Cho học sinh nghỉ thứ 7: Nên hay không?
Mới đây, một số hiệu trưởng nêu đề xuất cho học sinh và giáo viên nghỉ học ngày thứ 7. Đề xuất này không mới, nhưng quá trình thực hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, kể cả cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc dồn tiết học vào các ngày trong tuần để học sinh, giáo viên được nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7 hàng tuần nên để cho địa phương quyết định.
Nhiều phụ huynh mong muốn con được nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7 để được nghỉ ngơi, vui chơi. Ảnh: Quang Vinh.
Tại Hội nghị Giao ban hiệu trưởng các trường THPT công lập tại TPHCM đầu tháng 10 vừa qua, hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7; đồng thời cho hay, đây cũng là nguyện vọng của nhiều phụ huynh và học sinh.
Hào hứng đi cùng băn khoăn
Thực tế, hiện nay khối tiểu học ở hầu hết các địa phương đều học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần trong khi khối THCS, THPT ở nhiều nơi đang học nửa ngày từ thứ 2 đến thứ 7 để đảm bảo khung chương trình quy định. Vì vậy, nhiều phụ huynh mong muốn con được nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7 để được nghỉ ngơi hoặc có thời gian học năng khiếu, chơi thể thao, đi chơi cùng gia đình vào cuối tuần... và chấp nhận việc tăng khối lượng tiết học các ngày trong tuần.
Chị Hoàng Trang (phụ huynh ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, hiện con chị học lớp 10, mỗi buổi 5 tiết từ thứ 2 đến thứ 7, nhiều khi gia đình muốn tổ chức các hoạt động vào cuối tuần rất khó thực hiện, trong khi các buổi chiều trong tuần con lại trống. “Nên chăng bố trí học dồn vào các buổi chiều trong tuần để trẻ được nghỉ hẳn ngày thứ 7, dành thời gian học thêm các kiến thức ngoài sách vở, nhà trường”- chị Trang bày tỏ.
Trong khi đó, về phía học sinh, có em đồng tình với đề xuất này vì bản thân có nhiều dự định, kế hoạch vào cuối tuần nhưng cũng có những học sinh băn khoăn. Trường Em Hồ Thùy Linh, học sinh lớp 10 Trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cho rằng, hiện mỗi buổi học các em đều bắt đầu từ 7 giờ sáng tới gần 12 giờ trưa mới kết thúc. Nếu chiều lại học thêm 4-5 tiết nữa thì sẽ khó để tỉnh táo, tái tạo sức lực, nhất là với những bạn nhà ở xa trường như em, nếu đi về nghỉ trưa sẽ không đủ thời gian, còn nếu ở lại lớp chờ học tiếp buổi chiều thì không có chỗ nghỉ ngơi.
Cô giáo Hà Mai Hoa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, về phía giáo viên sẽ có những thuận lợi đó là có thêm thời gian cho bản thân, gia đình, cho việc tự học, tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới. “Dù vẫn số tiết đó nhưng sắp xếp vào trong tuần để nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7 là tạo cơ hội tái tạo năng lượng cho giáo viên. Thầy cô sẽ chủ động sắp xếp thời gian cá nhân hợp lý hơn, thuận lợi khi tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao do các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức” – cô Hoa nói.
Giảm tải hay tăng tải?
Trong khi đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều khác nhau thì tại Hà Nội, nhiều năm gần đây, một số trường THPT đã không thực hiện việc học chính khóa vào ngày thứ 7 như THPT Yên Hòa, THPT FPT… Thay vào đó, ngày thứ 7, nhà trường đã tổ chức các hoạt động thể chất, ngoại khóa theo sở thích của học sinh.
Năm học 2023-2024, một số trường THCS, THPT của TPHCM đã thực hiện việc sắp xếp thời khóa biểu nghỉ ngày thứ 7 thay bằng các buổi chiều trong tuần. Tuy nhiên, một số phụ huynh phản đối vì học sinh phải học tới 9 tiết/ngày là quá tải, trái với nguyên tắc dạy học vừa sức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã quy định. Sở GDĐT TPHCM sau đó đã có chỉ đạo cụ thể, xuyên suốt là ở bậc trung học không quá 8 tiết/ngày. Việc sắp xếp số tiết phải theo căn cứ khoa học, tâm lý, sức khỏe học sinh.
Trước chỉ đạo này, một số nhà trường đã nêu ra những khó khăn khi triển khai. Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, (quận 12, TPHCM) cho biết, khi trường sửa lại thời khóa biểu để học sinh không học 9 tiết/ngày thì nhiều học sinh, phụ huynh lại phản đối vì các em phải đi học thêm ngày, thêm buổi. Nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường duy trì trở lại thời khóa biểu như cũ để học sinh không phải học thêm quá nhiều buổi chiều trong tuần.
Theo quy định, với cấp THPT, chương trình khung quy định 30 tiết/tuần, nếu nghỉ thứ 7, nhiều giáo viên chỉ ra mỗi ngày còn lại học 5 tiết là chưa đủ thời gian, cần học thêm vào buổi chiều. Song theo nguyên tắc xếp thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày đã được Bộ GDĐT nghiên cứu, việc tổ chức học thêm chỉ 1 buổi chiều là không khả thi. Chưa kể, tại nhiều địa phương còn thực hiện các chương trình, đề án dạy liên kết ngoại ngữ, tin học, thể thao… nên số tiết thực tế còn nhiều hơn con số 30 như quy định cứng của chương trình.
Đây cũng là vấn đề băn khoăn nhất của nhiều phụ huynh và giáo viên là để nghỉ học thứ 7, các ngày học khác trong tuần phải học dồn tiết, tăng thêm buổi học chiều vào các ngày trong tuần, tức là tạo thêm gánh nặng cho học sinh.
Chưa kể, một số ý kiến lo lắng nếu nghỉ ngày thứ 7 có phát sinh việc giáo viên dạy thêm hay không? Nếu không có chế tài giám sát, kiểm tra thường xuyên thì việc nghỉ học chính khóa mà tăng học thêm thì vẫn là một vòng luẩn quẩn không thay đổi.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc được nghỉ học thứ 7 sẽ khiến học sinh được xả những căng thẳng rất nhiều, nhất là nếu thời gian nghỉ này không bố trí học thêm hoặc những hình thức học gò ép khác mà trẻ không thấy hứng thú. Tuy nhiên, nếu để được nghỉ học thứ 7 mà học sinh phải học 9 tiết/ngày thì bà Hương không đồng tình.
Học sinh Trường THPT Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trao quyền chủ động cho mỗi trường
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, việc nghỉ học thứ 7 cần nhìn nhận phù hợp với từng độ tuổi. Trong đó, với học sinh cấp 3, các em đã lớn, có thể làm chủ thời gian của bản thân thì việc này nên được khuyến khích. Tuy nhiên, không đơn thuần là nghỉ học ngày thứ 7 mà là lựa chọn các hoạt động khác phù hợp để tăng cường kỹ năng, kiến thức xã hội thực tế cho học sinh…
Nhiều ý kiến cũng ủng hộ việc trao quyền chủ động cho mỗi nhà trường để sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt để học sinh được lựa chọn chương trình học tập, trải nghiệm hiệu quả theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng sống mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới.
Khẳng định xét về góc độ cuộc sống, việc có thêm giờ nghỉ nhiều là tốt, PGS.TS Trần Mạnh Hà (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng lưu ý, việc học tập trên lớp phải thực sự phù hợp, giảm tải cho học sinh. Tới đây, các nhà trường thực hiện theo phương án nào cũng cần phải cân nhắc sự phù hợp vì đặc thù chương trình học ở mỗi cấp học là khác nhau. Đồng thời, thống nhất quan điểm với phụ huynh, học sinh để cùng đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Về hành lang pháp lý, hiện nay không có quy định cụ thể đối với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành hay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về việc dạy học bao nhiêu buổi/tuần ở cấp THCS, THPT. Tuy nhiên, trước đề xuất nghỉ học ngày thứ 7, Bộ GDĐT từng có văn bản trả lời cử tri Bắc Ninh. Theo đó, để bảo đảm thời lượng học tập theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nếu cơ sở giáo dục THCS, THPT được nghỉ học ngày thứ 7 thì học sinh phải có ít nhất 1 ngày trong tuần học cả 2 buổi.
Để đạt được yêu cầu này, cơ sở giáo dục phải có số phòng học ít nhất bằng số lớp học. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của đa số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này nên việc học sinh THCS, THPT phải học ngày thứ 7 là phổ biến. Một số địa phương có đủ cơ sở vật chất đã cho học sinh nghỉ ngày thứ 7 và tổ chức học buổi thứ 2 vào ngày trong tuần.
Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất có thể sắp xếp để cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7, nhưng bảo đảm việc sắp xếp, điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp, không dồn ép giờ học, cắt xén chương trình chung.
Bà Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Hà Nội): Cẩn trọng tính toán phương án phù hợp với nhà trường Mục tiêu của mỗi một bậc học là khác nhau. Số lượng kiến thức mỗi cấp khác nhau. Với đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7 cần tính toán làm sao để không phải là sự tăng tải cơ học, tức là dồn số tiết của ngày thứ 7 đó cho những ngày còn lại. Vì vậy, để tổ chức được cho học sinh nghỉ thứ 7 ở cấp THCS, THPT cần có sự nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng trên quan điểm vì lợi ích của học sinh. Bên cạnh đó, còn phải cân nhắc về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên để làm sao vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình đã đặt ra dù nghỉ thứ 7. Cụ thể, với một số địa phương như Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn - nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt và tận dụng được việc học trực tuyến, tài nguyên số, học mọi lúc mọi nơi… thì việc nghỉ học thứ 7 là khả thi. Tuy nhiên, vẫn cần tính toán cẩn trọng ở từng địa phương, thậm chí từng trường học. Đồng thời, ngoài việc tăng thời gian để đảm bảo còn cần những giải pháp khác như sắp xếp lại phân phối chương trình, các chủ đề, chủ điểm để cùng với sự đổi mới về mặt phương pháp của thầy cô, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, dạy học dự án thì việc học này có thể sắp xếp được không làm học sinh quá tải trong năm học.
Bà Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Hà Nội):
Cẩn trọng tính toán phương án phù hợp với nhà trường
Mục tiêu của mỗi một bậc học là khác nhau. Số lượng kiến thức mỗi cấp khác nhau. Với đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7 cần tính toán làm sao để không phải là sự tăng tải cơ học, tức là dồn số tiết của ngày thứ 7 đó cho những ngày còn lại.
Vì vậy, để tổ chức được cho học sinh nghỉ thứ 7 ở cấp THCS, THPT cần có sự nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng trên quan điểm vì lợi ích của học sinh. Bên cạnh đó, còn phải cân nhắc về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên để làm sao vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình đã đặt ra dù nghỉ thứ 7.
Cụ thể, với một số địa phương như Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn - nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt và tận dụng được việc học trực tuyến, tài nguyên số, học mọi lúc mọi nơi… thì việc nghỉ học thứ 7 là khả thi. Tuy nhiên, vẫn cần tính toán cẩn trọng ở từng địa phương, thậm chí từng trường học. Đồng thời, ngoài việc tăng thời gian để đảm bảo còn cần những giải pháp khác như sắp xếp lại phân phối chương trình, các chủ đề, chủ điểm để cùng với sự đổi mới về mặt phương pháp của thầy cô, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, dạy học dự án thì việc học này có thể sắp xếp được không làm học sinh quá tải trong năm học.