Chính sách xóa nợ cho sinh viên gây tranh cãi ở Mỹ
Chính sách xóa nợ cho sinh viên của chính phủ Mỹ đang gây ra nhiều tranh cãi.
Cứ khoảng 7 người Mỹ thì lại có 1 người gánh món nợ từ thời sinh viên. Khoản nợ lên tới hàng chục nghìn USD có thể đeo đẳng bạn từ 20 tuổi cho tới quá nửa đời người.
Với nhiều sinh viên, nỗi lo sợ nhất khi đi học đại học là thi trượt và nợ môn học. Tuy nhiên, những sinh viên Mỹ còn có một món nợ đáng sợ không kém, đó là nợ tiền. Cụ thể là tiền họ đã vay để đóng học, để trang trải cuộc sống suốt thời sinh viên. Món nợ của thanh xuân đó có thể lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hơn 100.000 USD.
Trung bình một người mất tới 21 năm mới có thể thoát ra khỏi món nợ từ thời sinh viên, tức là khi họ đã ở tuổi tứ tuần.
Mới đây, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã thông qua chính sách, có thể là tin vui với nhiều người Mỹ. 20.000 USD nợ sinh viên sẽ được xóa cho những người học đại học theo chương trình hỗ trợ liên bang Pell Grant và sẽ xóa 10.000 USD nợ sinh viên với ai không được tham gia chương trình này. Tuy nhiên, chính sách này lại đang gây ra nhiều tranh cãi.
Tranh cãi về việc xóa nợ cho sinh viên tại Mỹ
Đối với Moniest Cardell, đây thực sự là tin vui khi cô được xóa đi khoản nợ 20.000 USD.
"Tôi thực sự đã trút đi được một gánh nặng, các khoản nợ sinh viên cũng đã làm cho bố mẹ tôi rất lo lắng", Moniest Cardell, sinh viên Đại học Howard, Mỹ, chia sẻ.
Ước tính, 1/3 số sinh viên Mỹ phải đi vay để trả tiền học, với mức nợ trung bình của mỗi sinh viên là 37.000 USD. Theo Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ, khoản nợ sinh viên tại nước này đang ở mức 1,75 nghìn tỷ USD.
Việc xóa nợ sẽ giúp giải phóng hàng trăm tỷ USD cho chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa lại phản đối vì cho rằng điều đó là không công bằng.
"Điều này rất không công bằng đối với những người đã vay nợ, làm việc chăm chỉ và trả hết nợ. Thật không công bằng với những người đã chọn những con đường khác trong cuộc sống mà không đòi hỏi họ phải vay nhiều nợ", ông Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida, Mỹ, nói.
Dữ liệu cho thấy, những người đi vay nợ đã tăng gấp 3 kể từ năm 2007. Nhà Trắng cho biết, khoảng 40 triệu người vay nợ sinh viên sẽ được hưởng lợi từ việc xóa nợ. Ước tính 90% người vay khoản nợ này có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD.
Sinh viên Mỹ phản ứng trước chính sách xóa nợ
Việc giải phóng hàng trăm tỷ USD để người dân chi tiêu vào lúc này có thể khiến chính sách chống lạm phát của Mỹ gặp khó. Đúng ra đây là một tin vui, nhưng nhiều người Mỹ mang món nợ sinh viên khổng lồ cho rằng, việc xóa nợ như vậy không thấm vào đâu.
Với một sinh viên như chị Lynn Hunt, con số 10.000 USD hay 20.000 USD là quá ít ỏi để tạo ra khác biệt.
"Tổng thống Biden nói rằng có thể xóa nợ tối đa là 20.000 USD, nhưng với những sinh viên nhận gói trợ cấp Pell Grants chẳng hạn, thì họ số tiền họ nợ cao hơn 20.000 USD rất nhiều lần", chị Lynn Hunt, cựu sinh viên Mỹ, cho biết.
Bản thân chị Hunt cũng đang mang một món nợ hơn 70.000 USD từ thời đi học đại học và sau nhiều năm đây vẫn là vấn đề nhức nhối trong bảng cân đối tài chính cá nhân của chị mỗi tháng.
"Ai cũng bảo là "Phải đi học đại học đi không thì chỉ có đi làm tạp vụ ở quán ăn nhanh thôi", nên tôi đã đi vay khoảng 50.000 USD để đi học đại học, với mức lãi suất 6,7%. Kể từ đó trở đi, mỗi lần tôi dư dả được ít tiền để trả nợ, thì lại có sự cố xảy ra. Ví dụ như bị mất việc, hoặc tiền thuê nhà tăng vọt", cho biết thêm.
Mặc dù vậy, nhiều hiệp hội sinh viên vẫn hy vọng chính sách này sẽ chỉ là bước đầu của việc xóa nợ hoàn toàn.
"Nếu chỉ với một chữ ký mà Tổng thống Biden có thể xóa nợ 10.000 USD hay 20.000 USD, nghĩa là ông ấy có khả năng xóa tất cả nợ. Những tháng tới đây là thời điểm để chúng ta vận động chính phủ xóa hết những món nợ vô lý này", anh Dante O'hara, thành viên nhóm "Tập thể những người mắc nợ", nói.