Chip “nhà trồng” của Apple có thể là dấu chấm hết cho GPU AMD trên máy Mac
Việc Apple chuyển sang sử dụng chip của chính mình cho máy Mac đã mở ra nhiều câu hỏi, và một trong những điều nhiều người thắc mắc nhất chính là liệu công ty có tiếp tục hỗ trợ card đồ họa bên thứ ba trên máy Mac hay không.
Tại một phiên hội thảo dành cho nhà phát triển trong khuôn khổ WWDC 2020, cũng như trong tài liệu hỗ trợ nhà phát triển, Apple đã nói rõ rằng các CPU hãng "trồng" được cũng sẽ hỗ trợ các GPU của chính họ. Công ty hiện đã sử dụng các GPU này trên các thiết bị có vi xử lý ARM khác, như iPad và iPhone. Nếu Apple muốn chia tay Intel, thì ai dám chắc họ sẽ không làm điều tương tự với AMD, vốn là nhà sản xuất GPU cho máy Mac? Không có bằng chứng gì thể hiện điều đó, hay ngược lại, và bản thân Apple thì khá kín miệng về vấn đề này, do đó mọi thứ đến lúc này đều chỉ là suy đoán.
Máy Mac dùng chip Apple (gọi là Apple Silicon Mac) có GPU do Apple thiết kế, trong khi máy Mac dùng chip Intel thì có GPU từ Intel, AMD, và Nvidia
Đó là điều chẳng ai ngạc nhiên. Apple đã xác nhận trong bài keynote tại WWDC rằng công ty sẽ từ bỏ vi xử lý Intel để chuyển sang dùng system-on-chip (SoC) của chính mình với Apple Silicon, và đồng thời trong quá trình đó sẽ chuyển sang sử dụng GPU tích hợp cũng của chính họ nốt! Điều chưa rõ là những thay đổi này có ý nghĩa gì với tương lai của GPU rời trên Mac? Apple đã chính thức ngừng hỗ trợ GPU Nvidia khi tung ra macOS Mojave năm 2018, nhưng tiếp tục tung ra một loạt máy Mac với GPU AMD.
Trong tương lai gần, GPU rời của AMD vẫn sẽ được tin dùng. Apple mới đây đã giới thiệu một phiên bản desktop Mac Pro sử dụng GPU AMD Radeon Pro 5500X, và công ty nói trong sự kiện WWDC rằng sẽ tung ra các phiên bản Intel nữa. Nhưng một trong những điều công ty chỉ ra trong phiên hội thảo dành cho nhà phát triển là sự khác biệt giữa GPU Apple và GPU bên thứ ba. Kiến trúc GPU Apple là TBDR (tile-based deferred renderer), còn của Intel, Nvidia, và AMD là IMR (immediate mode renderer).
TBDR bắt toàn bộ khung hình trước khi bắt đầu dựng hình, chia nó ra thành nhiều khu vực nhỏ, tức các ô (tile), được xử lý riêng biệt, do đó nó xử lý thông tin khá nhanh và không đòi hỏi nhiều băng thông bộ nhớ. Kiến trúc này sẽ không thực sự dựng hình khung cảnh cho đến khi nó loại ra mọi điểm ảnh bị chặn.
Ngược lại, IMR dựng toàn bộ khung hình trước khi quyết định điểm ảnh nào cần bị loại ra. Có lẽ bạn đã đoán được: phương thức này kém hiệu quả, thế nhưng đó lại là cách hoạt động của các GPU rời hiện đại, và để làm điều đó, chúng cần rất nhiều băng thông.
Đối với kiến trúc ARM của Apple Silicon, TBDR phù hợp hơn nhiều bởi nó tập trung vào tốc độ và mức độ tiêu thụ điện năng thấp – đó là chưa kể GPU nằm trên cùng chip với CPU, giải thích vì sao chúng ta có thuật ngữ SoC. Đây có lẽ là lý do tại sao Apple lại viết rằng " Đừng nghĩ rằng một GPU rời sẽ mang lại hiệu năng tốt hơn " trong tài liệu hỗ trợ nhà phát triển.
Đó cũng có thể là lý do tại sao demo Shadow of the Tomb Raider (chạy trên Rosetta 2) mà Apple cho chiếu trong bài keynote lại trông tuyệt vời như vậy. Nếu Apple hỗ trợ các nhà phát triển port game không chỉ cho kiến trúc ARM mà còn cả kiến trúc GPU nữa, thì họ sẽ nắm trong tay một vũ khí tuyệt vời để bước chân vào thị trường gaming. Và nếu điều đó xảy ra, máy Mac có thể sẽ trở thành những cỗ máy chiến game thực thụ nếu xét theo điểm benchmark.
Giá cả của các máy Mac dùng chip Apple vẫn chưa rõ, đặc biệt khi bạn có thể lắp ráp hoặc mua một chiếc PC với cấu hình tốt hơn nhưng giá thấp hơn nhiều so với một chiếc máy Mac. Ngoài ra còn có vấn đề liên quan "văn hóa DIY" vốn đã gắn chặt với thị trường PC Windows. Apple thường buộc khách hàng phải dựa hoàn toàn vào công ty nếu muốn giải quyết các vấn đề liên quan phần cứng hoặc muốn nâng cấp cấu hình, và nếu hãng muốn thu hút thêm các nhà phát triển viết game cho phần cứng và nền tảng của mình, hiểu được văn hóa gaming PC sẽ giúp ích nhiều. Dẫu sao thì, nếu GPU của Apple tốt hơn, điều đó cũng không phải là vấn đề nữa.
Giống như Intel, AMD sẽ tiếp tục gắn bó với Apple càng lâu càng tốt, cho đến khi Apple tự tin có thể sống sót mà không cần các linh kiện phần cứng bên thứ ba. Lúc đó, bức tường kín vây quanh hệ sinh thái của Apple có lẽ đã hoàn toàn hoàn thiện.
Tham khảo: Gizmodo