"Chợ Cô Sầu”, không rượu mà thơm men
Gọi là chợ Cô Sầu, nhưng từ con mắt nhìn của người kể chuyện xưng “anh”, người đọc không thấy “cô” cũng chẳng thấy “sầu”, mà chỉ thấy ở đây rực rỡ màu sắc của khăn thêu và thổ cẩm...
Cứ cuối năm, tôi lại thèm một chuyến lên Cao Bằng. Để được gặp một người bạn vong niên mà tôi rất đỗi yêu mến. Và để được thấm trong mình cái lạnh của miền núi, cái say ngấm lâng lâng của rượu men lá biên thùy.
Năm nay cũng thế. Nhưng đang chưa đi được (và chưa được đi) thì bắt trúng ngay một bài thơ về Cao Bằng xuân đã từ lâu lắm của nhà thơ Hoàng Trung Thông.
Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 – 1993) nổi tiếng là người hay chữ, và hay rượu, của làng thơ Việt Nam. Uống rượu hay và hay uống rượu, hiểu theo nghĩa nào cũng đều đúng.
Ông mượn rượu để tiêu sầu, chuyện ấy bình thường, nếu không muốn nói là không có gì đáng nói, vì lúc ấy rượu chỉ thực hiện đúng một trong những chức năng cơ bản của nó, cái lý do mà bởi thế nó có mặt trên đời.
Nhưng Hoàng Trung Thông còn mượn rượu để lấp đầy cái phần “con người nhỏ bé và luôn không hài lòng với chính mình” – như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhận định về “ông trạng Thông họ Hoàng” – và đây chính là điều khiến mảng thơ giai đoạn cuối đời của Hoàng Trung Thông trở nên đẫm men và cũng đẫm chất ngậm ngùi, dằn vặt, giằng xé đến nát lòng.
Nói như thế để khẳng định: giai đoạn đầu, thơ Hoàng Trung Thông chủ yếu là thơ vui. Vui đánh giặc chiến đấu, vui lao động sản xuất, và vui sống. Thậm chí còn có thể nói, vì rộn ràng vui, quá đỗi vui, luôn vui, nên nhiều lúc ông như ngỡ ngàng với mọi hiện thể của buồn.
Bài thơ “Chợ Cô Sầu” ra đời cuối năm 1962, sau lần đầu tiên Hoàng Trung Thông đặt chân lên miền biên ải Cao Bằng, đất Trùng Khánh, được đi chơi chợ Cô Sầu, là một ví dụ cho sự ngỡ ngàng này:
“Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu
Khăn thêu, thổ cẩm, vải khoe màu
Người đi trảy hội hay đi chợ
Anh đợi em hoài em ở đâu?
Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu
Gà vịt nhiều hơn khoai với nâu
Nón tre, túi vải, người như nước
Anh đợi lâu rồi em đứng đâu?
Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Vai em vàng thắm gánh cam đầy
Đèo cao lũng thấp đường xa nhỉ
Xa mặc đường xa cứ tới đây.
Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Đừng sợ đường trơn anh dắt tay
Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế
Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say”
Toàn bộ bài thơ - bốn khổ, mỗi khổ đều bắt đầu bằng ba chữ "chợ Cô Sầu” – được triển khai trên sự tương phản ngữ nghĩa giữa tên chợ (Cô Sầu) với cái vẻ hoạt náo, ấm nóng, tràn trề sức sống của một bức tranh sinh hoạt vùng cao, khi xuân đến.
Và thấy người, “người như nước”, người đi chợ vui như đi trảy hội. Người đông tới nỗi – điều này hoàn toàn có thể đưa đến suy luận nội văn bản – “Anh” và “Em” có lúc không tìm thấy nhau, không nhìn ra nhau, dẫu đã có một cái hẹn gặp gỡ tại chợ này vào lúc này.
Cho nên, khi khổ thứ nhất và khổ thứ hai của bài thơ kết thúc bằng những câu hỏi: “Anh đợi em hoài em ở đâu?” và: “Anh đợi lâu rồi em đứng đâu?”, thì đây là những câu hỏi bộc lộ nỗi sốt ruột háo hức của những kẻ đang yêu và tin chắc vào món quà Thượng đế giành cho mình, sẽ là của mình, chứ không phải những câu hỏi đau đớn vô vọng trước tuyệt mù mây nước như ở nhiều bài thơ theo công thức “Hẹn – Đợi” khác.
Nỗi sốt ruột háo hức gây lên từ men yêu đương ấy được thỏa mãn trong khổ thứ ba và khổ thứ tư của bài thơ, khi “Anh” và “Em” gặp nhau. Sự phong nhiêu về cảnh sắc không gian xuân của chợ Cô Sầu đã được chuyển đổi công năng cấu trúc, từ không gian tập thể rộng lớn thành không gian vừa đủ cho đôi lứa, có lất phất mưa xuân bay, lại có màu vàng thắm của gánh cam và sắc xanh của áo chàm.
Vừa đủ cho một ân cần níu kéo: “Đừng sợ đường trơn anh dắt tay”. Vừa đủ cho một lâng lâng ảo giác: “Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say”. Câu “Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say” là câu ca dao Tày được Hoàng Trung Thông mượn lại, và trong khung khổ của ngữ cảnh không gian đôi lứa này, câu ca dao ấy đã ngân lên như một dư vị dịu ngọt của bức tranh sinh hoạt vùng cao. Không rượu, mà đẫm thơm men tình.
Bài thơ “Chợ Cô Sầu” của Hoàng Trung Thông, xét ở nội dung, có thể xem như một truyện kể đơn giản về đợi nhau và gặp nhau của đôi trai gái đang yêu. Nhưng nó không cung cấp một sự kiện nào đáng chú ý, mà thay vào đó, nó trình bày một “cái sống” ríu rít, ăm ắp, nồng nàn, thuần hậu, giữa con người với con người, bởi con người với con người.
Và nếu ta biết rằng địa danh “Cô Sầu” thật ra phải đọc là “Co Xàu” – trong tiếng Tày có nghĩa là “góp cơm cho bữa chiều”, chỉ thực tế ở đây thoạt tiên là vùng thung lũng rất hoang vu, người dân qua lại lúc muộn thường vẫn phải tụ nhau lại để tránh thú dữ hoặc thổ phỉ tấn công – thì việc Hoàng Trung Thông khai thác sự tương phản về nghĩa của địa danh, nói theo lý thuyết liên văn bản, là một ví dụ rất thú vị cho việc “đọc sai”.