Chơi "dao" TikTok, có ngày đứt tay?: "Thực đơn" dọn sẵn, chọn "món" nào tùy người dùng

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:19:31

Không ít bạn trẻ cứ nghĩ trang mạng xã hội cá nhân là "tài sản" riêng nên cứ vô tư, thoải mái làm gì cũng được.

Bạn Tô Đình Khánh (gương mặt “triệu view” với 300.000 người theo dõi) dùng mạng xã hội để lan tỏa những câu chuyện sống đẹp, truyền cảm hứng (Ảnh: VINH SAN)

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy! Không ít người đã không ngừng hối tiếc, giày vò vì trót đánh mất bản thân mình với cái lợi "câu like", "câu view" ngắn hạn... Diễn đàn "Chơi "dao" TikTok, có ngày đứt tay?" xin tạm khép lại với những chia sẻ dưới đây.

1 phút "câu like", ngàn ngày hối tiếc!

TS quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang (sáng lập viên tổ chức hướng nghiệp Mr.Q) cho biết các bài viết của diễn đàn cũng là điều anh rất trăn trở. Ở kỷ nguyên 4.0, việc khoe cơ thể và làm điều nông nổi tưởng chừng có "điểm cộng" trên mạng xã hội nhưng các bạn lại rơi vào mặc cảm, nguy cơ khủng hoảng trầm trọng sau đó.

Anh dẫn chứng một bạn trẻ vì quá khao khát lượt thích, lượt xem nên khi cộng đồng mạng thách thức thì đã làm theo lời thách thức ấy để được coi là "cá tính".

Nhưng ngay sau đó, bạn phải đối mặt với khủng hoảng do mình gây ra, rồi hoảng loạn vì chẳng ngờ hành động ấy phạm pháp và chịu sự công kích của các phía còn lại.

TS Quang nhấn mạnh: "Điều ít người để ý nhưng cách người trẻ thể hiện trên mạng xã hội là điều nhiều nhà tuyển dụng rất quan tâm, tìm hiểu kỹ trước khi chọn ứng viên đó vào công ty vì liên quan đến yếu tố "văn hóa công ty"".

Bạn K.T. - gương mặt 9X từng có trên 35.000 lượt theo dõi trên TikTok, Facebook - từng có kỷ niệm buồn với mạng xã hội. Do muốn nổi tiếng, bạn đã làm vô số điều nổi loạn đến khoe thân liên tục. Nhưng số tiền kiếm được không như mong đợi, sự nổi tiếng cũng chẳng tới đâu nên bạn rời mạng xã hội và tập trung vào công việc văn phòng.

Bi kịch là vào ngày "ra mắt" gia đình bạn trai, các clip mát mẻ, nổi loạn của bạn được em bạn trai biết và hồn nhiên nhắc lại. Vậy là cha mẹ bạn trai lạnh nhạt hẳn với K.T., và mối tình đó kết thúc sau một năm. Cô bạn luôn tự dằn vặt, hoang mang vì ám ảnh điều tương tự "liệu có tái diễn trong những lần ra mắt sau này"!

Ngay cả các gương mặt nổi tiếng và có nhiều trải nghiệm sống, rành về mạng xã hội cũng không chắc thoát được áp lực của thế giới mạng.

Cựu "hacker mũ đen" Hiếu PC (chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam - NCSC) cho biết bản thân vô cùng bức xúc trước những lời gièm pha, ganh ghét đố kỵ, thậm chí bị đe dọa và chửi mắng vô cớ trên mạng xã hội.

"Tôi chưa từng có nhu cầu "câu like", "câu view" nhưng may mắn được nhiều người biết đến nên áp lực, sự xỉa xói cứ theo đuổi để rồi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân, công việc. Nhiều người chưa từng gặp tôi nhưng bình luận đầy tiêu cực", Hiếu PC bộc bạch.

Theo anh, đấy là những "mặt tối" của mạng xã hội mà các bạn trẻ phải biết bởi nếu không sẽ phải gánh những hệ lụy về tâm lý, thậm chí phạm pháp, có thể đi tù.

Giúp người trẻ hiểu thấu mạng xã hội

Hiếu PC cho rằng để giải quyết câu chuyện quá nhiều clip nhảm, nổi loạn trên các mạng xã hội thì việc cần là giúp các bạn trẻ nhận thức hành động sẽ có ý nghĩa nếu biết cách sáng tạo, tư duy phản biện... để những lượt tương tác đều chính đáng, có giá trị tích cực.

Đồng thời, các mạng xã hội cũng phải thắt chặt việc kiểm soát nội dung để những nội dung "rác", gây sốc bớt "lây lan" với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

TS Quang nói người lớn cần đồng hành, hướng dẫn và tham vấn với con trẻ trong tâm thế một người bạn, cũng cần nỗ lực tìm hiểu về công nghệ để phần nào xóa nhòa khoảng cách thế hệ thay vì cấm đoán, quản lý chặt con.

"Chúng ta không thể theo sát con 24/7, trong khi lứa tuổi này rất dễ nổi loạn. Việc cấm đoán sẽ khó hiệu quả bằng chia sẻ, đồng cảm, giúp các con có cách tiếp cận, sàng lọc thông minh", anh Vinh Quang phân tích.

Chưa kể nên giúp các bạn trẻ có tư duy phản biện bởi điều đó giúp hạn chế cách suy nghĩ một chiều hay dễ bị "lèo lái" bởi đám đông, các thuật toán của mạng xã hội. Vấn đề này được nhiều hội thảo mổ xẻ thời gian qua. Hầu hết chúng ta đều đang bị "cuốn" trong vòng xoáy dữ liệu cá nhân bị mạng xã hội tổng hợp, phân tích và khai thác liên tục.

Qua đó mạng xã hội có khả năng hiểu chúng ta hơn chính người thân, thao túng chúng ta dễ dàng nhưng ít người dùng hiểu rõ cơ chế hoạt động, tính chất và mục đích của các mạng xã hội.

Trong khi đó, theo TS xã hội học Nguyễn Diệp Quý Vy (ĐH Quốc gia Úc), phần lớn con người suy nghĩ và hành động dựa trên những gì họ thường đọc, nghe và trải nghiệm. Chị cho rằng việc các bạn trẻ bị "cuốn" theo và dành quá nhiều thời gian cho các trào lưu trên mạng xã hội trước sau gì góc nhìn của họ cũng dễ bị "uốn nắn" do mạng xã hội quá hiểu nhu cầu, tâm lý của họ.

Điều được các chuyên gia đồng tình là xã hội, nhà trường cần có thêm nhiều hoạt động và khóa học giúp người trẻ nhận thức được các vấn đề này.


Mạng xã hội có lạm quyền?

Một trong những nguyên nhân chính khiến con người "nghiện" mạng xã hội là do công nghệ thuyết phục. TS Vũ Duy Thức (ĐH Stanford, Hoa Kỳ) - chuyên ngành trí tuệ nhân tạo - chia sẻ công nghệ này được thiết kế và phát triển để làm thay đổi sở thích, suy nghĩ và hành vi của người sử dụng nên vấn đề tiêu chuẩn đạo đức cho công nghệ là rất quan trọng.

Gần đây, chính phủ một số nước nghi ngờ nhiều mạng xã hội đang lạm quyền. Nhiều tổ chức ở Úc đặt vấn đề việc TikTok kiểm tra vị trí của thiết bị mỗi tiếng một lần, ứng dụng này cũng liên tục yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ người dùng ngay cả khi bị người dùng từ chối từ đầu.

Còn một số chuyên gia của Cộng hòa Czech phát hiện TikTok lấy được nhiều dữ liệu từ người dùng ngay cả khi họ không mở ứng dụng này.

Trải lòng của các KOL

Lê Thụy - gương mặt 9X có 2,7 triệu người theo dõi TikTok, 150.000 người theo dõi Instagram và 200.000 người theo dõi Facebook - cho biết trên mạng xã hội bạn gần như phải trở thành một con người khác.

"Tôi "tăng động" gấp 10 lần so với con người thật vì điều này phù hợp với thuật toán, sự chú ý trong môi trường mọi thứ cần rất nhanh như TikTok" - Thụy nói.

"Những lời nói của mình có thể bị xuyên tạc, hành động dễ bị suy diễn nếu mình không cẩn thận. Tôi phải nhờ sự hỗ trợ về truyền thông của các bên có kinh nghiệm và không ngừng học hỏi, cẩn trọng hơn để bảo vệ chính mình" - Hana’s Lexis (KOL có 696.000 người theo dõi YouTube, gần 270.000 người theo dõi trên ba nền tảng Facebook, Instagram và TikTok...).

Chàng trai mất cả đôi chân Tô Đình Khánh bày tỏ: "Tôi không phải gương mặt quá nổi tiếng như nhiều người khác trên mạng xã hội, nhưng mỗi ngày tôi đều hạnh phúc vì đang góp phần lan tỏa những thông điệp sống tích cực, truyền cảm hứng đến mọi người".

Chia sẻ Facebook