Cho dù phú quý hay bần hàn, nhất định phải có 9 phẩm chất này

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 22:23:27

“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, đây chính là tiết tháo của người quân tử dù phú quý hay bần hàn.


Nho gia giảng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, không bị cám dỗ bởi phú quý, nghèo túng không làm thay đổi tiết tháo, không bị khuất phục bởi quyền uy. Đây chính là tiết tháo của người quân tử dù phú quý hay bần hàn. Trong cuốn Luận Ngữ còn để lại 9 đạo lý tu dưỡng của Nho gia như sau.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Giữ chữ tín


“Nhân vô tín bất lập” , người bất tín chắc chắn sẽ không tạo dựng được chỗ đứng cho mình. Những người mong thành nghiệp lớn từ xưa tới nay, không có ai là người không coi trọng tín nghĩa.


Cuối thời nhà Tần, nước Sở có một người nghĩa hiệp tên là Quý Bố, tính tình khảng khái, trượng nghĩa thích giúp người. Cho dù là khó khăn đến đâu, việc mà ông đã đồng ý thì tận lực làm đến nơi, nên bách tính lưu truyền câu: “Được hàng trăm cân vàng, cũng không bằng được một lời hứa của Quý Bố” . Câu một lời hứa đáng giá ngàn vàng là từ đây mà ra.

Thành tín không chỉ là không nói dối, mà còn phải đối đãi với mọi người thành thực, nói được làm được, còn phải có thể thành thực nhận thức bản thân, đối diện với bản thân, không tìm cớ cho bản thân mình.

Làm chủ bản thân


Trong Luận Ngữ có câu: “Vui mà không dâm, ngã mà không gục” . Tuân Tử lại nói: “Giận không phạt quá, vui không thưởng quá.” Khả năng làm chủ bản thân là một năng lực phải có của đời người. Trên đường đời có rất nhiều loại dụ dỗ, năng lực kiểm soát bản thân là một tấm lá chắn an toàn để đi qua bờ vực nguy hiểm.

Năm xưa nước Ngô tấn công nước Việt, Việt Vương bị bắt. Sau khi bị đày đọa ở trong cung nước Ngô 3 năm, thì ông chịu nhục nếm phân mà được về nước. Về rồi lại nằm trên rơm rạ, nếm mật đắng, từng khắc đều không dám quên, cuối cùng có thể tiêu diệt được nước Ngô. Người có thể tự làm chủ bản thân như vậy cũng coi là hiếm có rồi.

Khoan dung


Khổng Tử nói rằng “nhân” gồm có cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái. Tăng Tử lại nói đạo của Khổng Tử là trung và thứ.

Việc qua rồi thì không nói, chuyện cũ nên bỏ qua, nếu như cứ nhất định ôm chặt quá khứ không bỏ, thì không có cách nào đón lấy tương lai. Thù hận cũng vậy, phẫn uất cũng vậy, nếu để các cảm xúc tiêu cực chiếm lĩnh tâm trí thì ánh mặt trời trong tâm tự nhiên sẽ không đến.


Tưởng Uyển chủ trì nước Thục, thuộc hạ là Dương Hý ăn nói ấp úng. Có người nói Dương Hý vô lễ với Tưởng Uyển, Tưởng Uyển nghe xong cười xòa nói: “Đó là chỗ đáng tin của con người ông ấy.” Đây chính là nguồn gốc của câu nói: “Bụng tể tướng có thể chèo thuyền” , tức là người ở địa vị cao cần khoan dung độ lượng.

Độc lập


“Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc” , 30 tuổi thì tự lập, 40 tuổi thì hiểu rõ sự đời. “Lập” là lập thân, là sự độc lập về tư tưởng, có thái độ của bản thân trong việc đối đãi với cuộc sống, xử thế với người. Tiêu chí thực sự để đánh giá một người trưởng thành là khi gặp phải việc gì họ cũng có chủ kiến của riêng mình, khi làm việc thì có nguyên tắc của bản thân mình.


Thời Đông Hán, có người thời thiếu niên vì nhà nghèo mà chép sách nuôi gia đình. Một hôm, anh dừng bút lại, cảm thán: “Đại trượng phu lập công chốn sa trường.” Có người thấy anh ta như vậy thì cười nhạo, nhưng anh ta lại nói: “Tiểu tử kia, người đâu biết ý chí của tráng sĩ.” Sau này người ấy tòng quân, đi Tây Vực, công lao to lớn.

Tự xét lại mình


Tăng Tử nói trong Luận Ngữ rằng: “Ta hàng ngày đều dùng ba việc xem xét lại mình. Lo việc cho người đã làm hết tâm hết sức của mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín hay chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập hay chưa?”

Người ta không thể không biết nhìn nhận và xem xét bản thân. Người không tự xét mình sẽ không thể tiến bộ. Nhìn vào nội tâm, xét mình mà tỉnh ngộ, là cách tốt để sống có ý nghĩa.

Liễu Công Quyền từ nhỏ đã thể hiện ra tài năng thiên phú về thư pháp. Một hôm, ông gặp một người già không có tay, ông cụ dùng chân kẹp bút lông viết chữ còn đẹp hơn cả chữ do Liễu Công Quyền dùng tay viết. Từ đó Liễu Công Quyền tự biết răn đe mình không được kiêu ngạo và nóng nảy, tự xét bản thân, cuối cùng thành nhà thư pháp đại tài.


Hàn Dũ từng nói: “Tắm suối trong mà tự trở nên thanh khiết” , chỉ khi thường xuyên tự xét lại bản thân, gột rửa tâm linh, thì mới có thể thực sự thăng hoa và trở nên cao thượng.

Nói cẩn thận làm nhanh nhẹn


“Người quân tử nói cẩn thận mà làm việc nhanh nhẹn”. Người xưa nói chuyện cẩn thận, chỉ sợ mình nói lời sai trái, đồng thời dồn sức cho hành động, không dám lơ là.

Chỉ nói mà không làm thì cũng bằng không, con đường không phải do nói tạo thành mà phải đi mới thành. Thành công cũng không phải là nghĩ mà ra, phải thực sự làm một cách hết sức thiết thực mới được. Ruộng tốt do người cày cấy, thuyền nhanh do người năng chèo, có phó xuất mới có phúc báo.

Ổn cổ minh kim


Thời gian không dừng, học tập cũng không ngừng. Học tập là điều không thể khuyết thiếu của con người. “Kiến hiền tư tề” , thấy người hiền thì mong bắt kịp. Khi học thì phải đúc kết những gì mình trải qua thành kinh nghiệm. Có tìm đúng vị trí của bản thân mình, sau này khi gió nổi gặp thời mới có thể thuận gió mà đi.


Đại tướng Lã Mông trong Tam Quốc xuất thân binh nghiệp, lúc đầu không thích đọc sách, dưới sự khuyên bảo của Tôn Quyền mà bắt đầu đọc sách. Sau Lã Mông đàm luận cùng Lỗ Túc, khiến Lỗ Túc phải thốt lên: “Ông quả là tài lược thời nay, không còn là Lã Mông của ngày xưa nữa rồi.” Câu thành ngữ “quát mục tương khan” , nhìn bằng con mắt khác, là từ đây mà ra.

Lạc quan vui vẻ


“Người hiền năng thực sự nhân đức đó là Nhan Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, sống trong ngõ nhỏ xấu xí. Người ta không chịu nổi nghèo khổ mà lo nghĩ, nhưng Nhan Hồi lại không thay đổi, vẫn vui vẻ”.


Vui vẻ hay không không phải do sự việc, mà do bản thân chúng ta nhìn nhận. Người xưa không chỉ không màng phú quý, mà dẫu họ sống bần hàn, nghèo khó thì vẫn khoái hoạt vui vẻ. Tâm họ luôn truy tầm đạo, hướng đến đạo, mà không bị vướng bận vào sự giàu nghèo. Điều họ theo đuổi chính là làm phong phú nội tâm của mình cuối cùng đạt đến cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”. Đây cũng chính là phẩm đức cao thượng “sống an bần lạc đạo” của cổ nhân.

Nho nhã lịch sự


“Tử sở nhã ngôn”, lời của Khổng Tử luôn có lễ tiết, khuôn phép. Nho nhã lịch sự chính là một sự thân thiện. Nó cũng như tia nắng giữa mùa đông lạnh giá, có thể sưởi ấm lòng người.


Theo Vision Times tiếng Trung
Tiểu Minh biên tập

Trí tuệ cổ nhân: Sống chết có số, phú quý do trời


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook