng mẹ nên không ai quản lý thời gian chơi game nên càng nghiện nặng.
'Nhận thấy con có biểu hiện bất thường nên gia đình đã phải đưa cháu đi điều trị rối loạn tâm thần 2 đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít', mẹ Q. nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe tâm thần, tại thời điểm nhập viện điều trị, bệnh nhân mắc hội chứng nghiện game online, rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ.
Sau 2 tuần điều trị, Q. tỉnh táo, cảm xúc hành vi ổn định hơn, giảm thời gian dùng điện thoại, máy tính dưới 2 tiếng/ngày và được xuất viện điều trị ngoại trú. Dù vậy, theo bác sĩ Long, nguy cơ tái nghiện game online rất cao nếu gia đình không phối hợp tốt trong việc điều trị, tạo môi trường tốt cho bệnh nhân tránh xa internet, game online.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi cho hay, trò chơi điện tử hiện trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất toàn cầu. Cùng với đó, tỷ lệ nghiện game cũng tăng ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ trong năm 2022. Trong đó, tỷ lệ nghiện ở châu Á cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Âu (2,7%).
Hiện chưa có thống kê chính thức về số người nghiện game online ở Việt Nam. Nhưng một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy nhóm tuổi 10-24 nhập đơn vị này điều trị vì nghiện internet, game chiếm 43%.
Theo bác sĩ Ngọc, các yếu tố thúc đẩy nghiện game như gặp các xung đột tâm lý. Đặc biệt, ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý, trẻ muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, tuy nhiên, một số gia đình bố mẹ giáo dục con cái bằng roi vọt hay áp đặt. Điều đó khiến trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn, chán nản và tìm tới game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc.
Ngoài ra, sức hấp dẫn của trò chơi cũng là nguyên nhân gây nghiện. Bởi các trò chơi thường rất hấp dẫn, sinh động, người chơi được nhập vai, kể chuyện, dễ dàng chia sẻ cảm xúc cá nhân, tương tác. Điều đó tạo cảm giác thoải mái vui vẻ, giúp người chơi quên đi những trải nghiệm khó chịu ngoài đời khiến họ ngày càng nghiện.
Theo các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần, bản chất việc lạm dụng internet/game có tác động đến tâm thần giống như sử dụng chất. Việc nghiện game, internet có thể gây rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và căng thẳng, làm giảm khả năng giao tiếp xã hội, gây mất ngủ và rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến thành tích học tập và công việc.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo: Cha mẹ khi thấy con có hành vi chơi internet 2-3 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc thì cần phải có can thiệp ngay, đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị. Vì khi đó, việc tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự kiên trì điều trị.
Khi đó, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện với con, đừng để con trốn tránh trong thế giới game một mình.
>> Xem thêm: