Chính sách Zero COVID của Trung Quốc trói buộc người dân cả nước

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 06:10:28

Để thực hiện chính sách bình thường hóa thử nghiệm axit nucleic, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt tài chính và yêu cầu người dân tự chi trả. Điều này tiết lộ sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội do chính sách Zero COVID của chính phủ gây ra. Các chuyên gia chỉ ra rằng chính sách này đã trói buộc toàn bộ Trung Quốc.

Xét nghiệm axit nucleic trên Phố Tài chính Bắc Kinh (Nguồn ảnh: Weibo).

Thượng Hải bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với thành phố vào ngày 1/6. Nhưng ngày 31/5 chính quyền thành phố Thượng Hải lại thông báo, rằng những người ở các khu vực có nguy cơ thấp vào trung tâm mua sắm và siêu thị, hay những nơi công cộng khác có yêu cầu phòng chống dịch bệnh, phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với axit nucleic còn hạn trong 72 giờ.


Việc tiến hành “bình thường hóa” xét nghiệm axit nucleic trên quy mô lớn đồng nghĩa với việc người dân Thượng Hải phải chấp nhận điều kiện sống bất thường 3 ngày xét nghiệm 1 lần. Nếu không xét nghiệm với tần suất quy định, bạn có thể sẽ bị hạn chế đi lại.

Tương tự như Thượng Hải, việc bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic đã dần trở thành tiêu chuẩn của các thành phố lớn dưới sự hướng dẫn của chính sách Zero COVID của chính quyền Bắc Kinh.


Theo dữ liệu do “Soochow Securities ” (Công ty chứng khoán Đông Ngô) tổng hợp, hiện có khoảng 420 triệu người tại các khu đô thị của Trung Quốc đang xét nghiệm định kỳ.


Theo thống kê từ kênh truyền thông chính thức “China News Weekly ” (Tuần báo Tin tức Trung Quốc), tính đến ngày 14/5, 28 thành phố ở Trung Quốc đã thông báo triển khai việc bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic.

Theo giải thích của giới chức, việc bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic nhằm phát hiện dịch bệnh thông qua một cuộc tầm soát tổng thể quy mô lớn với tần suất cao, từ đó ngăn chặn sự lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ngay trong giai đoạn đầu.

Ở Trung Quốc, xét nghiệm axit nucleic sẽ tác động liên đới rất lớn. Hễ xuất hiện kết quả dương tính, ít thì 1 công dân, 1 gia đình hoặc 1 tòa chung cư sẽ bị cách ly, nhiều thì 1 nhà máy hoặc 1 khu vực ngừng hoạt động, thậm chí 1 thành phố sẽ bị đóng cửa.

Theo ước tính được công bố vào tháng Năm của các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, dựa trên tần suất xét nghiệm 48 giờ một lần, chi phí xét nghiệm hàng năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc sẽ lên tới 200 tỷ nhân dân tệ (NDT, tương đương 30 tỷ USD). Nếu áp dụng phương pháp này cho 70% dân số của Trung Quốc, ước tính chi phí này trị giá khoảng 2.500 tỷ NDT (tương đương 376 tỷ USD) mỗi năm.

Chế độ xét nghiệm axit nucleic lặp đi lặp lại cho toàn dân đã khiến các công ty xét nghiệm y tế liên kết với chính phủ kiếm được một khối tài sản khổng lồ. Nhưng dưới con mắt của các chuyên gia y tế cộng đồng và các nhà kinh tế, Bắc Kinh đã thực hiện một chiến lược sai lầm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.


Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), chuyên gia y tế cộng đồng quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã viết trên Twitter: “Năm 2020, 28% chi phí y tế của Trung Quốc là tự chi trả (2.000 tỷ NDT, khoảng 301 tỷ USD). Do đó, nếu chi phí dự kiến ​​cho việc xét nghiệm axit nucleic thông thường ở các thành phố hạng nhất và hạng hai (2.000 tỷ NDT) được sử dụng để chăm sóc y tế, thì Trung Quốc có thể đạt được dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả mọi người.”


In 2020, 28% of healthcare spending in China was out of pocket (2 trillion yuan). So China could achieve free medical care for its entire population if the amount of money planned for routinizing nucleic acid testing in tier 1&2 cities (2 trillion) is repurposed for healthcare. pic.twitter.com/q6OwHlOSTf


— Yanzhong Huang (@YanzhongHuang) May 30, 2022


Dữ liệu chi tiêu y tế của khoản tự chi trả “2.000 tỷ NDT” được ông Hoàng Nghiêm Trung liệt kê trên Twitter lấy từ “Thông cáo thống kê năm 2020 về Phát triển Y tế và Sức khỏe” do Chính phủ Trung Quốc công bố.

Ngày 26/5, Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, chi phí bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic sẽ do chính quyền địa phương chi trả. Tuy nhiên, nguồn tài chính địa phương không thể gánh nổi chi phí này. Một số khu vực đang dần đưa ra thông báo, yêu cầu người dân tự chi trả.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng quỹ tài chính của chính phủ không sẵn sàng chịu phí này, vì vậy những nơi như tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc đã bắt đầu yêu cầu người dân tự chi trả.

Dù thành phần của quỹ tài chính chính phủ hay quỹ bảo hiểm y tế đều là quỹ do người dân Trung Quốc đóng góp, nhưng hiện họ vẫn phải trả thêm. Đây chắc chắn là một loại thuế mới của chính phủ.


Về cơ bản, việc tự chi trả chi phí bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic có thể được hiểu là người dân Trung Quốc phải nộp một loại thuế mới: “Thuế axit nucleic” .


Ngày 3/6, theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Vương Quán Trung (James Wen), một nhà kinh tế học nổi tiếng, kiêm giáo sư trọn đời của Khoa Kinh tế tại Đại học Trinity Hoa Kỳ cho biết: “Đối với những người bình thường, áp lực kinh tế không chỉ rất lớn, mà còn ảnh hưởng nhiều đến tự do và quyền lợi của họ. Hơn nữa họ còn phải trả tiền cho việc đánh mất những quyền này. Tôi nghĩ đây là chuyện mà thế giới chưa bao giờ biết đến.”


Ông Vương Quán Trung chỉ ra, chính quyền Bắc Kinh phải thừa nhận mô hình phòng chống dịch của họ là sai lầm, “có thể ai đó đã tự trói mình vào chính sách Zero COVID và cảm thấy rằng vốn chính trị sắp mất đi.”


Ông nói: “Làm sao một cá nhân có thể trói buộc cả một quốc gia? Điều này há chẳng phải rất vô lý hay sao?”


Đối với ông Tập, chiến lược “Zero COVID” là nguyên tắc phòng chống dịch do đích thân ông quyết định. Nếu kế hoạch này bị chứng minh có thể bị thay thế, thì quyền lực của ông Tập nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Tập Cận Bình, người tích cực đưa ra chủ trương “chính sách zero COVID”, “biết rằng không thể thực hiện được nhưng vẫn cố làm” .


Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc nói với RFA rằng: “Nếu việc ngăn chặn dịch bệnh ở Thượng Hải thực sự ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc, thì các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ sẽ lấy điều này làm cái cớ để chỉ trích chính sách “Zero COVID”, khiến cuộc đấu đá trong nội bộ càng kịch liệt hơn, làm tăng rủi ro cho việc tái nhiệm của ông Tập Cận Bình.”


Bình Minh (t/h)

Ông Joerg Wuttke: ‘Zero COVID’ của Trung Quốc gây hoang mang hơn thảm sát Thiên An Môn

Chuyên gia thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke nói 'Zero COVID' gây ra cảm giác khủng hoảng hơn vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989

Chia sẻ Facebook