Chờ sa thải, tướng hàng đầu Ukraine vẫn “đau đáu” cải tổ quân đội

Chia sẻ Facebook
05/02/2024 04:15:42

Tướng Zaluzhnyi, một người nổi tiếng “thẳng tính”, không bao giờ chịu nhún nhường trong cuộc đụng độ với Tổng thống Ukraine.


Dù số ngày nắm quyền chỉ huy Quân đội Ukraine dường như chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, Tướng Valerii Zaluzhnyi vẫn kêu gọi “thiết kế lại toàn bộ các hoạt động trên chiến trường – và từ bỏ lối suy nghĩ rập khuôn, lỗi thời”.


Vị tướng hàng đầu Ukraine, trong bài viết xuất bản trên CNN hôm 1/2, cũng kêu gọi gấp rút nâng cấp khả năng chiến tranh công nghệ cao của đất nước để vượt qua lực lượng lớn hơn và được trang bị tốt hơn của Nga “và đảm bảo sự tồn tại của nhà nước”.


Vài ngày trước đó, ông Zaluzhnyi, 50 tổi, được cho là được Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo rằng ông sẽ bị cách chức, nhưng tính đến sáng ngày 2/2, sắc lệnh chính thức bãi nhiệm vị tướng này khỏi chức vụ Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn chưa xuất hiện, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết.


Căng thẳng bị đẩy lên “cao trào” mới


Mối quan hệ giữa ông Zaluzhnyi và ông Zelensky đã căng thẳng trong nhiều tháng kể từ cuộc phản công thất bại của Quân đội Ukraine hồi năm ngoái, nhưng đã bị đẩy lên “cao trào” mới tại cuộc họp hôm 29/1 một phần do bất đồng về kế hoạch huy động thêm 500.000 quân.


Không coi yêu cầu huy động thêm quân là cần thiết, ông Zelensky cũng đã công khai chỉ trích bình luận của ông Zaluzhnyi trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó Tỏng tư lệnh Ukraine nói rằng cuộc chiến đã đi đến “bế tắc”.


Thực tế thì đánh giá của ông Zaluzhnyi – rằng các chiến tuyến hầu như đã bị đình trệ và rằng cuộc chiến là một cuộc chiến tiêu hao nhiều sức lực, với rất ít động thái tiến về phía trước của cả hai bên – giờ đây đã được chấp nhận rộng rãi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi, tháng 11/2023. Ảnh: Bloomberg


“Chúng ta phải thừa nhận lợi thế đáng kể mà kẻ địch có được trong việc huy động nguồn nhân lực và so sánh lợi thế đó với sự bất lực của các thể chế nhà nước ở Ukraine trong việc cải thiện trình độ nhân lực của các lực lượng vũ trang của chúng ta mà không sử dụng các biện pháp không được ưa chuộng”, ông Zaluzhnyi viết trong bài báo cho CNN.


Ông Zaluzhnyi chưa bình luận công khai về thông tin ông bị sa thải, điều này gây ra rủi ro rất lớn cho ông Zelensky do sự nổi tiếng của vị tướng này trong quân đội và rộng hơn là trong công chúng Ukraine. Đã có dấu hiệu về sự phản ứng dữ dội từ các chỉ huy trên chiến trường, và không có dấu hiệu nào cho thấy một chỉ huy mới sẽ có thể cải thiện nhanh chóng tình thế khó khăn của Ukraine trên thực địa.


Ngay trong hôm thông tin lan truyền khắp trong và ngoài nước, ông Serhiy Nykyforov, người phát ngôn của ông Zelensky, phủ nhận việc Tổng thống đã sa thải Tướng quân, nhưng không trả lời bất kỳ yêu cầu bình luận nào kể từ đó.


Tính đến sáng ngày 2/2, thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine cũng không trả lời các yêu cầu bình luận về bài viết của Tướng Zaluzhnyi đăng trên CNN hôm trước đó.


Nhưng một số nhà quan sát vẫn hoài nghi. Nhà phân tích Volodymyr Fesenko có trụ sở tại Kiev nói với Al Jazeera: “Đã có một nỗ lực thuyết phục ông Zaluzhnyi tự nguyện chuyển sang công việc khác. Nỗ lực này không thành công lắm nên vấn đề đã bị hoãn lại. Nhưng việc sa thải chỉ là vấn đề thời gian và hoàn cảnh”.


“Đau đáu” nỗi niềm cải tổ quân đội


Với việc Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công tại nhiều điểm trên chiến trường, trong bài báo, vị tướng nổi tiếng nhất Ukraine đã thẳng thắn “điểm mặt chỉ tên” những thách thức quân sự của quốc gia Đông Âu.


Đầu tiên, không thể phủ nhận Quân đội Nga được trang bị tốt hơn nhiều và hiện đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập từ năm 2014.


Thứ hai, Ukraine đang phải đối mặt với việc giảm hỗ trợ quân sự từ các đồng minh chủ chốt – những người đang “vật lộn với căng thẳng chính trị của chính họ”. Gói viện trợ trị giá khoảng 60 tỷ USD do chính quyền Biden đề xuất đã bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ trong bối cảnh một số đảng viên Đảng Cộng hòa phản đối.


Điểm sáng trong bức tranh hỗ trợ quốc tế là hôm 1/2, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt gói viện trợ trị giá khoảng 54 tỷ USD (50 tỷ Euro) sau nhiều tuần bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.


“Kho tên lửa, tên lửa đánh chặn phòng không và đạn dược cho pháo binh của các đối tác của chúng tôi đang trở nên cạn kiệt, do cường độ xung đột ở Ukraine cũng như do tình trạng thiếu nhiên liệu đẩy trên toàn cầu”, ông Zaluzhnyi cho biết trong bài viết.

Bản đồ đánh giá tình hình trên thực địa xung đột Nga-Ukraine, đến ngày 1/2/2024. Nguồn: ISW, Dự án Critical Threats


Vị tướng Ukraine cũng chỉ trích “sự yếu kém của chế độ trừng phạt quốc tế” của các đối tác phương Tây, điều mà ông cho rằng có nghĩa là “Nga, hợp tác với một số nước khác, vẫn có thể triển khai tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình để theo đuổi một cuộc chiến tiêu hao” chống lại Ukraine.


Ông đề xuất rằng chìa khóa dẫn đến chiến thắng của Ukraine là nâng cấp sâu rộng các khả năng tác chiến trong tương lai, bao gồm cả máy bay không người lái (gọi là UAV hoặc drone).


“Ưu tiên số một” của Ukraine là nên tạo ra một kho vũ khí “tương đối rẻ tiền, hiện đại và hiệu quả cao, các phương tiện không người lái cũng như các phương tiện công nghệ khác”, chẳng hạn như tác chiến điện tử và chiến tranh trên mạng.


Ông cho rằng cần thiết tạo ra một hệ thống tái vũ trang công nghệ hoàn toàn mới, trong đó chiến lược công nghệ cao sẽ cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực cho các lực lượng Ukraine, làm suy yếu kẻ địch và khiến ít binh sĩ gặp nguy hiểm hơn, do đó giảm mức độ tổn thất về người.


Điều quan trọng là ông Zaluzhnyi cho rằng Ukraine sẽ không mất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu này. Ông nói: “Xét theo hoàn cảnh hiện tại, tôi cho rằng việc tạo ra một hệ thống như vậy là hoàn toàn có thể trong 5 tháng”.


Rủi ro tiềm tàng


Trong bối cảnh sự bất ổn ở cấp cao nhất của chính phủ thời chiến Ukraine bị phơi bày, cộng với sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí từ các đồng minh cho Kiev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Điện Kremlin được cho là người cảm thấy vui nhất và hưởng lợi nhiều nhất.


Nga đã tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo Ukraine bị chia rẽ, sau thông tin ông Zelensky được cho là cố gắng gây áp lực buộc ông Zaluzhnyi phải từ chức.


Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo ở Moscow rằng các báo cáo truyền thông về nỗ lực sa thải đã cho thấy “những khác biệt ngày càng tăng” giữa giới lãnh đạo dân sự và quân sự của Ukraine.


Bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng chưa bình luận về các báo cáo – điều mà một số người coi là thông tin được cố tình rò rỉ để kiểm tra dư luận về ý tưởng thay đổi lãnh đạo quân sự.

Binh sĩ Ukraine bắn súng M2 Browning trong buổi huấn luyện ở khu vực Donetsk, đầu tháng 2/2024. Ảnh: Getty Images


Tại Moscow hôm 31/1, ông Peskov cho rằng tình trạng bế tắc, nếu thực sự xảy ra, là kết quả tất yếu của việc các lực lượng vũ trang Ukraine sa lầy.


“Rõ ràng là cuộc phản công thất bại và các vấn đề trên các mặt trận đang dẫn đến sự khác biệt ngày càng tăng giữa các đại diện của chế độ Kiev - cả lãnh đạo quân sự và lãnh đạo dân sự”, ông Peskov nói, lưu ý rằng những khác biệt này sẽ chỉ ngày càng gia tăng khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine tiếp tục thành công.


Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ cán mốc 2 năm trong tháng này. Không bên nào giành được lợi ích đáng kể trên chiến trường trong hơn một năm qua.


Vị phát ngôn viên Điện Kremlin cũng cho biết Nga đang theo dõi diễn biến xung quanh vụ việc liên quan đến vị tướng hàng đầu của Ukraine.


Rủi ro nữa đối với Kiev là sự chia rẽ giữa giới lãnh đạo quân sự và chính trị có thể gây ra nghi ngờ ở Mỹ và châu Âu về tính rõ ràng của chiến lược chiến tranh dự định của nước này trong năm nay. Điều đó sẽ làm tăng thêm căng thẳng hiện có trong việc tập hợp sự ủng hộ để giúp Kiev đẩy lùi Moscow .


Minh Đức (Theo Washington Post, Bloomberg, The Guardian)

Chia sẻ Facebook