Cho, tặng biển số xe đã đấu giá, được không?
Quyền mua bán, tặng cho, thừa kế... đối với biển số đẹp thông qua đấu giá đang được dư luận rất quan tâm khi Bộ Công an lấy ý kiến với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Biển số xe sau khi đấu giá có được coi là tài sản và người sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt: mua bán, tặng cho, thừa kế...) là vấn đề rất được dư luận quan tâm.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang cho rằng vì mới thực hiện thí điểm nên người trúng đấu giá chỉ được quyền sử dụng.
Biển số đẹp không như tài sản khác
Ông Phạm Văn Sỹ - nguyên giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM - cho rằng cần hiểu rõ chức năng của biển số là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý phương tiện cũng như hành vi người sử dụng phương tiện khi tham gia lưu thông.
Biển số phải gắn liền với việc đăng ký quản lý phương tiện. Biển số đẹp gắn với phương tiện sẽ tạo ra giá trị tổng thể của phương tiện.
Biển số không thể tách rời với xe, không phải là tài sản tách rời, độc lập để thích gắn với xe nào thì gắn, gắn lúc nào thì gắn, muốn bán lúc nào thì bán. "Vì vậy, cần tránh ngộ nhận việc sở hữu biển số như sở hữu các loại tài sản thông thường khác...", ông Sỹ nói.
Từ phân tích trên, theo ông Sỹ, nên quy định cho phép mua bán, tặng cho, thừa kế... đối với biển số "trong thời hạn quy định gắn với đăng ký phương tiện". Nếu quá thời hạn đó mà không đăng ký biển số gắn với phương tiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi biển số.
Tức là khi trúng đấu giá, "người mua" phải ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá, được sử dụng biển số trúng đấu giá kèm điều kiện trong thời hạn quy định phải thực hiện thủ tục đăng ký phương tiện gắn với biển số.
Trong thời hạn này (có thể là 2 hay 3 tháng) do chưa làm thủ tục đăng ký xe thì người trúng đấu giá có quyền mua bán, tặng... cho người khác. Khi người mua sau cùng đi thực hiện thủ tục đăng ký xe gắn liền với biển số thì lúc này cơ quan đăng ký sẽ cấp biển số vật chất (theo quy chuẩn) gắn liền với xe và chủ sở hữu xe.
Quá thời hạn trên mà biển số trúng đấu giá không được đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi và bán đấu giá tiếp.
"Do biển số là tài sản có tính đặc thù gắn với quản lý nhà nước nên cần có quy định thời hạn hợp lý, đủ để người trúng đấu giá sắp xếp kế hoạch đăng ký biển số cho xe và cũng hạn chế được trường hợp để biển số đó bị chuyển nhượng lòng vòng trong thời gian dài, có thể phát sinh tranh chấp, gây phức tạp cho việc đăng ký, quản lý xe...", ông Sỹ giải thích.
Quản lý không khó
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể cho phép mua bán, tặng cho... biển số xe trúng đấu giá. Chỉ cần có quy định cụ thể thời hạn từ khi ký hợp đồng mua biển số trúng đấu giá đến lúc phải đăng ký xe gắn với biển số.
Cùng với đó là quy định các thủ tục, hồ sơ cho việc công nhận chủ sở hữu biển số; các thủ tục mua bán, tặng cho biển số... Trường hợp thừa kế biển số cũng tương tự như quy định hiện hành về thừa kế tài sản và cũng quy định thời hạn đăng ký.
Về trường hợp dự thảo quy định biển số đi theo người, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu và khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá... theo luật sư Huy Việt là phù hợp.
"Các trường hợp này cũng phải quy định thủ tục về báo cáo cho cơ quan quản lý, đăng ký biển số cho xe mới trong thời hạn quy định chứ không được ngâm biển số. Việc bán đấu giá biển số xe các nước đã làm rồi, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm...", ông Việt nói.
Đồng quan điểm, một cán bộ cảnh sát giao thông cho rằng hiện nay với công nghệ quản lý dân cư thông qua số định danh, tài khoản định danh thì sẽ thuận lợi cho việc đăng ký xe gắn với biển số gắn với chủ sở hữu khi dữ liệu quản lý được tích hợp.
"Khi đăng ký xe thì hồ sơ gốc, thông tin dữ liệu gốc được lưu trữ gắn với tài khoản định danh. Khi cần tra cứu, quản lý biển số trúng đấu giá do ai sở hữu; lịch sử mua bán, tặng cho, thừa kế... đăng ký lại ra sao cũng dễ dàng thực hiện", vị cán bộ nói.
Theo vị cán bộ cảnh sát giao thông trên, hiện nay tùy theo loại phương tiện (xe máy, môtô, ôtô, xe tải...) mà có quy cách, ký hiệu biển số riêng. Cần nghiên cứu để có kho biển số đẹp chỉ dùng tương ứng với từng loại xe.
"Đồng thời, trừ trường hợp biển số bị thu hồi theo quy định, dự thảo cho phép biển số đi theo người thì chế độ sở hữu, sử dụng là không xác định thời hạn. Vì vậy cũng cần tính toán giá khởi điểm phù hợp cho biển số đẹp để tạo nguồn thu ngân sách...".
"Tạm thời chưa cho bán biển số trúng đấu giá là phù hợp"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Nguyễn Hải Hưng - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - cho hay việc Bộ Công an tạm thời chưa cho phép mua bán, chuyển nhượng biển số xe trong thời gian thí điểm là phù hợp, đảm bảo sự an toàn.
"Nếu sau khi thí điểm đạt kết quả tốt thì sẽ có những quy định pháp luật cụ thể hơn về vấn đề này. Và khi biển số xe được xem là tài sản thì người dân mới có quyền được mua đi bán lại, chuyển nhượng...", trung tướng Hưng nhấn mạnh.
"Theo tôi, yêu cầu đặt ra là thời gian tới nên xác định biển số xe là một tài sản để phục vụ việc đấu giá và đáp ứng nhu cầu quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời tránh lãng phí nguồn thu cho ngân sách trong việc sử dụng nguồn lực này", ông Hưng nói.
DANH TRỌNG