Cho vay nhà ở xã hội, ngân hàng sẽ được giảm 50% hệ số rủi ro tín dụng

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 20:46:01

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với một số khoản vay liên quan nhà ở, bất động sản.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về việc quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cho biết, điểm b khoản 1 Điều 130 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỉ lệ bảo đảm an toàn sau đây: Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỉ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Thời gian vừa qua, NHNN nhận được kiến nghị của một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thực hiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong quá trình triển khai Thông tư 41/2016/TT-NHNN, NHNN cũng đã tiếp tục rà soát các quy định liên quan. Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thực hiện thông tư 41/2016/TT-NHNN, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về tỉ lệ an toàn vốn là cần thiết.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các quy định để khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Trong đó, giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với một số khoản vay liên quan nhà ở, bất động sản. Cụ thể, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội sẽ dao động từ 12% đến 50%, thay vì mức 25% đến 100% như hiện nay (hệ số rủi ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp nhà ở tùy theo tỉ lệ bảo đảm và tỉ lệ thu nhập).

NHNN cho rằng, việc giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay nêu trên nhằm khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, phù hợp với quy định tại Thông tư 22/2019 của NHNN và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo quy định tại Thông tư 22/2019, hệ số rủi ro là 50% được áp dụng đối với khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Đối với các khoản cho vay còn lại (không phải mua nhà ở xã hội theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ), tỉ lệ rủi ro tín dụng được giữ nguyên ở mức 25% đến 100%.


Theo NHNN, đây là những khoản cho vay cá nhân với số tiền dưới 1,5 tỷ đồng để khách hàng mua nhà ở xã hội , mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Mỗi khách hàng chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho một khoản vay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

Theo đó, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160% (tức tín dụng bất động sản khu công nghiệp được giảm 20% hệ số rủi ro).

Nếu dự thảo này chính thức được ban hành sẽ góp phần khôi phục lại thị trường bất động sản.

Hệ số rủi ro ảnh hưởng rất lớn tới hệ số an toàn vốn của các ngân hàng. Theo đó, các khoản cho vay có hệ số rủi ro cao đòi hỏi các ngân hàng phải có lượng vốn tự có “đối ứng” cao mới đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Việc giảm trọng số rủi ro tín dụng với phân khúc nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp sẽ giúp ngân hàng hạ chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.


Ngày 24/4, đã có 2 thông tư do NHNN ban hành có hiệu lực cũng được đánh giá tích cực cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Đó là quy định về việc các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn có thể được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Trước đó, ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook