Choáng ngợp trước hiện tượng "cột băng chết chóc"
Hiện tượng này làm nên những dòng nước với nhiệt độ cực thấp, khiến mọi sinh vật chạm vào nó bị đóng băng chỉ trong tích tắc.
Trên thế giới vẫn còn đó những hiện tượng rất bí ẩn, mà nếu không phải người "trong ngành" hoặc có một sự quan tâm theo dõi cực kỳ đặc biệt với khoa học thì bạn sẽ không bao giờ biết được nó là gì. Ví dụ như hiện tượng dưới đây.
Hiện tượng này có tên gọi là brinicle hay còn được gọi là "ngón tay tử thần" bởi vẻ đẹp đầy chết chóc của nó. Brinicle được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1960. Nhưng phải tới năm 2011 con người mới có thể ghi lại được sự hình thành của hiện tượng này.
Làm thế nào mà brinicle được hình thành?
Khi băng được hình thành tại các vùng Nam và Bắc cực, các tạp chất như muối bị đẩy ra ngoài, khiến cho bằng trở nên tinh khiết hơn. Đây cũng là lí do tại sao băng được tạo ra từ nước biển không mặn như chính nguồn nước đã tạo ra nó.
Khi muối bị đẩy ra khỏi khối băng, nước xung quanh khu vực đó sẽ trở nên mặn hơn, làm giảm nhiệt độ đóng băng và tăng mật độ của nước. Chính điều này đã ngăn cho dòng nước xung quanh không bị đóng băng ngay tại thời điểm đó dù đã có nhiệt độ rất thấp. Đồng thời, mật độ nước cao khiến chúng bị chìm xuống dưới đáy.
Khi dòng nước mặn này chìm đến vùng nước biển ấm hơn bên dưới, nước xung quanh dòng nước mặn này sẽ bị đóng băng, tạo nên những "cột băng của cái chết" mà chúng ta được biết đến với tên gọi brinicle.
Nhưng tại sao gặp dòng nước ấm hơn mà cột băng vẫn được duy trì? Đó là vì khi lớp băng xung quanh brinicle dày đến một mức độ nhất định, nó sẽ có thể tự duy trì nhiệt độ cực thấp.
Trong đó, lớp băng bên ngoài hoạt động như một lớp màng ngăn không cho dòng nước mặn và lạnh tiếp xúc với nhiệt độ của vùng nước biển bên ngoài, khiến cho cột băng không ngừng kéo dài ra và xuống sâu hơn dưới đáy biển.
Hiện tượng chết chóc với sinh vật nhỏ
Khi cột băng này chạm tới đáy biển, cơn lạnh thấu xương của brinicle sẽ càn quét tất cả sinh vật trong một khu vực đáy biển rộng tới hàng kilomet vuông, đóng băng và tiêu diệt tất cả sinh vật trên đường đi của nó.
Tuy nhiên, nạn nhân của brinice thường chỉ là những loài sinh vật bé nhỏ và chậm chạp dưới đáy biển như nhím và sao biển. Những loài động vật có thân hình to lớn như hải cẩu thì lại không bị ảnh hưởng bởi brinicle, thậm chí chúng còn có khả năng phá hủy những cột băng này.
Đoạn video ghi lại hiện tượng được đoàn làm phim BBC quay dưới nước ở nhiệt độ -2 độ C tại đảo Little Razorback, thuộc quần đảo Ross tại Nam Cực. Toàn bộ quá trình hình thành cột băng brinicle trong video diễn ra rất nhanh, chỉ mất 5-6 tiếng. Khi brinicle chạm tới đáy biển, nó lập tức tiêu diệt tất cả sinh vật trên đường đi. Khu vực chịu ảnh hưởng có thể rộng tới hàng kilomet vuông. Trong video, những con nhím và sao biển chậm chạp bị đông cứng ngay khi tiếp xúc với hơi lạnh toát ra từ brinicle.
Một nghiên cứu vào năm 2013 trên tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ ví brinicle như "vườn hóa học đảo ngược". Cách chúng mọc có nhiều điểm giống với núi lửa bùn và miệng phun thủy nhiệt. Theo các nhà nghiên cứu, sự phóng thích muối từ băng biển có thể tạo ra điều kiện phù hợp để khởi nguồn sự sống.
Brinicle – nguồn gốc của sự sống?
Mặc dù hiện tượng này đã được phát hiện cách đây hơn 50 năm, nhưng cho tới ngày nay vẫn còn rất nhiều bí ẩn xoay quanh sự tồn tại của brinicle.
Một số nhà khoa học cho rằng sự sống trên trái đất có thể có nguồn gốc từ chính hiện tượng này. Nếu đó là thật, đây sẽ có thể là một bước tiến vượt bậc để phát triển sự sống trên các hành tinh xa xôi ngoài Trái Đất như là sao Mộc, sao Hỏa hay ngay cả Mặt trăng.