Chịu cú sốc nguồn cung từ Nga, ngành hóa chất và phân bón đang chật vật vượt qua 'cơn khát' năng lượng
Cuộc khủng hoảng chính là hồi chuông cảnh tỉnh lớn đối với tất cả mọi người về việc cần tạo ra một hệ thống lương thực mới, một hệ thống ít phụ thuộc vào Nga hơn.
"Tổn thương" từ cú sốc nguồn cung
Cuộc xung đột ở Ukraine đang tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, sự gián đoạn trong vận chuyển hàng hóa đã phá vỡ các hoạt động mua sắm thông thường. Dư âm mà nó mang lại đang được cảm nhận trên khắp các ngành công nghiệp toàn cầu, nhưng tác động đối với lĩnh vực hóa chất và nông nghiệp có vẻ nghiêm trọng nhất.
“Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và các nhà sản xuất phân bón tại châu Âu là hai nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất,” Sebastian Bray, nhà phân tích hóa chất hàng đầu tại ngân hàng đầu tư Đức Berenberg cho biết. “Bất kỳ công ty hóa chất nào sử dụng nhiều năng lượng hoặc khí đốt thường không có kết quả kinh doanh tốt trong vài tháng qua.”
Trước đây, thế giới dựa vào Nga để có phần lớn năng lượng, nguyên liệu cung cấp cho chuỗi thức ăn và các ngành công nghiệp toàn cầu. Mặc dù chiếm chưa đến 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, Nga, Ukraine và nước láng giềng Belarus đóng vai trò lớn với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông nghiệp, khoáng sản, phân bón và năng lượng.
Nga là nhà cung cấp phân bón chính của thế giới và các thành phần quan trọng. Nước này chiếm khoảng 45% thị trường amoniac nitrat, 18% thị trường kali và 14% xuất khẩu phân lân toàn cầu.
Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà sản xuất hóa chất gốc nitơ lớn nhất thế giới, cho biết sự gián đoạn sau cuộc xung đột diễn ra nhanh chóng và phức tạp, gây áp lực lên thị trường vốn đã mỏng manh. Ngay cả trước xung đột, nguồn cung phân bón toàn cầu đã bị gián đoạn kéo dài do Covid, thiếu lao động và các biến động chung.
Ông nói: “Các chuỗi giá trị được tích hợp một cách đáng kinh ngạc. Từ châu Âu, Nga cho đến vị trí của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tất cả những chuỗi này đã được tạo ra trong nhiều thập kỷ. Ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, những sản phẩm này vẫn tiếp tục chảy nên hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra. Nhưng tất cả đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài ngày.”
Mặc dù không có lệnh cấm trực tiếp nào được áp dụng đối với các sản phẩm thực phẩm và phân bón từ Nga, nhưng các quốc gia phương Tây cho rằng xung đột đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Ukraine. Moscow đang đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt đã làm hạn chế các chuyến hàng của họ.
Hồi chuông cảnh tỉnh về sự phụ thuộc
Cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã nhanh chóng ngăn chặn khả năng tiếp cận các nhà cung cấp, trong khi việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến chi phí năng lượng tăng cao.
Sản xuất các thành phần phân bón như nitơ và amoniac cần một lượng lớn khí đốt: chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất. Nhưng giá khí đốt đã tăng 200% ở châu Âu trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8 (dù giá bán buôn khí đốt sau đó đã giảm xuống do các quốc gia xây dựng kho dự trữ).
Nhiều công ty hóa chất của châu Âu, bao gồm cả những người khổng lồ trong ngành như Grupa Azoty, Achema và CF Industries - đã đối phó với tình trạng hỗn loạn bằng việc đóng cửa, cắt giảm và thay bằng hàng nhập khẩu. Theo nhà nghiên cứu CRU Group, châu Âu đã mất khoảng một nửa công suất amoniac và 33% sản xuất phân bón nitơ. Hơn hai phần ba sản lượng phân bón đã bị cắt giảm trong khu vực.
Yara đã phải cắt giảm 65% sản lượng amoniac của mình vì lý do kinh tế. Khoảng 30 triệu đơn vị nhiệt của Anh khí đốt được sử dụng để sản xuất ra 1 tấn amoniac. Vì vậy, nếu Nga trả 2 USD cho khí đốt, thì chi phí biến đổi để sản xuất amoniac ở Nga là khoảng 60 USD. Nhưng tại châu Âu vào tháng 8, giá tương ứng lần lượt là 80 USD và 3.000 USD.
Giá khí đốt giảm gần đây đã cho phép Yara khởi động lại một số hoạt động sản xuất, nhưng Holsether nói rằng tương lai vẫn chưa thể chắc chắn. “Chúng tôi phải rất cẩn thận để không cho phép điều này diễn biến đến mức phá hủy một phần quan trọng của ngành phân bón châu Âu.”
Nguồn cung phân bón đang cạn kiệt sẽ gây thêm áp lực lạm phát đối với giá tiêu dùng vốn đã tăng cao. Thêm vào đó là lo ngại rằng sự sụt giảm của sản lượng cây trồng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Các cuộc đàm phán nhằm gia hạn một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian với Nga nhằm cho phép vận chuyển thực phẩm và phân bón từ Ukraine tháng này đang được tiến hành.
Holsether hy vọng cú sốc nguồn cung sẽ giúp mọi người suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của thế giới vào Nga. “Moscow đang sử dụng năng lượng và lương thực làm vũ khí chiến tranh,” ông nói. “Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn đối với tất cả chúng ta rằng chúng ta cần tạo ra một hệ thống lương thực mới, một hệ thống ít phụ thuộc vào Nga hơn.”
Ngành công nghiệp hóa chất của châu Âu buộc phải 'chuyển mình'
Đức thường được coi là một ví dụ về mối quan hệ bấp bênh của châu Âu với Nga. Trước cuộc xung đột, 55% khí đốt của Đức đến từ Nga. Năm ngoái, Đức là nước xuất khẩu hóa chất lớn thứ ba tính theo giá trị, sau Trung Quốc và Mỹ. Bây giờ, ngành công nghiệp đang phải vật lộn để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Những người bán hàng ở châu Âu đang nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì các sản phẩm thường được định giá trên cơ sở toàn cầu. “Điều này hạn chế khả năng chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng cuối với các hóa chất được sản xuất ở châu Âu, bởi vì khách hàng có thể tìm nguồn sản phẩm với giá rẻ hơn ở nơi khác hoặc đơn giản là không đủ khả năng chi trả”.
BASF của Đức, công ty hóa chất lớn nhất thế giới, tính toán doanh thu đã bị ảnh hưởng bởi cả giá khí đốt tăng cao và nguồn cung hạn chế cũng như chi phí cao hơn của naphtha (hỗn hợp làm từ dầu thô và được sử dụng cho nhựa và chất dẻo). Trong 9 tháng đầu năm 2022, chi phí khí đốt tự nhiên của công ty ở châu Âu cao hơn 2,2 tỷ euro so với năm trước.
Sau đó, trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris đã cảnh báo rằng dầu diesel, một mặt hàng quan trọng khác của các nhóm hóa chất, có thể là tâm điểm tiếp theo của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
“Giá dầu diesel cao đang thúc đẩy lạm phát, gây thêm áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Sự cạnh tranh đối với các thùng dầu diesel không đến từ Nga sẽ rất khốc liệt” một khi lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu mỏ của Nga được thực hiện vào tháng 2.
Các ngành công nghiệp ở châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và kế hoạch xây dựng khả năng phục hồi.
BASF cho biết họ đang “làm việc để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch trong trung hạn, đặc biệt là khí đốt”.
Holsether nói: “Chúng ta cần xây dựng năng lượng tái tạo với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Yara đang phát triển một loại phân bón xanh, không hóa thạch, được cung cấp năng lượng từ thủy điện. Một nhà máy thí điểm đang được tiến hành ở Na Uy và loại phân bón này dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới.
Sebastian Bray cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng cuối cùng sẽ thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào năng lượng tái tạo nhưng đó sẽ là một “giai đoạn chuyển tiếp khó khăn”.
Tham khảo: FT