Chính sách cởi mở để phát triển công nghiệp điện ảnh
Sự nhất quán, cởi mở, đồng bộ từ chính sách đến hành động là tiền đề quan trọng để thu hút các đoàn phim, đặc biệt từ nước ngoài.
Tại buổi Gặp gỡ hợp tác phim ảnh Ấn Độ - Việt Nam nằm trong sự kiện Liên hoan phim Ấn Độ (một hoạt động của lễ hội Xin chào Việt Nam 2023), nhà sản xuất phim người Ấn Rahul Mittra tiết lộ, anh đang có kế hoạch thực hiện một web series tại Việt Nam và mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện. Anh cũng nhấn mạnh, đã đến lúc điện ảnh Việt - Ấn cần có những hành động cụ thể đẩy mạnh hợp tác thay vì chỉ dừng lại ở hoạt động giao lưu.
Những trăn trở liên quan đến việc hợp tác sản xuất làm phim với nước ngoài đã tồn tại trong thời gian dài, nay được kỳ vọng sẽ có những thay đổi khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2023. Điều 13 (chương II) của luật quy định hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài chi tiết, cởi mở.
Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam chỉ yêu cầu cung cấp “kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt”.
Trong các văn bản luật trước đây đều yêu cầu các đơn vị sản xuất phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Chính việc yêu cầu thẩm định kịch bản, trong đó có cả phần không thực hiện tại Việt Nam đã làm khó và không thuyết phục được các đối tác nước ngoài. Hệ quả như đã thấy, các nhà làm phim đã lựa chọn sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia…, nơi có nhiều chính sách cởi mở cùng những ưu đãi về miễn giảm thuế, miễn phí bối cảnh…
Thực tế, ngay khi có những chính sách cởi mở từ Luật Điện ảnh, nhiều bộ phim đã được quay tại Việt Nam mà gần đây nhất là Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist’s Guide to Love) với bối cảnh trải dài khắp 3 miền đã tạo hiệu ứng tốt khi được phát sóng toàn cầu trên nền tảng Netflix.
Dù chưa có thống kê về hiệu ứng của bộ phim đối với ngành du lịch Việt nhưng việc được truyền thông quốc tế chú ý đã là một thành công lớn về mặt quảng bá thương hiệu Việt Nam. Đây là bước tiếp nối từ thành công của Đảo đầu lâu (Kong Skull Island) năm 2017 với 70% các cảnh quay ở Việt Nam.
Chúng ta có quyền hy vọng và có cơ sở để tin rằng, Việt Nam sẽ đón nhiều hơn các đoàn phim quốc tế. Ngoài việc quảng bá hình ảnh quốc gia, kích cầu du lịch, hiệu quả trực tiếp với điện ảnh Việt là cơ hội được tham gia, học hỏi và cọ xát với các đoàn phim quốc tế. Chúng ta cần nhiều hơn những cơ hội như thế để góp phần nâng chất, chuyên nghiệp hóa đội ngũ các nhà làm phim - một điểm yếu lớn trong tiến trình phát triển của điện ảnh Việt.
Hiện nay, một số địa phương đã có những chính sách cởi mở nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh đồng thời góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh, du lịch. Hai năm liên tiếp, Khánh Hòa đăng cai tổ chức giải thưởng Cánh diều với nhiều hoạt động đa dạng kết hợp giữa điện ảnh và du lịch. Địa phương này cũng đưa ra những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà sản xuất phim trong nước và quốc tế tới làm phim tại tỉnh.
Trước đó, nhiều tỉnh thành từng là điểm đến quen thuộc của các bộ phim Việt: Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều có những cơ chế hỗ trợ riêng. Thành công của du lịch Phú Yên sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là minh chứng sống động của mối liên kết để vươn xa giữa điện ảnh và du lịch.
Một điều quan trọng khác, đó là bản thân các đơn vị sản xuất phim trong nước cần được ưu tiên hưởng lợi với những ưu đãi trong quá trình làm phim. Đó là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tích hợp hoặc miễn, giảm các giấy phép con; hỗ trợ, giảm giá về dịch vụ ăn ở, bối cảnh cho các đoàn làm phim; các chính sách về thuế, tài chính…