Cho vay – trả nợ thì phải có thời hạn
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), thuật ngữ “cho vay” tiếp tục được kế thừa và giải thích tại khoản 16 điều 4 như sau: cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Hiện có ý kiến cho rằng việc giải thích thuật ngữ “cho vay” bó hẹp “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là chưa bao quát và tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm.
Cho vay – trả nợ thì phải có thời hạn
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), thuật ngữ “cho vay” tiếp tục được kế thừa và giải thích tại khoản 16 điều 4 như sau: cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Hiện có ý kiến cho rằng việc giải thích thuật ngữ “cho vay” bó hẹp “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là chưa bao quát và tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm.
Theo tôi, về cả lý luận lẫn thực tiễn, không có căn cứ rõ ràng để cho rằng ý kiến này là xác đáng!
Thuật ngữ “cho vay” được giải thích tại Luật các TCTD 2010. Có thể hiểu các nội dung cốt lõi trong giải thích thuật ngữ “cho vay” bao gồm:
Thứ nhất, cho vay chỉ là một trong các hình thức cấp tín dụng bên cạnh các hình thức khác như chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Thứ hai, khi cho vay, TCTD giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận. Đến hạn, khách hàng phải hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đã thỏa thuận với TCTD. (Xin nói thêm về việc sử dụng vốn vay vào “mục đích xác định” bao gồm hàm ý TCTD không cấp tín dụng để khách hàng thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật cấm, hay để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm, hoặc để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh, thậm chí là để mua vàng miếng). Tất cả các giao dịch vay – trả đều có thỏa thuận thời hạn nhất định và xác định bằng các hình thức hợp đồng, khế ước… cụ thể. Trong đời thường hầu như không thấy có giao dịch vay – trả nào vô hạn định, dù là hy hữu.
Đối với các ngân hàng, nơi đi vay tiền của khách hàng dưới các hình thức huy động vốn được phép, thông thường có đến 80% là vốn huy động có kỳ hạn. Tất yếu, khi đem cho vay vào nền kinh tế, các ngân hàng cũng phải xác định thời hạn cho vay để thu hồi vốn, hoàn trả cho những người đã cho ngân hàng vay khi đến hạn. Cho vay mà không xác định thời hạn thì ngân hàng thậm chí có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và rất nhanh, nếu vì lý do nào đó mà người gửi đồng loạt rút tiền, trong khi ngân hàng đã dùng nguồn vốn huy động đem cho vay mà chưa thu về. Bởi người gửi tiền vào ngân hàng không có nghĩa vụ phải trung thành với ngân hàng. Họ có quyền rút cả 80% số vốn huy động có kỳ hạn của ngân hàng, càng có thể rút cả 20% còn lại là tiền gửi không kỳ hạn, mà không cần ý kiến của ngân hàng. Tất nhiên, thời hạn ngân hàng cho vay được xác định phù hợp với các yếu tố liên quan như khả năng nguồn vốn của ngân hàng, nhu cầu vốn gắn với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ của ngành nghề cần vay vốn, khả năng tài chính và trả nợ của bên vay…, và cả thời hạn vốn huy động được.
Thứ ba, trong quan hệ vay – trả có một nguyên tắc bất di bất dịch là bên vay phải hoàn trả cả gốc và lãi theo thỏa thuận. Thỏa thuận bao gồm cả việc trả nợ trước hạn, đúng hạn và quá hạn. Quy định nguyên tắc “hoàn trả cả gốc và lãi” không có nghĩa “chuẩn chỉ” hoàn trả đủ cả gốc và lãi. Bởi trong thực tế, có những trường hợp phát sinh giảm lãi, miễn lãi, gia hạn nợ… Còn khi nợ trở thành “nợ quá hạn” thì áp dụng các chế tài theo thỏa thuận, phù hợp quy định của pháp luật. Hoặc khi để nợ quá hạn đến khê đọng thì dùng các biện pháp khác nhau để xử lý nợ, bao gồm xử lý tài sản bảo đảm để tất toán nợ.
Tóm lại, việc giải thích “cho vay” có nội dung “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là đúng đắn và chuẩn mực, đã được áp dụng ổn định trong rất nhiều năm qua, không những không có cản ngại nào, mà còn tạo hành lang pháp lý phù hợp để các TCTD, nhất là các ngân hàng triển khai hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Không thể có chuyện cho vay mà không có thời hạn nhất định.
Phạm Như Liên
TBKTSG