Chờ dòng tiền tiết kiệm quay lại với chứng khoán?
Thị trường chứng khoán đã có diễn biến khá tích cực kể từ sau khi một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu bất động sản, khi cộng hưởng thêm những hỗ trợ từ Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành gần đây.
Chờ dòng tiền tiết kiệm quay lại với chứng khoán?
Thị trường chứng khoán đã có diễn biến khá tích cực kể từ sau khi một loạt ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu bất động sản, khi cộng hưởng thêm những hỗ trợ từ Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành gần đây.
Chờ đợi sự chuyển dịch?
Đợt giảm lãi suất tiền gửi thứ hai của một loạt ngân hàng đang diễn ra với mức giảm được xem là rất mạnh trong vòng hai năm trở lại đây. Đợt giảm này cùng với đợt giảm sau đồng thuận đưa lãi suất tiền gửi về dưới 9,5%/năm vào tháng 12 năm ngoái dường như cho thấy xu hướng tăng lãi suất đã bị cắt đứt.
Trước tình hình này, có lẽ không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng xu hướng lãi suất sẽ ổn định và thậm chí tiếp tục đi xuống, thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm chuyển dịch trở lại sang kênh đầu tư chứng khoán vốn đang được cho là định giá thấp. Với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng niêm yết cao nhất chỉ còn 9%/năm ở một số ít ngân hàng, ở nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là 7,4%, hệ số P/E của kênh tiền gửi tiết kiệm đang nằm từ 11-13,5 lần, đã tăng lên đáng kể từ mức 9-9,5 lần cách đây vài tháng.
Trong khi đó, hệ số P/E của VN-Index hiện nằm quanh 10,7 lần, dù đã tăng lên từ mức 9,95 lần ở thời điểm cuối năm 2022, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với kênh tiền gửi tiết kiệm, cho thấy thị trường chứng khoán dường như vẫn đang được định giá khá rẻ. Đặc biệt, không ít cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt hiện nay vẫn còn đang ở mức rất thấp và định giá rẻ hơn cả so với thị trường chung.
Các thống kê cho thấy, trong lịch sử của thị trường 15 năm qua, đã có bốn lần thị trường bị bán tháo trong khủng hoảng và hỗn loạn, kéo định giá P/E VN-Index giảm về dưới 11 lần. Những thời điểm này lại là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn. Bởi, tại những vùng định giá thấp này, VN-Index đã bật tăng đầy mạnh mẽ từ 35-150% trong 12 tháng sau đó và đều vượt qua vùng đỉnh cũ.
Một số nhóm sử dụng đòn bẫy tài chính lớn có thể hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng lãi suất giảm là xây dựng, bất động sản, dịch vụ tài chính, điện, công nghệ thông tin, bán lẻ,… |
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chỉ số P/E của VN-Index hiện nay tuy ở mức thấp nhưng vẫn đang… nhờ vào kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2022 còn duy trì được phong độ tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng. Nếu dựa vào dự báo cho năm 2023, với mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức cao, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, do đó hệ số P/E Forward của VN-Index có lẽ đang cao hơn nhiều.
Ngoài ra, dòng tiền từ kênh tiết kiệm nếu muốn rót sang chứng khoán cũng phải cần có thời gian dịch chuyển dần. Để hưởng lãi suất cao thì các khoản tiền gửi thời gian qua ít nhất phải gửi ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, giả sử các kênh tiền gửi trong hai tháng đầu năm nay sắp tới sẽ đáo hạn dần, bắt đầu từ nửa cuối năm 2023, và với lãi suất tiền gửi đã giảm về mức không còn đủ hấp dẫn, dòng tiền này có thể quay trở lại với chứng khoán.
Chờ yếu tố củng cố
Cùng với các tín hiệu kỹ thuật tích cực khi VN- Index đã thoát khỏi kênh xu hướng giảm giá từ giữa tháng 1 năm nay, kế đến là những tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua Nghị định 08/2023, mà đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản bật tăng gần đây, việc lãi suất giảm nhanh mới đây cho thấy thị trường chứng khoán đang có khá nhiều yếu tố hỗ trợ.
Dù vậy, với mùa họp đại hội đồng cổ đông đang đến gần, khả năng nhà đầu tư sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận giảm sút mạnh so với giai đoạn trước dựa trên những kịch bản tiêu cực về chi phí lãi vay, đó sẽ là yếu tố phần nào kìm hãm sự đi lên của thị trường. Tuy nhiên, nếu lãi suất tiếp tục giảm xuống trong những tháng tới, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ giảm theo, khi đó lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể diễn tiến khả quan hơn so với kế hoạch đặt ra đầu năm.
Ngoài ra, việc lãi suất giảm thêm cũng sẽ khiến kênh tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm đi mức độ hấp dẫn, càng thúc đẩy sự chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm sang chứng khoán nhanh hơn và lớn hơn, cũng như giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Một số nhóm sử dụng đòn bẫy tài chính lớn có thể hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng lãi suất giảm là xây dựng, bất động sản, dịch vụ tài chính, điện, công nghệ thông tin, bán lẻ,…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm/năm và có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân, nhưng vẫn đang cao hơn 3-3,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Còn theo SSI Research, trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có giảm so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.
Ngoài ra, hiện tại đang có hai yếu tố có thể gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Thứ nhất là nguy cơ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài việc tăng lãi suất với cường độ tăng mạnh hơn so với dự báo trước đây, dựa trên các dữ liệu kinh tế nước này đi chệch so với dự báo, đặc biệt là thị trường lao động vẫn tăng trưởng nóng và lạm phát còn cách rất xa mục tiêu.
Thứ hai là những xáo trộn trên thị trường tài chính của Mỹ mới đây liên quan đến rủi ro phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank, mà một số ý kiến cho rằng có thể khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Được biết cả Fed, Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi (FDIC) và Bộ Tài chính Mỹ đều đang can thiệp khẩn cấp khi đồng ý hỗ trợ tất cả người gửi tiền ở SVB và Signature Bank, đồng thời ngăn chặn những đợt rút tiền đột ngột ra khỏi các định chế tài chính.
Nhưng biết đâu “trong cái rủi lại có cái may”? Theo giới phân tích, sự sụp đổ nhanh chóng của SVB chỉ trong 48 giờ chính là hậu quả của đợt tăng lãi suất mạnh nhất bốn thập kỷ qua nhằm ngăn chặn lạm phát của Fed. Còn theo đánh giá mới đây của Goldman Sachs, Fed có thể không nâng lãi suất nữa vì sự sụp đổ của SVB và Signature Bank. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này không loại trừ khả năng có thể sớm đảo chiều chính sách khi giảm lãi suất trở lại, nhằm hỗ trợ thị trường tài chính đang trong cơn biến loạn lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Triêu Dương
TBKTSG