Chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:30:43

Việt Nam vẫn đang đảm bảo tăng trưởng cao, với lạm phát thấp. Sự hài hòa giữa chính sách tiền tệ thắt chặt và nới lỏng là mấu chốt để đạt được hiệu quả tối ưu


Chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng?


Thắt chặt hay nới lỏng? là câu hỏi không dễ trả lời với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thời điểm này. Bởi nới lỏng lạm phát leo thang, còn quá thắt chặt sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Với Việt Nam, đây cũng là chủ đề được không ít chuyên gia cả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm thời gian qua.


Để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về là tín hiệu cho thấy lạm phát chưa thể giảm nhanh được.

Theo ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nếu áp lực lạm phát gia tăng tới ngưỡng 4% mục tiêu của Việt Nam, thì chính sách tiền tệ cần được thắt chặt, song song với thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ để giảm thiểu lạm phát kỳ vọng.

Đồng tiền Việt Nam được đánh giá là ổn định nhất trong khu vực. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào lạm phát và chưa nên nới lỏng; đảm bảo sự thống nhất giữa các công cụ lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng và ngoại hối", ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, đánh giá.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lạm phát dù giảm chậm, nhưng xu hướng giảm đã thấy rõ, nên việc kiểm soát lạm phát có thể nới lỏng để gia tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.


"Cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi để lấy lại đà phát triển, tạo ra vị thế, chỗ đứng để nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định.

Do đó, linh hoạt trong cấp vốn tín dụng cũng là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm.

"Một là vào lĩnh vực để sản xuất kinh doanh; hai là bất động sản, đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp. 14% này không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm ngoái cũng cứ phải 14% có thể có tháng lên 14,3%, có tháng lại tụt xuống 12 - 13%", ông Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nói.

Để góp phần chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp cũng là đề xuất được nhiều chuyên gia nhắc tới.

Đồng tiền Việt Nam được đánh giá là ổn định nhất trong khu vực, khi chỉ giảm giá khoảng hơn 2,2% so với đầu năm. Trong khi các đồng tiền trong khu vực mất giá từ 5% đến xấp xỉ 10%.

Trong khi FED hay ECB lựa chọn diều hâu (chính sách tiền tệ thắt chặt), còn Trung Quốc có thiên hướng bồ câu (nới lỏng), thành công của Việt Nam lại không nằm ở thái cực nào, mà là sự linh hoạt, thận trọng trong các công cụ điều hành. Đây cũng là định hướng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị mới đây.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. (Ảnh: VGP)

"Điều hành chuyển trạng thái không đột ngột, không giật cục và hai là không nới lỏng quá, không siết chặt quá, nguyên tắc là như vậy. Nguyên tắc điều hành là những gì đã đúng, đã trúng và đã có thực hiện chứng minh là có hiệu quả thì mình tiếp tục điều hành theo hướng như vậy. Tức là phải giữ được ổn định trong điều kiện bất định, phải giữ được kiên định, nhất quán trong sự chuyển đổi xáo trộn, giữ được thế chủ động trong sự bị động, phải có công cụ kiểm soát rủi ro về suy thoái, khủng hoảng vì nó là thuộc tính đương nhiên của kinh tế thị trường và xây dựng được phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế lành mạnh trong điều kiện hội nhập sâu rộng. Tôi nghĩ 5 nguyên tắc này rất quan trọng trong điều hành", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Vì sao Việt Nam được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm?


Cũng trong ngày 14/9, trong chuyến thăm Việt Nam của đại diện Moody's, tổ chức vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, sự điều hành hài hòa, hợp lý, linh hoạt và có hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cũng là một trong những nhân tố then chốt được đánh giá cao.

Lý giải về việc nâng hạng nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam, ông Nishad Majmudar, chuyên gia cấp cao của Moody's, cho biết: "Trước tiên, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, sức hút FDI vượt trội so với khu vực ngay cả trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn vài năm qua. Thứ hai là sự cải thiện trong chính sách tài khóa, quản lý nợ công và chuyển sang các nguồn vốn vay trong nước với chi phí thấp hơn. Cuối cùng, sự cạnh tranh của Việt Nam và môi trường kinh doanh đều cải thiện mạnh mẽ".

Đánh giá về chính sách kiểm soát lạm phát của Việt Nam, ông Nishad Majmudar cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được tốt lạm phát nhờ sự ổn định tỷ giá. Các biện pháp cắt giảm thuế, phí, bình ổn mặt hàng xăng dầu và lương thực.


"Với lợi thế là một nước xuất khẩu lương thực, tôi cho rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu lạm phát trong mục tiêu dưới 4% đã đặt ra cho cả năm nay và năm sau", đại diện Moody's nhận định.


Thắt chặt hay nới lỏng? Tăng trưởng hay lạm phát? có thể là những câu hỏi khó, nhưng cũng có thể là mục tiêu kép luôn luôn tồn tại song hành. Câu trả lời như lời người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với điều kiện vĩ mô, lạm phát, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ Facebook