Chờ 10 năm để mua đồng hồ xa xỉ
Danh sách chờ mua đồng hồ của các thương hiệu xa xỉ trên thế giới ngày càng dài, ở hầu hết các mẫu mã.
Rolex Daytona, Patek Philippe Nautilus và Audemars Piguet Royal Oak là ba trong số những chiếc đồng hồ phổ biến nhất thế giới vào thời điểm hiện tại - với danh sách chờ đợi dài tới 10 năm tại nhiều nhà bán lẻ. Trên thực tế, mọi thứ diễn ra như vậy, một người thậm chí sẽ không có tên trong danh sách trừ khi là khách VIP với lịch sử mua hàng đáng kể hoặc có mối quan hệ cực kỳ tốt.
Cùng với làn sóng này, những mẫu đồng hồ khác cũng có danh sách chờ đợi dài không kém. Giờ đây, người ta cũng không thể cố gắng đi du lịch Thụy Sĩ chỉ để có cơ hội mua đồng hồ nhiều hơn nữa.
Đồng hồ đang là món hàng đầu tư của cả giới triệu phú lẫn những người trẻ tuổi. Ảnh: Swisswatches |
Chợ xám
Tại hội chợ Đồng hồ và Kỳ quan tổ chức tại Geneva hồi tháng 4, Thierry Stern, Chủ tịch Patek Philippe chia sẻ: “Tôi nói với các nhà bán lẻ rằng mọi người phải ưu tiên khách hàng tại địa phương của mình, đừng bán Nautilus cho khách du lịch. Hãy bán cho người từ xa đến mặt hàng khác, và giữ những món ‘hot’ cho khách địa phương. Điều này hợp lý với tôi, đây là một chiến lược tốt”.
Đến giữa năm 2021, thế giới đã có hơn 56 triệu triệu phú, con số gần tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Trong số các triệu phú cũ và mới, đồng hồ đã trở thành tài sản họ cực kỳ thèm muốn, bên cạnh ôtô và nghệ thuật. Trong thời kỳ đại dịch, mọi người không thể chi tiền cho các chuyến du lịch và sự kiện, vì vậy, nhiều người đã chuyển sang mua đồng hồ, cộng với việc nhiều khách hàng trẻ tuổi bắt đầu mua những sản phẩm đắt tiền hơn.
Như Mikael Wallhagen, người đứng đầu bộ phận đồng hồ của Sotheby's châu Âu, nói: “Đó là hành vi của con người, muốn những gì chúng ta không thể có”.
Tình trạng này đã tạo ra một thị trường đồ cũ đắt đỏ được thúc đẩy bởi những người muốn kiếm tiền nhanh chóng bằng cách mua và bán các sản phẩm thông qua nhiều trang web khác nhau. Đối với một số mẫu, có người bán được gấp 3 lần giá bán lẻ chỉ sau khi bước ra khỏi cửa hàng vài phút, từ đó hình thành nên “chợ xám”, nơi các hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá một cách hợp pháp nhưng không chính thức, không được uỷ quyền/cho phép từ nhà sản xuất. Đây là mối lo mà cả các thương hiệu lẫn nhà bán lẻ đều phải đương đầu.
Chủ tịch Patek Philippe Thierry Stern tiếp tục nói: “Chúng tôi mua lại 300 chiếc đồng hồ mỗi năm từ thị trường để kiểm tra xem khách hàng của chúng tôi là ai. Khi chúng tôi nghĩ mình đã nắm được thông tin, tôi sẽ hỏi người bán lẻ, rằng tại sao lại bán cho người này khi họ sang tay ngay sau khi mua? Người bán lẻ có biết anh ta không? Anh ta là ai? Nếu tôi nhận ra các nhà bán lẻ không quan tâm hoặc tệ hơn, kiếm tiền từ điều đó, thì tôi sẽ có các biện pháp trừng phạt. Giải pháp của tôi có thể là ngừng giao hàng trong vài tháng hoặc nặng hơn nữa là đóng tài khoản hoàn toàn. Vì vậy, họ biết rằng nếu chơi trò chơi này thì sẽ có cái giá phải trả”.
Các nhà bán lẻ hành động
Beyer Chronometrie, nhà bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ lâu đời nhất, từ năm 1760, đã thay đổi hoạt động của mình theo những gì đang diễn ra trong thị trường. Khách hàng vãng lai không thể đưa tên họ vào danh sách chờ nữa, và khách hàng của Rolex sẽ phải ký tên vào một văn bản cam kết sẽ không bán lại đồng hồ của họ trong vòng 3 năm tới.
“Đây là thỏa thuận của một quý ông. Nhưng nếu bạn bán đồng hồ của mình, bạn có thể bị cho vào danh sách đen của cửa hàng”, Philippe Meyer của Bayer Chronometrie nói. “Nhiều người khá ngạc nhiên khi thấy chúng tôi lấy giấy tờ ra, nhưng rồi họ cũng không thấy có vấn đề gì cả. Họ hiểu tình hình và hầu hết khách hàng của chúng tôi đều muốn giữ đồng hồ của họ. Chúng tôi áp dụng phương pháp này được 3 năm rồi và nó hoạt động khá tốt”.
Jacqueline Ng, Giám đốc điều hành Swiss Prestige Ltd cho biết: “Các thương hiệu độc lập nhìn chung hoạt động tốt. Thời gian giao hàng phụ thuộc vào sản lượng, nhưng có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Các nhà sản xuất tiên phong như Armin Strom, Moritz Grossmann và Romain Gauthier đều đang trong tình trạng hết hàng, với thời gian giao hàng kéo dài từ 4 đến 8 tháng”.
Tại BH Independent Watchmakers Boutique ở Thượng Hải, tình hình cũng tương tự, theo chuyên gia tư vấn Jet Ye: “Thương hiệu phổ biến nhất trong cửa hàng của chúng tôi là Armin Strom. Khách hàng Trung Quốc không thích chờ đợi quá lâu - đặc biệt là khách hàng mới - vì vậy họ mua cổ phiếu. Còn với các nhà sưu tập dày dạn kinh nghiệm, họ đã quen với việc chờ đợi để có được chính xác thứ họ muốn”.
Và bất chấp mức cầu hấp dẫn, nguồn cung hạn chế này có thể còn kéo dài, vì các nhà sản xuất đồng hồ không thể tăng sản lượng chỉ bằng một bút bấm. “Chúng tôi có 500 người, làm ra 5.000 chiếc đồng hồ mỗi năm. Hiện tại, chúng tôi có 74 mã tham chiếu và 39 bộ chuyển động khác nhau đang được sản xuất nhưng về bản chất, quá trình sản xuất không thể cứ tăng như vậy”, Wilhelm Schmid, Giám đốc điều hành của A. Lange & Söhne, thương hiệu đang có danh sách chờ dài cho hay. Người này nói thêm: “Tôi thích xác định các nhà sưu tập trong tương lai, muốn biết mọi người hiểu về những gì chúng tôi làm. Nhưng nếu bạn không kiên nhẫn và muốn một chiếc đồng hồ bởi vì bạn nghĩ có thể bán đi và thu lời vào ngày hôm sau thì dù không muốn phải kiêu ngạo, tôi vẫn phải nói rằng nó không phù hợp với mô hình kinh doanh của chúng tôi.
Tại sao phải mất đến 3 năm để đưa một người thợ trẻ lên cấp độ một thợ khắc hoặc làm đồng hồ có tay nghề. Sau đó, họ sẽ theo nghề suốt phần còn lại của cuộc đời. Bạn không thể đầu tư quá nhiều thời gian vào những người trẻ tuổi và sau đó dựa vào một người sẽ bán đi chiếc đồng hồ nhanh chóng”.
Theo Phương Kim