Chợ rơm miền Tây hút hàng vì mưa kéo dài
Khác với những năm trước, năm nay do mưa kéo dài khiến nguồn cỏ vốn là thức ăn chính cho đàn bò hơn 220.000 con ở Bến Tre khan hiếm nên chợ rơm Tân Xuân trên sông Ba Lai (Bến Tre) nhộn nhịp hơn, giá rơm dù cao bất thường nhưng đủ hàng để bán.
Tranh thủ lúc ghe chở rơm chưa cập bến, anh Nguyễn Văn Tý (41 tuổi, ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lấy vội hộp cơm ra ăn lót dạ trước khi tiếp tục công việc.
Anh Tý cho biết đã theo nghề vác rơm từ nhiều năm nay. Mỗi ngày bình quân anh vác 300-500 cuộn rơm từ dưới ghe lên bờ, mang lại thu nhập khoảng 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Những ngày này, do lượng cỏ trên địa bàn tỉnh giảm nên nhu cầu mua rơm của người dân tăng cao. Thậm chí có những thời điểm ghe chở rơm về không kịp, nhiều người không mua được rơm về cho bò ăn.
Tại chợ rơm Tân Xuân (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) có khoảng 50 người làm công việc vác rơm như anh Tý. Chợ rơm hoạt động suốt ngày, cứ khi nào có ghe chở rơm cập bến là có người chờ sẵn để bốc lên bờ, chở về tận các xã để bán cho người chăn nuôi bò, làm nấm.
Anh Lê Văn Viên - 40 tuổi, quê Bến Tre, người gắn liền với nghề lái rơm hơn 10 năm - cho biết: nguồn rơm được anh thu mua tại nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An... rồi chở về bán lại cho người dân ở Bến Tre. Do những nơi khác trồng lúa nhiều nhưng đàn bò của họ ít, tiêu thụ rơm không hết nên bán với giá rẻ, anh Viên cũng như nhiều thương lái khác mua rồi bán lại cho bà con những vùng nuôi nhiều bò, đặc biệt là tại Bến Tre.
Mỗi chuyến anh Viên lênh đênh trên sông khoảng 20 tiếng đồng hồ, cứ hết chuyến này anh lại quay ghe để tiếp tục lấy hàng về bán. Có những thời điểm, trên một khúc sông Ba Lai có hàng chục chiếc ghe chở rơm nối đuôi nhau chờ để được bốc hàng lên bờ.
Hiện nay rơm tại bến được bán ra với giá 37.000 đồng/cuộn. Tính công chở về tận chuồng thì trên dưới 45.000 đồng/cuộn. Có thời điểm rơm khan hiếm, mỗi cuộn có giá trên 50.000 đồng. Tuy nhiên, khi nguồn cỏ dồi dào thì giá rơm có thể hạ xuống còn trên dưới 20.000 đồng/cuộn.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết thêm chợ rơm trên địa bàn huyện hình thành từ nhiều năm nay, kể từ khi có máy gặt liên hợp, do rơm được cuộn gọn lại, dễ vận chuyển. Trong khi đàn bò Bến Tre ngày càng phát triển nên nhu cầu mua rơm càng nhiều, chợ rơm Tân Xuân cũng theo đó ngày một nhộn nhịp hơn.
“Năm nay do mưa nhiều nên nguồn cỏ cho bò ăn bị hiếm, nguồn rơm tại chỗ do mưa kéo dài nên không tận thu được khiến nguồn thức ăn cho đàn bò trên địa bàn hiếm, theo đó giá rơm bị đẩy lên cao”, vị đại diện này nói.