Chơi câu đối Tết
Những người hay chữ, nhân khi Tết đến Xuân về thường nghĩ một vài đôi câu đối, viết vào giấy dán lên cột dè thưởng xuân; những người không...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Đối với người Việt Nam, Tết ngoài ý nghĩa về tôn giáo, ngoài ý nghĩa mọi vật đổi mới từ tinh thần đến vật chất, còn là một dịp đề người ta nghỉ ngơi và giải trí. Trong các thú giải trí có thú chơi câu đối.
Những người hay chữ, nhân khi Tết đến Xuân về thường nghĩ một vài đôi câu đối, viết vào giấy dán lên cột dè thưởng xuân; những người không biết chữ cũng không bỏ qua thú chơi câu đối ngày Tết. Không nghĩ được câu đối, không viết được câu đối, họ đành nhờ người nghĩ hộ viết hộ, và tiện hơn nữa họ kiếm mua mấy đôi câu đối viết sẵn bán sẵn mang về dán trong nhà, dán ngoài hiên và dán cả ngoài ngõ. Câu đối đỏ đã là một trong những đặc điềm của ngày Tết Việt Nam, cũng như bánh chưng xanh, như tràng pháo nổ, như ngọn nêu cao:
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh,
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Chính vì những người chơi câu đối Tết, mà mỗi độ xuân sắp về tại các lề đường tỉnh, tại các chợ quê lại có các ông đồ bày hàng bán chữ, viết những đôi câu đối, có khi viết sẵn theo trong sách, có khi viết theo khách hàng đọc ra.
Câu đối viết trên giấy hồng điều, chữ mực tàu đen nhánh hoặc chữ kim vàng óng ả. Cũng có khi câu đổi được viết trên giấy đỏ có dát vàng lốm đốm.
Ngày Tết, thiếu câu đối chưa là đủ Tết. Trong nhà dù trang hoàng thế nào, thiếu những đôi câu đối đỏ, Tết vẫn phảng phất phảng phất thiếu một cái gì.
Chơi câu đối, người ta chọn từng đôi cho hợp với cảnh, bởi vậy, nhiều người tự nghĩ lấy câu đối, viết lấy hoặc thuê các ông đồ viết giúp.
Câu đối cũng như tranh Tết, người ta dán từ ngoài cổng vào đến trong nhà.
Ngoài cổng ngõ, câu đối được dán hai bên trụ cổng.
Môn đa khách đáo thiên tài đáo.
Gia hữu nhân lai vạn vật lai.
Lược dịch:
Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến.
Nhà có người vào lắm vật vào.
Đôi câu đối trên thường được dẫn ở nơi cổng ngõ và nói lên lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Người ta mong có khách để được tiếp đãi, không phải vì khách sẽ mang tài lợi lại, nhưng khách tới trong nhà sẽ có vẻ tấp nập và sự vui mừng, đó là biểu hiện của sự thịnh vượng.
Bước qua khỏi cổng, vào tới trong sân, đến trước hiên nhà. Nơi đây có hòn non bộ, có vườn hoa cây cảnh, hoặc không có gì nữa thì ở ngay hai bên cột hai hàng hiên cũng có dán một đôi câu đối:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận,
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.
Lược dịch:
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi,
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.
Đôi câu đối nói lên vẻ thanh nhàn của chủ nhân, nhưng thực ra có khi chủ nhân vẫn quanh năm đầu tắt mặt tối. Chủ nhân chơi đôi câu đối này chỉ vì sự cảm thông với đất trời khi xuân trở lại, vì xuân năm nay đi sang năm lại còn xuân khác, và xuân còn đến, tại sao chủ nhân không hưởng cái lạc thú trường sinh của đất trời.
Rồi vào đến trong nhà, dịp Tết, nhà nào ít nhất cùng có đôi ba đôi câu đối, hoặc viết trên giấy đỏ, hoặc viết trên những đôi liễn giấy bồi có vẽ hoa cỏ hoặc chim phụng chim loan.
Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường,
Lược dịch:
Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ.
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà.
Ý nghĩa đôi câu đối trên thật giản dị và hợp với tâm hồn chất phác của dân.
Và đôi câu đôi sau đây, ta thường thấy ở nhiều gia đình:
Tổ công tôn đức thiên niên thịnh,
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.
Lược dịch:
Công đức tổ tôn nghìn năm thịnh,
Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay.
Vì xuân đến cùng với Tết, nên nhiều đôi câu đối nhắc đến xuân.
Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc
Khách mãn gia đình, tửu mãn tôn.
Lược dịch:
Xuân như cẩm tú, người như ngọc,
Khách chật trong nhà, rượu hết chung.
Có khi nhắc đến xuân lại là một câu đối nôm:
Ngoài cửa mừng xuân nghênh Ngũ Phúc.
Trong nhà chúc Tết hưởng Tam Đa.
Cũng có đôi câu đối, tuy nhắc đến xuân, nhưng vẫn nói tới phúc lộc và lễ nghĩa là những điều cẩn trọng trong nền luân lý Á đông, mà dân tộc Việt Nam luôn luôn gìn giữ:
Phúc sinh lễ nghĩa, gia đường thịnh,
Lộc tiến vinh hoa, phú quý xuân.
Lược dịch:
Phúc đem lễ nghĩa cho nhà thịnh,
Lộc này vinh hoa, phú quý xuân.
Xuân đến người dân quê cầu một mùa xuân như ý, cũng như hàng ngày người ta mong mỏi sự bình an. Một đôi câu đối có thể nói lên sự cầu mong này:
Niên niên như ý xuân,
Tuế tuế bình an nhất.
Lược dịch:
Năm năm xuân như ý,
Tuổi tuổi ngày bình an.
Lại cũng có đôi câu đối có giọng tâng bốc chủ nhân và khen chủ nhân chỉ có những khách tài ba tới mừng xuân:
Nhập môn tân thị kinh luân khách,
Mãn tọa giai đồng cẩm tú nhân
Lược dịch:
Vào cửa toàn khách kinh luân
Ngồi chơi toàn người cầm tú.
Chơi xuân, tiếp khách, nhưng người dân Việt Nam bao giờ cũng nhớ đến trên tổ, lo điều nhân đức, cũng như nghĩ đến cháu con, làm điều tốt đẹp. Bác cụ xưa sợ con cháu quên những điểm này, nên có để lại đôi câu sau đây ta thường bắt gặp tại những gia đình đạo đức miền quê:
Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức,
Khải hậu nhân, trường phát kỳ tường.
Lược dịch:
Nhớ tiên tổ, đẹp điều nhân đức,
Tin cháu con, bền sự lạ hay.
Cùng với ý nghĩa trên liên quan tới việc lo điều nhân đức, nhiều nhà treo những đôi câu đối sau:
Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức,
Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài.
Lược dịch:
Nhà cỏ ở yên, tích kim quang, được đức.
Áo vải an thân, cầu phúc đức, đến tài
Với đôi câu đối trên ta thấy dân ta luôn luôn chú trọng tới phúc đức, ở nhà cỏ, mặc áo vải, muốn có tài phải cầu phúc đức.
Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên thiện.
Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh.
Lược dịch:
Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện.
Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh.
Cầu phúc đức phải lo làm điều thiện, và làm điều thiện lại gặp đều thiện, cũng như muốn được vinh hiển thì phải tu thân. Người dân quê Việt Nam, trong khuôn khô đạo đức luôn luôn lo tu thân tích thiện.
Treo đôi câu đối trên trong nhà, cha mẹ muốn răn dạy con làm điều lành và cần phải sửa mình luôn luôn.
Và những người biết tích thiện tu thân tự nhiên sẽ gặp những điều tốt đẹp. Với năm mới sẽ được hưởng sự bình an hạnh phúc với ngày xuân, điều vinh hoa phú quý sẽ lại. Những điều may mắn trên, bình an và phú quý ai không mong mỏi, và cầu chúc cho nhau. Bởi vậy, tại nhiều nhà thường treo đôi câu đối.
Tân niên hạnh phúc bình an tiến,
Xuân nhật vinh hoa phú quý lại.
Lược dịch:
Năm mới, hạnh phúc bình an đến
Ngày xuân, vinh hoa phú qúy về
Người dân quê cho rằng nếu họ được hạnh phúc bình an và vinh hoa phú quý đó là do Trời Đất thương mà ban cho. Người ta không quên Trời Đất, và dưới đây là một đôi câu đối nhắc đến sự rộng lượng của Đất, Trời:
Địa sinh tài, thế nghiệp quang huy
Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái
Lược dịch:
Đất sinh tài, nghiệp đời sán lạn,
Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi.
Khi đã được Đất, Trời ban tài cho phúc, sự phú quý vinh hoa sẽ gia tăng với phúc đức:
Phúc mãn đường, niên tăng phú quý
Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa
Lược dịch:
Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có,
Đức ngập tràn, ngày một vinh hoa.
Ngoài những đôi câu đối nhắc nhở đến đạo đức như trên, có những đôi câu đối đề cập tới những cảnh trước nhà với những cây mai cây trúc báo điềm tài lợi lộc quyền là điều người ta hằng chờ đợi:
Trúc bảo bình an, tài lợi tiến,
Mai khai phú quý, lộc quyền lai.
Lược dịch:
Trúc giữ bình yên, thêm tài lợi,
Mai khai phú quý, lại lộc quyền.
Trúc với mai là hai cây cảnh thường được trồng trước cửa nhà. Với xuân sang lá trúc xanh tươi, hoa mai trắng toát điểm trang cho vườn cảnh trước nhà, và với lá trúc xanh, hoa mai nở, người dân Việt Nam tin rằng năm mới sẽ thêm tài lợi và lộc quyền.
Đại để, những câu đối xuân thường luôn luôn mang ý nghĩa tốt đẹp, và đôi khi nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức. Trên đây chỉ là một số những đôi câu đối được đơn cử trong hàng trăm nghìn đôi câu đối có khác.
Ngoài ra, đôi khi vào một gia đình mà tổ tiên trước đây đã có một sự nghiệp, ta có thể được đọc một đôi câu đối trong đó con cháu đã khéo léo ghi lại sự nghiệp của ông cha và tỏ ý muốn noi theo nghiệp nhà:
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tích học hiền gia phong,
Lược dịch:
Tiên tổ danh thơm ghi sử nước,
Cháu con tích học nổi cơ nhà.
Câu đối thường treo ở hai bên bàn thờ gia tiên nhưng nếu trong nhà có thờ Phật, thờ Thần, mỗi bàn thờ đều có đôi câu đối riêng. Dưới đây là một đôi câu đối treo hai bên bàn thờ Phật.
Liên tọa đài tiền hoa hữu thực
Bồ đề thụ thượng quả thanh nhàn.
Lược dịch:
Tòa sen đài trước hoa đầy đủ
Cổ thụ bồ đề quả thanh nhàn
Và sau đây là đôi câu treo bàn thờ Thổ công:
Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim
Lược dịch:
Đất hay sinh ngọc trắng,
Đất khá có vàng ròng
Với đôi câu đối này, người ta có ý mong Thổ công, Thổ địa sẽ phù trợ cho gia đình đắc tài sai lộc.
Trên đây phần nhiều tôi mới nhắc tới những đội câu đối chữ Hán. Dưới đây là mấy đôi câu đối nôm xin nhắc lại đề bạn đọc cùng biết.
Câu đối con cháu thờ ông bà cha mę:
Ơn cao quả núi đôi ngàn trượng,
Nghĩa nặng hơn sông mấy vạn lần.
Lễ sớm hương hôm lòng hiếu kính
Non cao biển rộng đức sinh thành.
Câu đối thờ cha mẹ:
Hiếu đạo chưa đền ơn các dục
Khuất còn thêm tủi phận làm con
Câu đối vợ chồng thờ lẫn nhau:
Âm dương chia cách đành đôi ngả,
Nặng nợ tào khang một tấm lòng.
Chồng thờ vợ:
Trăm năm ân ái nay ly biệt,
Hôm sớm vào ra bặt bóng hồng.
Câu đối đỏ tăng vẻ tưng bừng cho ngày Tết và đem màu sán lạn trong nhà trước cảnh Xuân. Người dân quê đón Tết với hương hoa, bánh trái nhưng không bao giờ họ quên câu đối đỏ.
Nhưng ngày Tết, cũng có nhà khi bước chân vào, trước đây ta không thấy câu đối đỏ, mà chỉ toàn câu đối trắng viết chữ đen. Đây là những gia đình mới có tang! Tết vui của thiên hạ, nhưng càng tăng sự đau đớn cho những ai mới mất người thân. Nếu màu đỏ tăng sự vui vẻ thì màu trắng trong trường hợp này đã an ủi lòng người nhớ thương.
Toan Ánh
Tạp Chí Bách Khoa (1857-1975)
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Mời xem video “Chùa Huyền Không: Chốn tu hành ngàn năm sương gió trường tồn”