Chịu ‘áp lực’ từ ông Trump, Trung Quốc ra ‘chiêu’ mới
Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, xu hướng quan hệ thương mại Trung-Mỹ và ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc đã thu hút sự chú ý.
Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc hôm 11/11 đăng bài viết trên các phương tiện truyền thông chính thức, cho biết:
“Trong thời gian tới, Trung Quốc cần phải xây dựng một chu trình nội địa chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa”.
Bài viết chỉ ra rằng để xây dựng một mô hình phát triển mới, cần có một hệ thống chu trình kinh tế nội địa mạnh mẽ và một nền tảng vững chắc. Dựa trên so sánh quốc tế, đặc trưng của các nền kinh tế lớn đều là dựa vào nhu cầu nội địa và có khả năng tuần hoàn nội bộ.
Bài viết tuyên bố rằng Trung Quốc là một nền kinh tế siêu lớn với hơn 1,4 tỷ dân, GDP bình quân đầu người đã vượt qua 12.000 USD, là thị trường tiêu dùng có tiềm năng lớn nhất thế giới.
Đồng thời, Trung Quốc sở hữu hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và quy mô lớn nhất toàn cầu, là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, tạo ra khả năng sản xuất mạnh mẽ.
Do đó, Bắc Kinh hoàn toàn có đủ năng lực để đẩy nhanh quá trình hình thành chu kỳ kinh tế do thị trường trong nước thống trị.
Bài viết lưu ý, xây dựng “mô hình phát triển mới” trong tương lai và nhấn mạnh “chu kỳ trong nước mạnh mẽ, kiên cường và đáng tin cậy” là nền tảng và huyết mạch cho sự phát triển của Trung Quốc.
Chúng ta phải nắm chắc cơ sở chiến lược “mở rộng nhu cầu trong nước”, dựa vào đất nước, dựa vào lợi thế của đất nước về thị trường quy mô cực lớn và năng lực sản xuất mạnh, khai thác triệt để tiềm năng của nhu cầu trong nước, tiếp tục phát huy vai trò cơ bản tiêu dùng và vai trò then chốt của đầu tư, “kích thích tiêu dùng có tiềm năng”, mở rộng đầu tư hiệu quả”.
Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) từ Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ cho biết: Chính quyền Trung Quốc nói như vậy, nhưng thực tế lại không thực hiện các biện pháp nhằm tăng khả năng tiêu dùng của người dân Trung Quốc; hệ thống chính trị của ĐCSTQ khiến việc này trở nên khó khăn.
Các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ được áp dụng, và nền kinh tế Trung-Mỹ có thể sẽ ngày càng tách biệt hơn. Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục xấu đi.
Giáo sư Tạ gốc Hoa nói với báo Sound of Hope rằng: Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc nói rất hay, nhưng có thể sẽ rất khó để thực hiện.
“Bắc Kinh giờ đây cuối cùng cũng bắt đầu thừa nhận một sự thật mà chúng tôi luôn nói ở nước ngoài: Trung Quốc là quốc gia giàu có nhưng dân chúng lại nghèo, nhà nước tiến bộ nhưng người dân bị tụt lùi, tài sản không được phân chia cho người dân, và tiêu dùng cũng không thể gia tăng.
Giờ đây họ mới nhận ra vấn đề này, nhưng những gì chính quyền thực hiện lại không như vậy.
Chúng ta thấy rằng: gần đây Bắc Kinh đã đưa ra gói cứu trợ kinh tế 10.000 tỷ nhân dân tệ, trong đó 60% được dùng để lấp đầy các khoản nợ của chính phủ, 40% còn lại được dùng để cứu trợ các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Thực tế khoản này không hề được chi cho người dân, không tăng thu nhập cho người dân, và cũng không thể tăng cường nhu cầu nội địa.
Vì vậy, những gì chính quyền Trung Quốc nói, thực chất cũng không có ý nghĩa gì”.
Ông Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Biện pháp này kéo dài đến chính quyền Tổng thống Joe Biden, cuối cùng đã bao trùm khoảng 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu đầu tư TS Lombard ở London, trong sáu năm qua, thị phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ 20% xuống 13%, con số này không bao gồm hàng hóa Trung Quốc chuyển khẩu sang Mexico, Việt Nam và các nước khác để vào Mỹ.
Trong thời gian tranh cử Tổng thống, ông Trump đã cam kết sẽ tăng cường đối đầu thương mại với Trung Quốc, áp đặt thuế 60% hoặc cao hơn đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sự khó xử của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ là, ông đã cam kết với phía Trung Quốc rằng sẽ nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong hai năm 2020-2021, tổng trị giá lên tới 2000 tỷ USD, trong đó gần 50 tỷ USD là nông sản.
Tuy nhiên, sau khi ông Trump thất cử vào năm 2020 và rời khỏi Toà Bạch Ốc, ông Tập Cận Bình đã không thực hiện cam kết này. Chính phủ Trung Quốc đã chuyển một phần việc mua đậu nành từ Mỹ sang các nhà cung cấp ở Brazil và Argentina.
Với việc ngành bất động sản của Trung Quốc dư thừa công suất đang kéo lùi nền kinh tế, Bắc Kinh đã tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp năng lượng xanh như xe điện và bảng năng lượng mặt trời.
Khi Liên minh châu Âu gần đây áp thuế đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng tốc mở rộng doanh số bán hàng ở các khu vực khác.
Nghiên cứu viên cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia London, Vu Khiết (于洁), đã nói với tờ New York Times rằng:
“Bắc Kinh đang sử dụng các nước Nam bán cầu để bù đắp tác động của việc thị phần bị phương Tây chiếm đoạt”.
Kinh nghiệm này có thể khiến Bắc Kinh tự tin rằng họ có thể không nhượng bộ trước những mức thuế ngày càng tăng, và có thể phản công bằng cách giảm nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ—đặc biệt là nông sản.
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc so với thời điểm bắt đầu cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vào năm 2018 còn tồi tệ hơn.
Cơn sốt đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã gây ra những hậu quả thảm khốc, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với những tổn thất khó lường, các chính quyền địa phương rơi vào khủng hoảng nợ, tăng trưởng kinh tế yếu ớt, và còn có vấn đề giá cả đang giảm—điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng ngưng trệ lâu dài.
Giáo sư Tạ Điền chỉ ra rằng, sau khi ông Trump lên nắm quyền, ông có thể sẽ trực tiếp chất vấn ông Tập Cận Bình rằng: “Tại sao ông không thực hiện những gì đã cam kết lần trước?”
Điều này đẩy ông Tập vào thế khó: nếu thực hiện lời hứa, ông Tập sẽ đắc tội với các nước Nam bán cầu; nhưng nếu không thực hiện, ông chỉ còn cách cho ông Trump thêm lý do để áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Giáo sư Tạ nhận định, dù thế nào thì các mức thuế của ông Trump chắc chắn sẽ được áp dụng.
Theo ông Tạ, sau cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ trước đó, thị phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ 20% xuống 13%, giảm 7%. Lần này có lẽ con số này sẽ giảm nhiều hơn nữa. Nền kinh tế Trung-Mỹ có thể sẽ tách biệt hoàn toàn hơn, gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tạ chỉ ra rằng, khi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang các nước Nam bán cầu, những nước này cũng sẽ dần cảm nhận được mối đe dọa từ Bắc Kinh, từ đó sẽ có hành động chống lại.
Đồng thời, Trung Quốc đã mất đi thị trường lớn nhất, giàu có nhất và có sức mua mạnh nhất thế giới là Mỹ và châu Âu, và tổn thất này không thể được bù đắp ở nơi khác.
Vì vậy, trụ cột xuất nhập khẩu của nền kinh tế Trung Quốc từ Âu-Mỹ sẽ ngày càng bị suy yếu, và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục xấu đi.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie ở Úc, Hồ Vĩ Tuấn (胡伟俊), ước tính rằng trong năm đầu tiên ông Trump áp dụng các mức thuế mới, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm mạnh 8%, đồng thời làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này xuống 2%.
Nếu ông Trump tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại các nước như Mexico sang Mỹ, thiệt hại của Trung Quốc sẽ còn lớn hơn.